Thành quả này thuộc về Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Lúa lai Quốc gia Trung Quốc, hay còn gọi là Trung tâm Nghiên cứu Lúa Hồ Nam.
Theo đó, các chuyên gia đã công bố kết quả đánh giá trên một cánh đồng thử nghiệm, cho thấy năng suất lúa vụ muộn vừa qua đạt 936,1 kg/mu. Như vậy tổng năng suất của ruộng lúa lai này trong cả hai vụ năm nay đã đạt mốc 1.603,9 kg/mu (năng suất vụ sớm trước đó đạt 667,8 kg/mu).
Sản lượng lúa lai hai vụ năm nay đã chính thức phá vỡ kỷ lục năng suất của năm ngoái là 1.530,7 kg/mu, trở thành loại lúa lai có năng suất cao nhất trên thế giới.
Lúa lai hai vụ một năm được phát triển bởi nhóm nghiên cứu do nhà nông học nổi tiếng Trung Quốc Viên Long Bình ở tỉnh Hồ Nam.
Chu kỳ gieo cấy lúa lai hai vụ bao gồm một vụ từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 7 và vụ còn lại bắt đầu xuống giống từ cuối tháng 7 và thu hoạch vào tháng 11. Trong khi đó, lúa lai một vụ (vụ mùa) thường được gieo cấy vào cuối tháng 6 và thu hoạch vào cuối tháng 10.
Giới khoa học nông nghiệp cho biết, thông thường lúa một vụ có sản lượng cao hơn trên mỗi mu, nhưng tổng năng suất hàng năm của nó lại thấp hơn nhiều so với lúa hai vụ.
Kỷ lục về năng suất lúa lai hai vụ ở Trung Quốc thu được trong bối cảnh quốc gia trên 1,3 tỷ dân đang nỗ lực phát triển các giống lúa mới để tăng cường cung cấp lương thực.
Trước đó vào đầu tháng 9, thế hệ thứ hai của giống lúa siêu lai Chaoyouqianhao đã ghi nhận năng suất 1.107,5 kg/mu (tương đương 16,6 tấn/ha) được trồng thử nghiệm ở thị trấn Caoba, thành phố Mông Tự, tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc, đã đạt năng suất trung bình trên 1.000 kg/mu ở niên vụ thứ tư liên tiếp. Trong khi năng suất các giống lúa thường chỉ dao động từ 300 đến 600 kg/mu.
Vào cuối tháng 8, giống lúa lai khổng lồ của cha đẻ lúa lai vừa quá cố họ Viên cũng đã được trồng thử nghiệm ở làng Changhong thuộc thị trấn Shiwan, huyện Đại Túc, thành phố Trùng Khánh phía tây nam.
Theo đó, cây lúa lai khổng lồ này có chiều cao khoảng 2,2 m, gấp đôi cây lúa thường đã chứng tỏ có khả năng chống chịu với nắng nóng, dịch bệnh, ngập úng, đất mặn và đất phèn. Đặc biệt là cây cứng, chống đổ ngã tốt so với các giống cũ hay bị giảm năng suất và khó thu hoạch. Hiện giống lúa khổng lồ này vẫn đang được thử nghiệm trên diện rộng hơn và có nhiều tiềm năng sử dụng cho mục đích thương mại ở nhiều tỉnh thành của Trung Quốc với sản lượng ước tính sẽ đạt ít nhất 800 kg/mu.
Luo Zhiqiang, nhà nông học phụ trách quá trình thử nghiệm các giống lúa mới tại chi nhánh Trùng Khánh của Công ty lúa lai quốc gia Trung Quốc cho biết: Giống lúa khổng lồ cũng sẽ được thử nghiệm ở các độ cao khác nhau và các điều kiện thời tiết khác nhau để chuẩn bị cho việc trồng và sản xuất đại trà. Ngoài ra vì giống lúa khổng lồ này có thể chống chịu được độ sâu nên ruộng lúa cũng có thể được sử dụng kết hợp làm ao nuôi cá, tôm và cua cùng một lúc.
Vào tháng 11/2020, ông Li Xinqi, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Lúa lai Hồ Nam, chủ nhân của giống lúa lai thế hệ 3 đạt năng suất 22,5 tấn/ha cho biết: “Năng suất cao và khả năng chống chịu bệnh tật, chịu rét và chống đổ ngã là những ưu điểm của lúa lai thế hệ thứ ba so với hai thế hệ trước”.
Năng suất lúa lai cao đạt được trong điều kiện không thuận lợi như nền nhiệt độ thấp và thời gian hấp thu ánh sáng mặt trời ngắn hơn khi chỉ ghi nhận được 43,85 giờ nắng hiệu quả, so với con số 187,8 của năm 2019.
Trung Quốc hiện nuôi sống khoảng 20% dân số thế giới mặc dù chỉ có ít hơn 9% diện tích đất canh tác trên thế giới.
Hiện các thế hệ nghiên cứu lúa lai hậu duệ của cha đẻ lúa lai Viên Long Bình vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các tổ hợp lúa lai thế hệ mới và tiến hành các nghiên cứu để đơn giản hóa việc canh tác lúa, nhằm đạt năng suất cao mà ít sử dụng phân bón nhằm thúc đẩy sản xuất lúa gạo của Trung Quốc phát triển xanh hơn và bền vững hơn với chất lượng và năng suất cao hơn.