| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản chủ lực tràn đầy triển vọng

Xuất khẩu tôm tự tin vượt mốc 4 tỷ USD

Thứ Tư 11/05/2022 , 14:15 (GMT+7)

Ngành thủy sản hướng tới mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD từ lâu, nhưng chưa thực hiện được và năm 2022 đang đứng trước cơ hội lớn trở thành hiện thực.

Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty Thông Thuận, Ninh Thuận. Ảnh: Thanh Sơn.

Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty Thông Thuận, Ninh Thuận. Ảnh: Thanh Sơn.

Tín hiệu tốt từ thị trường chính

Xuất khẩu tôm trong những tháng đầu năm nay đang tăng trưởng rất ấn tượng. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), quý I năm nay, xuất khẩu tôm đạt gần 955 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một sự tăng trưởng mang tính vượt bậc so với quý đầu năm của các năm trước đây.

Bà Kim Thu, Chuyên gia thị trường tôm VASEP cho biết, trong quý I vừa qua, xuất khẩu tôm tới các thị trường chính đều tăng trưởng 2 con số. Điều này cho thấy, nhu cầu thị trường đang khá thuận lợi đối với con tôm.

Với thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam là Mỹ, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang nước này đã đạt gần 195 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ.

Tại một thị trường lớn khác của tôm Việt Nam là Nhật Bản, tín hiệu thị trường cũng đang rất khả quan trong những tháng đầu năm nay. Đến giữa tháng 3, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt trên 113 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ 2021.

Sự tăng trưởng tại thị trường Nhật Bản càng đáng chú ý hơn khi mà 2 năm qua, xuất khẩu tôm sang thị trường này liên tục giảm về giá trị so với năm trước đó (năm 2020 giảm 0,9%, năm 2021 giảm 6%).

Với thị trường EU, xuất khẩu tôm trong quý đầu năm nay đạt hơn 159 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang 3 thị trường đơn lẻ chính trong khối là Hà Lan, Đức và Bỉ tăng lần lượt 77%, 59% và 82%.

Cơ hội lớn

Việc đạt gần 1 tỷ USD về giá trị xuất khẩu ngay trong quý đầu tiên của năm 2022 đang giúp cho ngành tôm Việt Nam càng thêm tự tin sẽ vượt mốc 4 tỷ USD trong năm nay, nhất là khi những dự báo khá lạc quan về mặt thị trường.

Theo VASEP, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bao gồm tôm của Nhật Bản còn rất lớn. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới và bình thường hóa các hoạt động kinh tế, xã hội sau Covid-19. Hiện Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh với 106 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Mỹ, hầu hết châu Âu và nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Mặt khác, Việt Nam và Nhật Bản đều đang là thành viên của 4 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Với những yếu tố như trên, VASEP cho rằng, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản có nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm nay.

Ở thị trường EU, nhu cầu tiêu thụ tôm thường tăng vào cuối mùa hè và đầu mùa thu nên các nhà nhập khẩu và phân phối tại EU đang chuẩn bị các đơn hàng từ thời điểm này.

Ngay trong tháng đầu tiên của năm nay, Mỹ đã nhập khẩu 78.716 tấn tôm từ nhiều quốc gia, trị giá 744,9 triệu USD (thông tin từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ - NOAA), tăng 13% về khối lượng và 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 2, nhập khẩu tôm vào Mỹ tiếp tục tăng mạnh với 66.335 tấn, trị giá 636,4 triệu USD, tăng 25% về khối lượng và 41% về giá trị so với tháng 2/2021.

Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ trong năm 2022 dự kiến sẽ tiếp tục đà tăng trưởng của năm ngoái. Do đó, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng tới.

VASEP dự báo xuất khẩu tôm trong năm nay sẽ vững đà tăng trưởng nhờ nhu cầu từ các thị trường vẫn tốt và ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP …

Trong quý II, xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, và xuất khẩu cả năm có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 10%. Như vậy, xuất khẩu tôm cả năm 2022 sẽ tràn đầy cơ hội lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.