Một nông dân năng động
Khi chúng tôi đến, có mỗi mình Y Nhữi ở nhà, anh đang cầm cào phơi lúa trước cái sân xi măng rộng thênh thang. Thả cây cào xuống sân, Y Nhữi mời chúng tôi vào nhà uống nước. Căn nhà theo kiểu biệt thự được xây từ năm 2011, trị giá trên 500 triệu đồng khang trang, gọn gàng. Trên tường phòng khách treo la liệt những bằng khen, giấy khen từ cấp xã đến huyện, tỉnh, các Bộ ngành, có cả bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì "Đã có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và xây dựng nông thôn mới..." năm 2013.
Rót nước mời khách, anh cho biết: Với 5 sào lúa nước, gia đình anh đủ gạo ăn quanh năm. Ngoài ra, vợ chồng anh còn có 2ha cà phê, 150 trụ tiêu, chuồng lợn luôn có từ 5 - 6 con nái... Thu nhập bình quân (trừ chi phí), gia đình anh có được trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Ban đầu Y Nhữi nuôi lợn thịt, sau đó nuôi lợn nái. Từ một nái, nâng dần lên 5 - 6 nái. Đây cũng là nguồn thu không nhỏ cho gia đình anh. Anh cho biết: Không như đồng bào nuôi lợn thả rông, tự đi kiếm ăn, nuôi lợn nái khó hơn rất nhiều. Từ khâu chuồng trại, vệ sinh, cho ăn, rồi thức đêm theo dõi bệnh tật... "Trồng cà phê, hồ tiêu, nuôi lợn nái đã giúp tôi và gia đình thay đổi suy nghĩ rất nhiều trong cách làm ăn, phát triển kinh tế gia đình", anh chia sẻ.
Từ nguồn thu nhập trên, anh chị đã nuôi năm người con ăn học nên người. Người học thấp nhất đến lớp mười một. Hiện hai người con đã có gia đình, còn lại ba người thì một người học Cao đẳng Sư phạm tiếng Anh đã đi dạy, còn hai con đang theo học đại học, đứa nào cũng học giỏi cả.
Nhiệt tình
Xã A Dơk có 10 thôn làng (8 thôn người đồng bào BarNah, 1 thôn đồng bào J'rai và 1 thôn người Kinh). Xã có 1.300 hộ với 6.050 nhân khẩu. Tuy đã đạt được 13 tiêu chí Nông thôn mới nhưng A Dơk vẫn còn là xã vùng 3 với rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao...
Y Nhữi đang chăm sóc vườn cà phê |
Theo Hyưng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã thì tuy tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhưng cũng có không ít những hộ là đồng bào dân tộc thiểu số năng động, biết vượt khó, thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Y Nhữi là một điển hình trong số những hộ như trên. Tuy thu nhập chưa thuộc diện dẫn đầu trong xã, nhưng trong nhiều năm liền, Y Nhữi luôn được bầu chọn là nông dân tiêu biểu các cấp, là "Nông dân Việt Nam xuất sắc" trong nhiều năm...
Y Nhân - người cùng thôn cũng là một điển hình. Cũng đất ruộng, đất vườn không kém Y Nhữi, nhưng cái nghèo, cái đói cứ rình rập quanh ngôi nhà của Y Nhân hết năm này đến năm khác. Thấy vậy, Y Nhữi thường xuyên đến chơi nhà Y Nhân, trò chuyện và trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Y Nhân cho biết: "Mấy lần đầu, nó đến nhà mình nói chuyện làm ăn, mình không thích, bởi vì những điều nó nói trước giờ dân làng ít ai làm. Nhưng nó nói nhiều lần, thấy có lý, lại thấy nhà nó cũng làm như thế mà giàu lên nên mình tin. Ban đầu mình trồng thử một ít cà phê. Nó dạy mình cách đào hố, cách trồng, chăm sóc, bón phân... đến khi thu hoạch thì hái như thế nào cho khỏi gãy cành... Mình thấy cà phê bán được nhiều tiền nên mạnh dạn trồng hẳn một hécta trong vườn. Lúa ngoài ruộng thì cũng nhờ nó bày cách chăm sóc bón phân nên năng suất cao hơn, đủ ăn quanh năm. Gia đình mình hết nghèo từ đó. Mình biết ơn nó lắm!".
Không chỉ có Y Nhân mà trong thôn, trong xã cũng có rất nhiều người được Y Nhữi giúp đỡ nên đã thoát được cái nghèo. Giờ nhắc đến Y Nhữi, ai cũng yêu quý, cũng dành cho những lời nói, tình cảm tốt đẹp nhất...
Ngôi nhà khang trang của Y Nhữi |
Y Nhữi không chỉ biết làm giàu cho gia đình, mà anh còn biết chia sẻ kinh nghiệm thoát nghèo, vươn lên làm giàu với nhiều hộ khác trong thôn, trong xã. "Mình đã từng nghèo khổ, thậm chí thiếu đói nên mình hiểu hoàn cảnh của những người nghèo trong thôn, trong xã. Đất có, nước có, nhưng do nhiều người chưa có kinh nghiệm, cũng không ít người do lười lao động nên mới thiếu cái ăn, mình phải chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ họ biết cách làm ăn để thoát cái nghèo...", Y Nhữi cho biết. |