| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu thủy sản có thể chạm mốc 9 tỷ USD

Thứ Hai 05/07/2021 , 10:11 (GMT+7)

Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm và đã hồi phục so với thời điểm trước Covid-19. Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục hồi phục trong nửa cuối năm.

Xuất khẩu thủy sản năm nay có thể chạm mốc 9 tỷ USD. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xuất khẩu thủy sản năm nay có thể chạm mốc 9 tỷ USD. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xuất khẩu thủy sản đã hồi phục

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như tác động của dịch Covid-19, tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản vẫn đạt kết quả khả quan.Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 3,27 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản trong tháng 6 vừa qua tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng ước tính là 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 865 triệu USD. Nhờ vậy, ước tính trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đã đạt trên 4,1 tỷ USD. 

Điều quan trọng nhất của xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm nay không chỉ là tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái mà là đã phục hồi về mức trước đại dịch. Bằng chứng là giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 5 không chỉ tăng so với cùng kỳ năm 2020 mà cũng tăng 4,7% so với tháng 5/2019. Xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm nay không chỉ tăng so với 5 tháng năm 2020 mà cũng tăng 3,1% so với 5 tháng đầu năm 2019.

Sự phục hồi của xuất khẩu thủy sản trước hết là do các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội thị trường nhờ nguồn cung nguyên liệu thủy sản trong nước ổn định, trong khi một số nước xuất khẩu lớn bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimexvn, cho hay, Ấn Độ, Indonesia là những nước nuôi tôm lớn bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, chưa thể phục hồi trong thời gian ngắn, khiến cho nguồn cung bị thiếu hụt. Đây là cơ hội để ngành tôm Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và có thể đạt 4 tỷ USD trong năm nay.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại của những thị trường chủ lực như Mỹ, EU …, cũng đã góp phần quan trọng để thủy sản Việt Nam phục hồi xuất khẩu.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2021, nhờ chiến dịch tiêm chủng Covid-19 nhanh, cùng với gói kích thích kinh tế kịp thời của Chính phủ Mỹ, nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản của nước này ở các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, giải trí… phục hồi, qua đó giúp cho tiêu thụ thủy sản ở Mỹ tăng mạnh. Đặc biệt, mặt hàng tôm luôn nằm trong nhóm sản phẩm thuỷ hải sản tiêu thụ hàng đầu của Mỹ.

Mặt khác, Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng thị phần tại thị trường Mỹ khi ngành thủy sản Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bùng phát và xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc sang Mỹ vẫn bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại giữa 2 nước và do chính quy định kiểm soát dịch Covid-19 của Trung Quốc.

Thu hoạch tôm sú ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thu hoạch tôm sú ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU trong 5 tháng đầu năm 2021 cũng tăng mạnh khi nhu cầu thị trường này phục hồi và thủy sản Việt Nam có lợi thế với ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA. Mặc dù kinh tế EU phục hồi chậm hơn so với Mỹ, nhưng nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở khu vực này đang phục hồi khi dịch Covid-19 dần được khống chế, các nước trong khu vực đang từng bước mở cửa dịch vụ ăn uống ngoài gia đình và ngành du lịch.

Bên cạnh đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường có FTA tiếp tục tăng mạnh, trong đó xuất khẩu sang Úc, Canada và Nga đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Có thể đạt 9 tỷ USD

Nhận định về cơ hội thị trường trong nửa cuối năm 2021, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục phục hồi khi các doanh nghiệp đã thích nghi tốt với những biến đổi của thị trường dưới tác động của dịch Covid-19. Nhu cầu từ các thị trường lớn tăng khi kinh tế phục hồi sau đại dịch và các ưu đãi từ những hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực cũng là yếu tố hỗ trợ ngành thủy sản.

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc VASEP.PRO, nhận định, nhìn chung, trừ việc thị trường Trung Quốc kiểm soát chặt hàng nhập khẩu liên quan đến kiểm tra Covid-19 làm ảnh hưởng đến doanh số xuất khẩu thủy sản, những kết quả xuất khẩu rất khả quan sang các thị trường trọng điểm và các thị trường khác trong nửa đầu năm nay, cho thấy đích xuất khẩu 8,8-9 tỷ USD vào cuối năm 2021 là con số khả thi với thuỷ sản Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp cũng cần theo dõi diễn biến thị trường, đặc biệt là tình hình phục hồi khả năng cung ứng từ các thị trường cung cấp khác như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan, Indonesia … sau đại dịch để có thể chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, bất ổn trong ngành vận tải biển toàn cầu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ vẫn sẽ tiếp tục là vấn đề gây khó khăn đối với ngành thủy sản. Nhu cầu đối với vận tải biển tăng mạnh, sự chậm trễ tại các cảng và thiếu trang thiết bị đang tiếp tục đẩy giá container lên những mức cao kỷ lục mới. Vào thời gian đầu đại dịch, phần lớn mọi người đều cho rằng chi phí sẽ chỉ tăng trong 1 – 2 quý, nhưng hiện nay, các chuyên gia dự báo chi phí sẽ tiếp tục tăng lên vào năm 2022.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.