| Hotline: 0983.970.780

'Yểm bùa' cho… cây trồng, vật nuôi kiểu Mỹ

Thứ Hai 20/04/2020 , 05:35 (GMT+7)

Không phải là những thầy mo chân đất xứ Mường quen yểm bùa bằng gừng, bằng ngải mà lần này những người yểm bùa bằng cấp đầy mình, còn bùa thì có xuất từ Mỹ.

Cận cảnh mấy 'lá bùa'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh mấy "lá bùa". Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhưng chúng đều có chung một điểm là huyền bí đến mức chính nhà khoa học giới thiệu về nó cũng không biết dùng từ gì chính xác hơn là “bùa”. Những lá bùa do Công ty Freytech của Mỹ sản xuất…

“Bùa” cắm xuống ruộng lúa

Đời làm báo tôi được chứng kiến nhiều chuyện lạ như thôi miên, nhân điện, đi trên than hồng hay ngậm lưỡi cày bỏng rát nhưng khi thấy cảnh GS.TS Lê Huy Hàm- Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp sơ mi cổ cồn trắng “đóng thùng” với quần âu, chân xỏ giầy da đứng chỉ đạo căng thước đo, đào hố, bỏ “bùa” cho ruộng lúa của Công ty CP Tổng Công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình thì chỉ có nước ngước nhìn không dám chớp mắt.

“Bùa” là 4 thanh đen sì, đầu nhọn hoắt, vỏ dường như được làm bằng nhựa cứng còn bên trong có chứa một hỗn hợp X, Y hoặc Z gì đó có trời mà biết, trông oai nghiêm như một dàn hỏa tiễn hạt nhân thu nhỏ.

“Theo nhà sản xuất giới thiệu khi dùng cái này sẽ giảm được lượng phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ nhưng vẫn tăng năng suất cho cây trồng.

Cách dùng như sau, cắm sâu xuống đất 45 cm (chiều dài mỗi cọc khoảng 30cm nên cắm ngập chìm rồi vùi đất lên) nhưng phải theo chiều thẳng đứng chứ nghiêng vì sẽ không có tác dụng.

Diện tích “phủ sóng” của 4 lá “bùa” được khoảng ruộng 40x40m nhưng điều kiện là bên trong không có con mương, con đường nào ở giữa hoặc chắn ngang vì sẽ cản trở tác dụng”.

Tên công ty sản xuất 'bùa'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tên công ty sản xuất "bùa". Ảnh: Dương Đình Tường.

 Ông Hàm giải thích tiếp cho tôi, một nhà báo dân khối C vẫn thường u mê về những thứ thuộc về khoa học rằng: “Mỗi mảnh ruộng là một hệ thống luôn có sự trao đổi năng lượng giữa bên trong và bên ngoài. Trao đổi này bình thường rất hỗn loạn.

“Bùa” tức dụng cụ cân bằng môi trường này được cắm ở bốn góc để giúp cho sự trao đổi ấy được ổn định, các hạt vũ trụ bất lợi cho cây trồng sẽ bị trung hòa đi còn ngược lại các hạt vũ trụ có lợi được bổ sung thêm sức mạnh.

Tuy nhiên, chúng ta phải kiên nhẫn bởi khi cắm xuống đất không phải chúng có tác dụng ngay đâu mà dần dần, đến tận tháng thứ 6 mới có tác dụng tối đa và duy trì tác dụng đó tới 25 năm về sau theo như các nhà sáng chế…”.

GS.TS Lê Huy Hàm đang giảng giải về tác dụng của 'bùa'. Ảnh: Dương Đình Tường.

GS.TS Lê Huy Hàm đang giảng giải về tác dụng của "bùa". Ảnh: Dương Đình Tường.

Và tôi đã kiên nhẫn, kiên nhẫn tới mức viết hai bài về “bùa” rồi quên bẵng đi tới 4 năm sau, trong những ngày ngồi nhà nhàn rỗi của Hà Nội tiếp tục cách ly mới chợt sực nhớ.

Bốc điện thoại, tôi gọi ngay cho vị giáo sư giờ đã về hưu về để hỏi ông về hiệu quả hay không của các cuộc thử nghiệm hồi nào cũng như tận ngọn nguồn của lá “bùa” bí hiểm này.

Sau phút đầu ngần ngại vì sợ dư luận phán xét rằng Giáo sư gì cũng đi làm ba thứ linh tinh, rốt cuộc ông cũng mở lòng: “Trong một lần tôi đi họp Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thấy có công ty của Mỹ giới thiệu về loại “bùa” này, lại nhớ đến lời một vị ở Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cũng có nói đến công cụ này, thấy hấp dẫn quá liền xin được thử nghiệm một bộ (giá 400 USD tương đương gần 10 triệu đồng tiền Việt).

“Tôi có liên lạc với mấy thầy ở Đại học Quốc gia chuyên làm về cái này, hỏi cơ sở khoa học nào nhưng rồi khi họ giải thích chính tôi cũng không hiểu”, GS.TS Lê Huy Hàm.

Công ty nọ chấp nhận, và y như lời hứa, họ gửi chuyển phát nhanh từ Mỹ về cho một bộ và tôi đã liên hệ với anh Vũ Văn Nga - Tổng Giám đốc Cty CP Tổng Công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình để làm thử nghiệm trên cây trồng là lúa.

Sau đó tôi còn liên hệ được nhiều đợt khác để thử nghiệm hàng chục điểm trên nhiều loại cây như dưa lê, chanh leo, rau ở các tỉnh như Bà Rịa- Vũng Tàu, Hà Tĩnh, Nam Định…”.

“Bùa” chôn xuống mấy góc bờ ao

Nếu “bùa” cho cây trồng hình cọc nhọn thì “bùa” cho vật nuôi hình giống cái đĩa CD và có giá rất đắt, một bộ 4 cái giá tới 10.000 USD tương đương hơn 200 triệu đồng khiến giáo sư Hàm phải sử dụng hết “võ” ra mới thuyết phục được phía Mỹ tặng cho 1 bộ.

GS.TS Lê Huy Hàm nói về cách thức lắp đặt 'bùa' ra sao. Ảnh: Dương Đình Tường.

GS.TS Lê Huy Hàm nói về cách thức lắp đặt "bùa" ra sao. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông nhận định: “Về cây trồng, do chúng tôi không có tiền để làm (đo đạc, thống kê, phân tích) mà chỉ đưa cho các địa phương thử, thấy không quá hiệu quả thì họ cũng chẳng thống kê, phân tích gì cả mà chỉ bảo rằng không thấy sự khác nhau giữa dùng và không dùng nhưng ở Nam Định, do Sở Khoa học- Công nghệ ở đây chi ra mấy chục triệu để tiến hành nên họ thống kê được sự phát triển hơn cỡ 6-7% so với không dùng.

Tuy nhiên, với vật nuôi, sự khác biệt khi chôn xuống bốn góc bờ của ao tôm lại lan tỏa, tác động được xuống nước, kết quả cực kỳ hấp dẫn, hiệu quả kinh tế lên 25-30% nhờ vật nuôi to hơn nên năng suất hơn, bán được giá hơn.

Không chỉ thế, chủ ao còn nhận xét rằng loại tảo xanh không thích hợp cho nuôi tôm (vì chiếm hết ôxi của tôm) tự nhiên kém hẳn nhưng loại tảo nâu thích hợp cho tôm phát triển lại thêm nhiều. Ấu trùng của chuồn chuồn nước trước đây vốn hay ăn tôm giảm đi trông thấy còn rong rêu bám trên mặt tấm lót ao cũng bớt nhiều nên vệ sinh môi trường dễ dàng hơn”.

Căng dây đo khoảng cách đóng 'bùa' tại ruộng lúa ở Ninh Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Căng dây đo khoảng cách đóng "bùa" tại ruộng lúa ở Ninh Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thấy khả quan ông Hàm cũng định bàn với Bộ Khoa học - Công nghệ làm đề tài nhưng một vài doanh nghiệp tìm đến can, bảo mất thời gian và nhiều phiền toái, không biết bao giờ mới có thể đi vào cuộc sống.

Có một doanh nghiệp hoạt động ở cả Đông Âu và Việt Nam mà chủ là Việt kiều còn sẵn sàng bỏ ra hàng trăm tỉ để ứng dụng công nghệ này trên diện rộng. Kế hoạch trước mắt là chi 50 tỉ để khảo nghiệm khắp từ Bắc chí Nam cho mỗi đối tượng con tôm xem kết quả thế nào.

Hồ hởi liên lạc với công ty bên Mỹ đã gửi sản phẩm cho mình, ông đề nghị sang bên đó thăm một vài cơ sở đã dùng trong thực tế, xin được chia sẻ số liệu cụ thể ứng dụng thành công trên cây nào, con nào, xin được ứng dụng trên diện rộng ở Việt Nam, cuối cùng là xin được chuyển giao công nghệ.

Cũng trong quá trình tìm hiểu, ông được biết ý tưởng về “yểm bùa” trên cây trồng, vật nuôi là của người Nhật nhưng đầu tư, phát triển nó lại là người Mỹ. Hiện tại, phía Mỹ chưa muốn đàm phán sâu với ông, vẫn còn “câu giờ” dù rằng vị giáo sư Việt đeo bám riết.

Thả 'bùa' xuống lỗ đã được đào sẵn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thả "bùa" xuống lỗ đã được đào sẵn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo ông Hàm nhận định, có thể có vướng mắc trong công nghệ do chưa hoàn thiện mà vẫn đang trong giai đoạn phát triển hoặc vướng mắc trong nội bộ: “Cũng có thể do ý tưởng của nhà khoa học đưa ra, được công ty tài chính tài trợ nhưng họ chưa thống nhất với nhau về bản quyền, phương án ăn chia. Cũng có thể họ biết nghề nuôi tôm của ta có kinh tế cao, nếu áp dụng công cụ này mà gia tăng hiệu quả thì sẽ đặt giá bao nhiêu thì vừa…

Chúng tôi chỉ liên lạc được với công ty tài chính chứ không liên lạc được với nhà khoa học nghiên cứu ra cái đó nên không biết cụ thể ra sao. Thời gian tới tôi sẽ “thúc” tiếp chứ mình là nước nuôi nhiều tôm mà tăng được năng suất bình quân 10% đã là quá quý”.

Còn anh Vũ Văn Nga, Tổng Giám đốc Cty CP Tổng Công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình thì cười khì khì với tôi qua điện thoại rằng: “Thử nghiệm không ăn thua gì đâu chú ơi. Tốt không tốt hơn, sâu bệnh cũng không chống chịu hơn nhưng bọn anh vẫn để mấy cái cọc đó nguyên ở dưới đất chứ chưa rút lên.

Nếu có hiệu quả thực sự thì công ty đó đã cử người đến đây để quảng bá, bán hàng rầm rầm, dân Mỹ họ nhạy bén trong chuyện làm kinh tế lắm chứ không chịu im lặng suốt 4 năm từ bấy đến giờ đâu”.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm