| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc - nhìn từ vùng biên: Bài II - Thông quan khó, có ngay 'cò'

Thứ Tư 17/07/2019 , 06:58 (GMT+7)

Ghi nhận của PV tại TP Móng Cái, nhiều tư thương xuất hàng ở cảng chưa nắm rõ các quy trình để XNK. Họ tìm đến công ty môi giới dịch vụ xuất nhập khẩu, hay còn gọi là “cò”, là giải pháp hàng đầu.

Các chiêu trò của "cò"

“Cò” Quang, chủ một công ty chuyên làm dịch vụ xuất nhập khẩu cho biết: Có quá nhiều lý do khiến cá nhân, doanh nghiệp tìm đến sự giúp đỡ của các “cò”. Đơn giản nhất phải kể đến giấy tờ đăng kí ở hải quan. Tư thương tìm đến do không nắm vững quy định, bỡ ngỡ trong quá trình hoàn tất thủ tục. Nếu không thông qua “cò” mà tự đi làm, tùy từng mã sản phẩm, số tiền phải bỏ ra sẽ khác nhau, trung bình khoảng 8 triệu một bộ hồ sơ đăng kí. Với việc tìm đến các công ty dịch vụ, số tiền bỏ ra tương đương mà nhàn nhã hơn, chỉ cần cấp đầy đủ giấy tờ và hàng hóa, lợi cả đôi bên.

11-45-20_mc3
Kiểm tra thông quan tại cửa khẩu Móng Cái.

Lợi ích của “cò” là khiến cả doanh nghiệp lẫn thương lái đều yên tâm. Muốn giao dịch nhanh gọn đơn giản và cần sự hỗ trợ của bên thứ ba am hiểu tường tận sản phẩm, ngôn ngữ bản địa... thì nhờ “cò” là tất yếu.

Bà Lê Thị Hương, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tại cửa khẩu Móng Cái, cho rằng: Thực ra bất cứ ai cũng đều muốn tự XK hàng hóa, giao dịch trực tiếp với đối tác, nhưng không phải trường hợp nào việc xuất nhập khẩu cũng thuận lợi nếu chỉ có hai bên thực hiện. Tôi lựa chọn một khâu trung gian mà không vi phạm pháp luật, giúp đỡ hoạt động lưu thông trôi chảy, có thêm mối làm ăn.

Có cầu ắt có cung, hàng trăm công ty dịch vụ xuất nhập khẩu lớn nhỏ được hình thành. Chỉ người trong cuộc mới biết, đằng sau hào nhoáng cam kết an tâm, an toàn và hiệu quả, chiêu trò, thủ đoạn được tiết lộ bằng nhiều câu chuyện.

Quang thừa nhận, công việc của “cò” thì hầu hết các trường hợp, nếu không có hợp đồng trực tiếp giữa bên bán bên mua thì bên trung gian đội giá của hàng hóa lên cao để nhận thêm lợi nhuận, ảnh hưởng, thiệt hại đến cả bên xuất và nhập. Anh em nào trong nghề có kỹ năng cao giàu lên nhanh chóng bằng mánh khóe này, họ cũng rất giỏi lấp liếm để đối tác tin cậy, giao phó những hợp đồng tiếp theo.

Nhiều “cò” kinh nghiệm lâu năm trong nghề, biết rõ giá trị thương hiệu của bên xuất, dễ dàng qua mặt tư thương và nhận hàng chế biến hoặc cải tạo thành một sản phẩm khác, chất lượng hàng hóa sẽ ảnh hưởng trực tiếp với bên cung ứng. Đây là một hệ quả rất nghiêm trọng nếu như hàng hóa không đạt tiêu chuẩn và chất lượng cho phép trên thị trường. Hoặc nếu như việc đội giá quá cao do cò xuất khẩu, khách hàng không tin dùng và lựa chọn cơ sở khác, gây thiệt hại về lợi nhuận và tổn hại về thương hiệu cho doanh nghiệp cung ứng.

Như vụ việc Trung Quốc phát hiện bên thứ ba mượn xuất xứ Việt Nam để vào Trung Quốc, cụ thể ớt nhập khẩu Việt Nam nghi là ớt Ấn Độ do có kích thước đặc điểm với ớt Việt Nam, trong khi Ấn Độ chưa được phê chuẩn XK ớt vào Trung Quốc.

“Đúng là thời buổi khó khăn, không khôn để mà chết à? Chỉ còn 2 sự lựa chọn, làm liều hoặc đứng im đợi chết, làm liều một phen may ra cứu sống được cho cả đôi bên”, Quang giãi bày.
 

Chứng thư giả, thiệt hại thật!

Đầu tháng 6 vừa qua, phía Trung Quốc kiểm tra 45 chứng thư thì có tới 19 chứng thư giả. Hải quan nước bạn đã thông báo tới Ban quản lý cửa khẩu Móng Cái và đề nghị phía ta nếu thay đổi nhân sự cấp chứng thư cần báo cáo Trung Quốc, bao gồm cả mẫu chữ ký và tuyên bố sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn.

11-45-20_mc4
Dịch vụ hỗ trợ XK là cần thiết, song cần quản lý chặt.

Để mạnh tay hơn, phía Trung Quốc đề nghị tất cả những trường hợp này sẽ bị cho vào danh sách đen, cấm xuất nhập khẩu, hoặc làm thủ tục thông quan qua Trung Quốc.

Hành động sử dụng chứng thư giả chỉ doanh nghiệp mới rõ, nhiều người ngầm hiểu về sự thao túng của dịch vụ xuất nhập khẩu. Không thể trách doanh nghiệp bởi hàng tồn đọng quá lâu, không có thêm thời gian để chờ đợi XK, đứng trước nguy cơ lỗ vốn, phá sản. Do đó, doanh nghiệp và “cò” tìm cách lách luật, vi phạm để bán tháo hàng.

Điều đáng nói, hải quan khó có thể phát hiện chứng thư giả nếu chỉ qua cảm nhận. Lợi dụng sơ hở này, nhiều vụ tương tự đã thành công. Đối với những doanh nghiệp bị chốt danh sách đen, cấm xuất nhập khẩu thì cái giá phải trả quá đắt. Nếu phía Trung Quốc siết chặt hơn trong cách quản lý, vô tình khiến tình trạng XK nông sản của Việt Nam trở nên khó khăn hơn.

Theo báo cáo của UBND TP Móng Cái, TP đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường mối liên hệ và gắn kết với doanh nghiệp theo hướng đơn giản, minh bạch, rút ngắn thời gian thông quan. Quy tụ cộng đồng doanh nghiệp XNK để tổ chức cung cấp thông tin, chính sách, xu thế hợp tác thương mại Việt - Trung và các giải pháp giúp doanh nghiệp thích ứng với hàng rào phi thuế quan ngày càng cao của phía Trung Quốc.

“Chính quyền khuyến khích, biểu dương hoạt động nhiều công ty dịch vụ xuất nhập khẩu thực hiện tốt vai trò trong lĩnh vực thương mại, giúp đỡ nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm, nhà sản xuất có nguồn hàng cung ứng ổn định, chất lượng.

Tuy nhiên, TP cũng khuyến cáo doanh nghiệp khi làm việc với bên thứ ba cần rõ ràng minh bạch các điều khoản. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ rà soát lại toàn bộ doanh nghiệp “đội lốt” dịch vụ xuất nhập khẩu để tránh những tiêu cực trong quá trình hoạt động, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu chất lượng sản phẩm. Đặc biệt hơn trong bối cảnh nhạy cảm, hàng hóa ùn ứ, không thể xuất sang thị trường Trung Quốc”, ông Vũ Văn Kinh, Chủ tịch UBND TP Móng Cái.

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.