| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc chuyển sang dùng ngô thay ​​lúa mì làm thức ăn chăn nuôi

Chủ Nhật 17/10/2021 , 11:17 (GMT+7)

Lần đầu tiên trong năm, giá ngô tại Sơn Đông giảm xuống bằng với giá lúa mì, khiến các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi chuyển mạnh sang sử dụng ngô.

Giá ngô chạm đáy

Giới thương nhân và các nhà phân tích cho biết, giá ngô tại các vùng chăn nuôi trọng điểm ở Trung Quốc như Sơn Đông cuối tuần này đã được giao dịch ở mức “hiếm có” trong nhiều năm qua- tức là ngang bằng với giá lúa mì.

Người dân ở thành phố Liêu Thành, tỉnh Sơn Đông xếp hình ngô chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 hồi tháng 10/2017. Ảnh: THX

Người dân ở thành phố Liêu Thành, tỉnh Sơn Đông xếp hình ngô chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 hồi tháng 10/2017. Ảnh: THX

Điều này được cho là không ít bất ngờ bởi sản lượng ngô sản xuất trong nước cũng như khối lượng dự trữ giảm mạnh trong năm ngoái đã dẫn đến nguồn cung sụt giảm, từng có thời điểm đẩy giá ngô nội địa lên mức cao kỷ lục. Thậm chí đến ngay cả ngô lai công nghiệp cũng đắt đỏ, từng buộc những nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi Trung Quốc phải loay hoay chuyển sang tìm kiếm các lựa chọn thay thế. Hệ quả là họ đã nhập khẩu một khối lượng kỷ lục lúa mì làm nguyên liệu để sản xuất và cung cấp thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, với giá ngô nội địa hiện đang giảm giá ngay trước thềm vụ thu hoạch ngô chính chuẩn bị bắt đầu thì lợi thế về giá của lúa mì so với ngô đã “bỗng dưng” biến mất.

Ông Li Hongchao, nhà phân tích của hãng kinh doanh nông sản và tư vấn nông nghiệp Myagric.com, cho biết: “Việc sử dụng lúa mì trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi dự kiến ​​sẽ còn giảm hơn nữa, khi giá ngô vụ mới được dự báo sẽ thấp hơn lúa mì”.

"Không có cái gì gọi là lòng trung thành ở đây cả. Chúng tôi chỉ nhìn vào giá cả mà thôi", giám đốc một công ty thu mua nguyên liệu của một nhà sản xuất chăn nuôi lớn có trụ sở ở miền bắc Trung Quốc nói.

Hiện giá ngô tại tỉnh Sơn Đông - vựa ngô lớn vùng ven biển phía đông Trung Quốc, đồng thời là một trung tâm chăn nuôi ở quốc gia đông dân số nhất thế giới đang ở mức 2.600 nhân dân tệ một tấn vào hôm 15/10 (tương đương 404 USD hoặc 9,2 triệu đồng Việt Nam/tấn), giảm tới 15% so với mức cao kỷ lục hồi tháng 3 và thấp hơn giá lúa mì trong cùng khu vực.

Vị này còn tiết lộ, gần đây nhà máy của họ đã cắt giảm việc sử dụng khẩu phần lúa mì trong sản phẩm thức ăn chăn nuôi xuống còn 5% so với 10% trước đây. "Chúng tôi đã quay sang sử dụng nhiều ngô hơn vì giá ngô đã giảm trở lại", nhân vật giấu tên này cho biết vì không được công ty cho phép giao du với giới truyền thông.

Dữ liệu từ hãng Shanghai JC Intelligence cho thấy, giá lúa mì trung bình cũng đã giảm khoảng 350 nhân dân tệ mỗi tấn (khoảng 54 USD) ở Sơn Đông trong năm nay. Tuy nhiên giá của loại lương thực này vẫn ở mức cao hơn khoảng 250 nhân dân tệ mỗi tấn, được ghi nhận từ năm 2019 đến năm 2020.

Theo các chuyên gia, với giá ngô hiện ngang bằng hoặc thấp hơn lúa mì, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đã bắt đầu cắt giảm đáng kể việc sử dụng lúa mì trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi.

Con số thống kê cho biết, việc sử dụng nguyên liệu lúa mì trong thức ăn chăn nuôi gia cầm và lợn ở miền bắc Trung Quốc đã bị cắt giảm từ 40% xuống 20% tính từ đầu năm so với thời điểm tháng 10. Trong khi đó, tỷ lệ này ở khu vực miền trung thậm chí còn bị cắt giảm tới 40%.

Tại các tỉnh miền nam Trung Quốc, giá ngô gần đây cũng chạm đáy, thấp hơn giá lúa mì, trong khi ở vùng vành đai ngô đông bắc nước này, giá ngô cũng rẻ hơn giá lúa mì sản xuất tại chỗ kể từ cuối tháng 8.

"Không có nhiều lúa mì dùng làm thức ăn chăn nuôi ở vùng đông bắc. Trừ khi giá ngô tăng lên đáng kể thì các nhà sản xuất ở đây mới sử dụng sang lúa mì", một giám đốc mua hàng của một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có trụ sở tại khu vực cho biết.

Vào tháng 9, một nhà phân tích tại Trung tâm Thông tin Ngũ cốc & Dầu ăn Quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này dự kiến ​​sẽ sử dụng 36 triệu tấn lúa mì làm thức ăn chăn nuôi trong niên vụ 2021/22. Tuy nhiên tình hình mưa lũ gần đây đã làm trì hoãn việc thu hoạch ở các vùng sản xuất phía bắc Trung Quốc, đng làm dấy lên những lo ngại về cả sản lượng và chất lượng mùa màng.

Sang đầu tháng này, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cũng đã hạ sản lượng ước tính của ngô năm nay do ảnh hưởng của mưa lũ. "Chúng tôi sẽ có đánh giá sâu hơn chừng nào ngô được nông dân thu hoạch tung ra thị trường với khối lượng lớn", một đại lý thu mua ngô làm thức ăn chăn nuôi cho biết.

Áp giá sàn cho lúa mì

Trong diễn biến mới nhất, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc vừa có thông báo tăng giá thu mua lúa mì tối thiểu năm 2022 lên mức 2.300 nhân dân tệ/tấn. Động thái mới của các nhà hoạch định chính sách được mô tả là một phần trong nỗ lực tăng cường an ninh ngũ cốc ở nước này, khi giá thị trường giảm mạnh đồng thời hỗ trợ nông dân trong nước.

Như vậy, việc áp đặt giá sàn cho lúa mì vào năm 2022 là 2.300 nhân dân tệ (357 USD/tấn) đã tăng so với mức giá trung bình 2.260 nhân dân tệ/tấn của năm 2021.

Sơn Đông là tỉnh mỗi năm sản xuất trên 3 triệu ha ngô. Ảnh: China.org

Sơn Đông là tỉnh mỗi năm sản xuất trên 3 triệu ha ngô. Ảnh: China.org

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang tập trung vào chính sách mới về an ninh lương thực và cũng là lần đầu tiên nước này áp giá sàn cho lúa mì kể từ năm 2014.

“Chính quyền các địa phương phải hướng dẫn nông dân trồng trọt hợp lý, tăng cường quản lý trên đồng ruộng, thúc đẩy sản xuất ổn định và nâng cao chất lượng ngũ cốc”, thông cáo của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cho biết.

Meng Jinhui, nhà phân tích cấp cao của tập đoàn Shengda Futures nhận định điều này cho thấy “nhà nước đang chú trọng tối đa đến an ninh lương thực”. “Nó không có tác động lớn đến thị trường trong ngắn hạn. Nhưng điều quan trọng là nó có thể đóng vai trò là định hướng và củng cố niềm tin của nông dân trong việc sản xuất”, ông Meng nói thêm.

Trước đó, Bắc Kinh nhiều lần từng nhấn mạnh sẽ nỗ lực hơn nữa để tăng sản lượng ngũ cốc trong nước, đặc biệt hỗ trợ cho ngành hạt giống nội địa và thực hiện các biện pháp bảo vệ đất đai nghiêm ngặt, tất cả đều nhằm mục tiêu thúc đẩy an ninh lương thực sau đại dịch COVID-19.

(Reuters; CND)

Xem thêm
Xử phạt nhiều công ty, đại lý cung ứng phân bón giả, kém chất lượng

Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phát hiện, xử phạt nhiều công ty, đại lý cung ứng, phân phối phân bón giả chất lượng, kém chất lượng... cho bà con nông dân.

Lộc Trời ra mắt 2 sản phẩm sinh học mới

CẦN THƠ Ngành Vật tư Nông nghiệp Lộc Trời đã chính thức công bố, ra mắt hai bộ giải pháp canh tác sinh học với các sản phẩm dành riêng cho cây lúa NEMACES và ANMITE 40SC.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.