Từ tiểu thương đến doanh nghiệp muốn xuất hàng phải chuẩn bị đủ loại giấy tờ mới có thể thông quan...
Khó vì sao?
Những năm trước, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa 2 nước Việt Nam và Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái tăng vọt. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ách tắc hàng hóa, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời tận dụng tối đa lợi thế của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Cảng cạn ICD đã được đưa vào hoạt động và vận hành như một cửa khẩu.
Cả một bãi xe rộng lớn nhưng cũng chỉ lác đác vài chiếc container chờ xuất hàng. |
Đặc biệt, bên trong khu vực cảng ICD có một chiếc cầu phao, nơi thông thương nông sản chủ yếu của Quảng Ninh sang Trung Quốc và ngược lại. Trước yêu cầu của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, số lượng doanh nghiệp đến với cảng cạn Móng Cái rất đông, lượng hàng hóa trên cảng cũng rất nhiều. Chiếc cầu phao lúc đó gần như quá tải.
“Mỗi ngày, số lượng người và xe di chuyển thông qua cửa khẩu Quốc tế Móng Cái là rất lớn. Đưa vào vận hành cảng cạn ICD có thể nói là sẽ giảm thiểu áp lực thông quan đối với ngành hải quan và biên phòng nói riêng và các lực lượng chức năng”, một cán bộ hải quan tại đây cho hay.
Đấy là câu chuyện của nhiều tháng trước, hiện giờ Cảng cạn IDC vắng hoe, ít xe container dừng đỗ, từ cổng đi vào chỉ vỏn vẹn 4 xe đứng chỏng chơ không biết từ bao giờ.
Khi Cảng hoạt động ít, tất nhiên kéo theo cả dây chuyền những công việc liên quan cũng bị ảnh hưởng. Anh Kiên (37 tuổi) và chị Dậu (32 tuổi), cửu vạn tại cảng, thất thần mệt mỏi ngồi quanh khu vực, anh chị là một trong số ít cửu vạn được chọn bốc dỡ hàng từ mối “làm ăn” cũ. Anh Kiên chia sẻ: nghề này vất vả, cực nhọc nhưng chỉ đủ ăn. Khi có hàng thì có việc, không thì ngồi chơi, đói dài.
Mỗi người một hoàn cảnh, có những người vì cái nghèo nên đến đây tìm việc, ai thuê gì thì làm nấy. Công việc của tất cả lao động tự do quanh khu vực TP Móng cái phụ thuộc rất nhiều vào việc giao thương biên mậu qua lại trên sông Ka Long.
Một trong những công việc liên quan khác phải kể đến những công ty làm dịch vụ thông quan. Những công ty nào lớn thì còn có chỗ đứng, nhiều công ty nhỏ lẻ chuyên hỗ trợ doanh nghiệp xuất hàng thủy sản thì điêu đứng, đóng cửa.
Anh Quân, một nhân viên công ty dịch vụ nói giọng miền Nam cho biết, doanh nghiệp không xuất được hàng, nếu không có bến bãi thì chi phí bỏ ra thuê đất để chứa container hàng cũng không hề rẻ, chi phí chung là 1 triệu/ngày, đơn vị tính theo container, bao gồm tiền phí, tiền điện cắm oxy hoặc bảo quản lạnh cho hàng.
Với số lượng hàng lớn, bình thường 1 container như vậy nếu xuất được thì sẽ thu về từ 2 - 3 tỷ, lãi cho doanh nghiệp khoảng 100 triệu/container, trừ đi số tiền thuê bãi thì cũng chẳng được là bao do bình thường đã phải chờ đợi vài tháng mới có thể xuất. Với tình trạng này, việc các container đắp chiếu dài dài, doanh nghiệp đóng cửa là đương nhiên.
Không thay đổi sẽ không được thông quan
Đã 8 năm ra Móng Cái làm việc, chưa bao giờ anh Quân thấy tình trạng khó khăn như hiện nay. Việc làm dịch vụ xuất khẩu cũng khó mà sống, cố gắng lắm mới thông quan được vài chuyến hàng, không bõ bèn gì. Từ hàng tươi sống, đông lạnh, hàng khô… đều khó.
“Vẫn biết có nhiều doanh nghiệp, thương lái Trung Quốc nhận, thậm chí bên kia họ còn thiếu nhiều hàng, nhưng do siết chặt kiểm dịch, yêu cầu nên không thể xuất hàng”, anh Quân nói.
Mỗi lần thông quan chỉ được vài thùng tôm. |
Sản lượng thủy sản có thể bảo quản là không nhiều, người chăn nuôi cũng đang gặp phải khó khăn khi tới thời điểm thu hoạch, muôn vàn yếu tố tác động đến tình trạng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng trong liên kết, tạo cầu nối giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp. |
Theo anh Quân, với những yêu cầu khắt khe, nhiều công ty dịch vụ phá sản dẫn đến cảnh nợ nần. Anh em cùng nghề nhiều người đắng cay vì kinh doanh khủng hoảng.
Chị Phương, chủ doanh nghiệp lớn tại TP Móng Cái chuyên XK sứa chia sẻ: Tôi có hơn 100 container đang chờ XK, tiêu thụ nội địa không đáng kể, thôi thì ngồi chờ Trung Quốc thông quan và tự an ủi “sứa dễ bảo quản, chỉ cần ướp muối là sẽ không sao” (?!).
Còn nhiều hơn doanh nghiệp như chị Phương trong tình trạng tương tự, hàng tồn, ùn ứ không nơi tiêu thụ bắt buộc doanh nghiệp phải tự linh hoạt trong nâng cấp cơ sở, nâng cao đội ngũ quản trị.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, hiện nay danh mục hàng thủy sản Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép XK vào thị trường Trung Quốc là 120 loại, theo đó nhiều loại hình NK thay đổi.
Nhiều mặt hàng trước đây doanh nghiệp XK qua đường biên mậu không quá khắt khe. Đơn cử, nếu như trước đây tôm XK chỉ cần ướp đá trong thùng xốp, vừa tiết kiệm chi phí mà hiệu quả bảo quản cao, thì nay muốn XK tôm, doanh nghiệp ngoài việc cần mã vùng sản xuất, nuôi trồng thì sản phẩm phải được cấp đông mới đủ điều kiện. Tất nhiên chi phí để cấp đông tôm quá sức với nhiều doanh nghiệp, từ đó đẩy giá thành lên cao và rất khó cạnh tranh.
Ông Nguyễn Tiến An, Phó trưởng phòng Kinh tế TP Móng Cái, cho biết: Các cơ sở nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng đang liên hệ với các doanh nghiệp XK, gia công, chế biến thủy sản có đủ năng lực, điều kiện theo quy định của pháp luật về cấp đông thủy sản, để thực hiện việc cấp đông tôm phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu, hoặc chủ động sơ chế, tiêu thụ theo hình thức khác. Nhưng việc này chưa phải một sớm một chiều là làm được.
“Riêng địa bàn Quảng Ninh hiện có 3 doanh nghiệp được phép XK thủy sản vào thị trường Trung Quốc đã được phía bạn công nhận, đồng nghĩa với việc chỉ 3 doanh nghiệp này đủ trang thiết bị, năng lực thực hiện cấp đông sản phẩm. Một số doanh nghiệp xin cấp phép nhưng đang đợi chấp thuận”, ông An cho hay.