Những ngày này, hai tổ tiêm phòng thuộc Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk) đang tích cực để đẩy nhanh tiến độ tiêm vacxin lở mồm long móng đợt 2 cho đàn gia súc trên địa bàn thành phố. Theo thống kê, TP. Buôn Ma Thuột có hơn 10.000 con gia súc, chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ và tập trung ở người đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Vui (ngụ thôn 8, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột) cho biết, gia đình nuôi bò hơn 10 năm nay. Hiện nay, gia đình có 12 con bò và được xem là nguồn tài sản lớn cho thu nhập chính. Trong thời gia chăn nuôi, mỗi khi đàn bò có triệu chứng bệnh gia đình đều báo chính quyền địa phương và được chính quyền báo Trạm Chăn nuôi và Thú y xuống kiểm tra, tiêm thuốc xử lý bệnh.
“Ngoài ra hàng năm, Trạm Chăn nuôi và Thú y cùng cán bộ địa phương cũng đến gia đình tiêm phòng các loại bệnh 2 lần. Do đó, nhiều năm nay đàn bò của gia đình chưa xảy ra dịch bệnh”, ông Vui chia sẻ.
Theo ông Bùi Văn Hiển (trưởng thôn 8, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) địa phương tập trung đông các trường hợp chăn nuôi nhỏ lẻ. Các hộ dân chăn nuôi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, họ cũng chưa nhận thức được việc tiêm phòng trên vật nuôi mà phải có sự vận động của chính quyền địa phương.
Hàng năm, Trạm Chăn nuôi và Thú y cùng chính quyền có các chương trình tiêm phòng cho súc, gia cầm định kỳ hoặc xịt thuốc diệt khuẩn chuồng trại. Khi có kế hoạch, thôn buôn luôn luôn phối hợp, đưa các đoàn đến từng hộ gia đình để tiêm phòng, xịt thuốc cho bà con đầy đủ”, ông Hiển thông tin.
Ông Hoàng Anh Dũng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột cho biết, trong đợt tiêm phòng lần 2, Trạm triển khai từ ngày 19/10 đến 15/11. Cụ thể các hộ chăn nuôi trâu, bò từ 28 con trở xuống được nhà nước hỗ trợ vacxin và tiền công tiêm phòng. Trong đợt 2 này, Trạm Chăn nuôi và Thú y TP Buôn Ma Thuột sẽ thực hiện tiêm tổng cộng 5.500 liều vacxin lở mồm long móng Aftogen Oleo và Bio Aftogen cho đàn trâu bò trên địa bàn.
"Trước khi tiêm phòng, Trạm đã tổ chức tập huấn cho các nhân viên thú y và thông báo cho chính quyền địa phương yêu cầu người dân nhốt trâu, bò tại nhà. Sau gần một tháng triển khai đến nay, Trạm đã tiêm phòng được hơn 4.200 liều đạt hơn 76% kế hoạch đặt ra", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, trong những năm qua trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền về tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm. Cụ thể, hàng năm, Trạm triển khai 2 đợt tiêm phòng chính. Đợt 1 là tiêm phòng vacxin tam liên cho đàn lợn và tụ huyết trùng cho trâu bò. Đợt 1 chủ yếu là cho đối tượng ưu tiên là người đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, gia đình chính sách. Còn đợt 2, Trạm triển khai tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cho các hộ chăn nuôi có đàn gia súc dưới 28 con.
“Ngoài các đợt tiêm phòng chính, Trạm cũng vận động các hộ chăn nuôi tự mua vacxin về tiêm cho đàn gia súc, gia cầm theo lứa tuổi. Trong năm 2023, Trạm đã vận động các hộ tự mua gần 2 triệu liều vacxin về tiêm phòng cho vật nuôi. Do làm tốt công tác tiêm phòng nên những năm vừa qua trên địa bàn thành phố chưa xảy ra các loại bệnh lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm, viêm da nổi cục…”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết thêm, trong quá trình đi tiêm cán bộ thú y luôn nhận được sự đồng thuận của người dân, chính quyền địa phương. Công tác tuyên truyền được triển khai từ văn bản đến loa phát thanh. Tuy nhiên, việc triển khai cũng gặp nhiều khó khăn như các hộ chăn nuôi là đồng bào dân tộc nên trâu, bò thường thả tự do, cuối giờ chiều các hộ dân mới đưa đàn gia súc về. Chính vì thế thời gian tiêm phòng không được nhiều và dẫn đến kéo dài.
Ngoài ra, hiện nay địa phương xuất hiện mưa nhiều, chủ yếu là buổi chiều. Cán bộ thôn buôn phối hợp, dẫn cán bộ thú y đi tiêm phòng nhiều hôm bận. Đặc biệt, việc nhận thức trong công tác tiêm phòng của một số hộ dân còn hạn chế, không hợp tác nên cũng gây khó khăn cho công tác tiêm phòng.
“Cơ quan chức năng chỉ hỗ trợ cho các hộ dân nuôi nhỏ lẻ. Đối với các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các hộ chăn nuôi con trâu, bò từ 29 trở lên thì phải tự bảo đảm toàn bộ kinh phí mua vacxin và tổ chức tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y. Mặc dù là thành phố nhưng công tác tiêm phòng cho các hộ dân cũng gặp nhiều khó khăn”, ông Dũng nói thêm.