| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm do 'nút thắt' thông quan

Thứ Hai 13/09/2021 , 14:09 (GMT+7)

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam: 'Cũng như thanh long, các mặt hàng khác như chuối, xoài, nhãn… hiện nay gặp khó khi xuất khẩu Trung Quốc'.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ về tình hình xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ về tình hình xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc.

Chi phí vận chuyển nông sản tăng gấp đôi

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết, theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 8 tháng đầu năm xuất khẩu rau quả sơ bộ đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 1,3 tỷ USD, chiếm 58,02% thị phần (số liệu tháng 7/2021).

“Theo dõi kim ngạch xuất khẩu hàng tháng trong 7 tháng đầu năm 2021, xu hướng giảm sút xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, từ tháng 5/2021, kim ngạch đã liên tục giảm, trung bình mỗi tháng giảm 15%”, Tổng Thư ký Vinafruit phân tích.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, nguyên nhân là do tác động nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-9, buộc chúng ta phải áp dụng các biện pháp phòng chống mạnh mẽ nhất, làm cho việc sản xuất, lưu thông hàng hóa bị khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, tại các cửa khẩu đường bộ, từ tháng 5/2021, 8 mặt hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu chính ngạch, trước đây chưa được ký Nghị định thư chính thức về kiểm dịch thực vật với Trung Quốc, nên Trung Quốc đã áp dụng thực hiện việc kiểm dịch thực vật rau quả nghiêm ngặt hơn trước (gần như 100% lô hàng) bên cửa khẩu của Trung Quốc. Động thái này làm cho việc giao hàng bị kéo dài, chậm trễ, xe tải ứ đọng tại các cửa khẩu biên giới lâu.

Lấy ví dụ cụ thể, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, như trước đây 1 xe lạnh chở thanh long từ biên giới Việt Nam vào địa phận tỉnh Quảng Tây chỉ mất 2-3 ngày, nay kéo dài hơn 1 tuần làm chí phí vận chuyển tăng cao gấp đôi (từ 50 triệu/xe tăng lên hơn 100 triệu), dẫn đến thiếu xe để quay đầu chở hàng, làm tăng thêm giá thành hàng hóa, khó cạnh tranh với hàng nội địa Trung Quốc và của các nước khác.

Tổng Thư ký Vinafruit nhấn mạnh: Điều đáng lo ngại là giữa tháng 7/2021, Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu thanh long tại các cửa khẩu Hà Khẩu và Thiên Bảo thuộc tỉnh Vân Nam góp phần làm thanh long trong nước rớt giá mạnh.

Xuất khẩu thanh long, nhất là thanh long ruột đỏ vào thị trường Trung Quốc đang gặp khó.

Xuất khẩu thanh long, nhất là thanh long ruột đỏ vào thị trường Trung Quốc đang gặp khó.

Mặc dù các Bộ, ngành và các địa phương đã tích cực làm việc với phía Trung Quốc nhưng những sự việc như vậy vẫn tiếp tục xảy ra đã gây thiệt hại không nhỏ cho kinh tế Việt Nam nói chung và cho các doanh nghiệp nói riêng.

Tuy nhiên, rau quả (thanh long…) xuất khẩu bằng đường biển đi Trung Quốc thì không gặp những vấn đề khó khăn như vậy tại các cảng đến của Trung Quốc. Hàng container chỉ gặp khó do thiếu container lạnh, giá cước cao và kiểm dịch thực vật ở cảng Việt Nam (như cảng TP. Hồ Chí Minh) lại khó hơn.

Cạnh tranh với rau quả từ Thái Lan, Campuchia và Lào

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, cũng như thanh long, các mặt hàng khác như chuối, xoài, nhãn… hiện nay gặp khó khi xuất khẩu Trung Quốc, còn do đụng thời vụ với hàng nội địa Trung Quốc với sản lượng càng ngày càng tăng do nông dân Trung Quốc gia tăng diện tích trồng rất nhanh (nhất là thanh long ruột đỏ, nhãn), dẫn đến giá bán ra giảm.

Hiện xuất khẩu thanh long ruột đỏ sang Trung Quốc rất yếu do Trung Quốc trồng rất nhiều loại này và chất lượng ngày càng ngon hơn.

Bên cạnh đó, nhiều công ty tại Trung Quốc đầu tư trồng sản phẩm cùng loại nhiều tại Thái Lan, Campuchia, Lào… với chất lượng và mẫu mã đẹp, nên họ ưu tiên đem sản lượng đã đầu tư về Trung Quốc tiêu thụ, tạo sự cạnh tranh với hàng Việt Nam.

Chính vì vậy, các thương gia Trung Quốc không có hoặc lãi ít khi nhập và bán hàng từ Việt Nam (nhất là giá cước xe vận chuyển tăng cao như hiện nay, thời gian thông quan hàng lâu, phẩm chất bị giảm sút…).

Quy trình, thủ tục phát sinh làm mất thời gian, tiền bạc, tăng chi phí, tăng giá thành vận chuyển nông sản.

Quy trình, thủ tục phát sinh làm mất thời gian, tiền bạc, tăng chi phí, tăng giá thành vận chuyển nông sản.

Ba vấn đề lớn nảy sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc được ông Đặng Phúc Nguyên kể ra, đó là: Thứ nhất, do đứt gãy chuỗi cung ứng (tại các vùng nguyên liệu do không có hoặc thiếu lao động hoặc người lao động không thể làm việc khi thiếu các điều kiện phòng chống dịch. Người có nhu cầu không tiếp cận được nguồn hàng, người sản xuất ra sản phẩm hàng hóa tại các vùng sản xuất không đưa được đến nơi sản xuất, tiêu thụ...).

Thứ hai là, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương, hàng xuất khẩu bị khó khăn do các lệnh giãn cách, việc thực hiện các chỉ thị ở các địa phương không nhất quán, thiếu sự phối hợp dẫn đến ách tắc... Thiếu phương tiện vận chuyển đặc biệt là vận chuyển hàng hóa xuất khẩu như xe lạnh, container lạnh, tàu biển…

Và thứ ba là nhiều quy trình, thủ tục phát sinh làm mất thời gian, tiền bạc, tăng chi phí, tăng giá thành... như giấy phép đi đường cho người và phương tiện.

Đề xuất nhóm giải pháp ngắn hạn và dài hạn

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, trong ngắn hạn, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các phương tiện giao thông vận tải để giải tỏa ùn ứ sản phẩm hàng hóa từ các vùng sản xuất đến nơi tiên thụ, đến các kho xưởng, nhà máy chế biến, sản xuất, giao hàng đến các bến bãi, cảng biển để xuất khẩu.

Đồng thời cấp giấy phép đi đường nhanh chóng thuận lợi cho các đối tượng là cán bộ nhân viên, lao động tại các nhà máy đóng gói rau quả xuất khẩu tập trung, cán bộ, nhân viên làm các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa... tại cảng và các cửa khẩu…

Tạo điều kiện nhanh, thuận lợi giao hàng cho các mặt hàng dễ hư hỏng như nhãn, xoài, thanh long tại các cửa khẩu đường bộ, đường biển… Ngoài đối tượng ưu tiên tuyến đầu, cần tăng độ phủ vacxin phòng Covid-19 tối đa cho các lao động trong sản xuất, thu hái, đóng gói hàng rau quả xuất khẩu để đảm bảo đủ nhân công hoạt động và đảm bảo hàng không bị nhiễm Covid khi xuất khẩu sang nước bạn.

Bên cạnh đó, nhằm giảm bớt giá thành vận chuyển, đề nghị miễn giảm phí BOT cho các xe tải chở hàng rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh của năm 2021 và 2022.

Còn về các giải pháp dài hạn, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, cần sớm tổ chức đàm phán ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật với phía Trung Quốc cho 8 mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch, nhằm giúp giảm bớt thời gian xe đợi thông quan, giảm giá thành vận chuyển đường bộ, tăng thời gian quay vòng xe đáp ứng sản lượng sẽ tăng sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19.

Đồng thời, tổ chức sản xuất nguyên liệu theo quy hoạch, điều tiết quy mô, tốc độ tăng trưởng phù hợp. Không tăng sản lượng các mặt hàng rau quả có nguồn cung cao tại thị trường Trung Quốc như thanh long (nhất là thanh long tuột đỏ), chuối, nhãn…

Tổ chức, chỉ đạo sản xuất theo nhu cầu thị trường, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra phải phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc (tiêu chuẩn VietGap...), tăng cường sản xuất trái vụ với hàng nội địa Trung Quốc.

“Chất lượng sản phẩm phải từng bước cải tiến vượt trội về giống, vệ sinh an toàn thực phẩm để cạnh tranh được với hàng các nước xung quanh và nội địa Trung Quốc, vì họ cũng đang càng ngày càng cải tiến chất lượng, giá cả… để giữ thị phần”, Tổng Thư ký Vinafruit nói.

Ông cho rằng, Chính phủ cần tranh thủ các cuộc gặp gỡ với các viên chức cấp cao Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn ách tắc tại cửa khẩu biên giới và đàm phán thúc đẩy mở rộng thêm thị trường cho các mặt hàng rau quả khác mà ta có thế mạnh như sầu riêng, chanh dây, bơ, dừa…

Đây là cách mà Campuchia đã và đang thực hiện để mở cửa cho xoài, chuối trong năm nay, và sắp tới là nhãn, thanh long… xuất khẩu chính ngạch cho Trung Quốc.

Mặt khác, cần có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất đối với nhà đầu tư (bao gồm nhà đầu tư từ Trung Quốc) để phục hồi và phát triển sản xuất, tạo dựng chuỗi cung ứng, tiêu thụ bền vững.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Khám phá Nhà máy xanh TH true MILK: Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch

Không chỉ cung cấp những ly sữa tươi sạch TH true MILK, nhiều năm qua, Tập đoàn TH còn tham gia phát triển nền nông nghiệp Việt Nam xanh, bền vững.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.