Mùa đông năm 2008, đợt rét kéo dài hơn một tháng đã quật ngã hơn 1.500 con gia súc. Để bảo vệ đàn gia súc, tỉnh Yên Bái đã tăng cường các biện pháp chống rét hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân…
Người dân Mù Cang Chải nhận thức ăn hỗ trợ của hai Cty CP và De Heus |
Những ngày qua các tỉnh miền núi phía Bắc liên tiếp hứng chịu những đợt không khí lạnh tràn về, nhiều khu vực miền núi nhiệt độ về đêm xuống dưới 10 độ. Nhiều xã vùng cao của Yên Bái thuộc các huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu nhiệt độ ngày thấp nhất 7-8 độ, nếu đàn gia súc không được bảo vệ sẽ chết vì rét.
Để hạn chế đàn gia súc bị chết rét, tỉnh Yên Bái vừa thành lập một đoàn công tác do ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch tỉnh Yên Bái dẫn đầu tới hai huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu kiểm tra việc chống rét cho đàn gia súc và sản xuất vụ xuân.
Tổng đàn gia súc của huyện Mù Cang Chải hiện là 63.354 con, trong đó có 14.011 con trâu, 6.713 con bò, 42.630 con lợn. Để chủ động chống rét cho đàn gia súc, huyện đã vận động và hỗ trợ làm mới 606 chuồng nuôi gia súc, trồng thêm 82,5 ha cỏ và hàng trăm cây rơm dự trữ thức ăn mùa đông cho trâu, bò. Cho đến thời điểm này, mặc dù đã trải qua hai đợt rét nhưng Mù Cang Chải chưa chết một con trâu bò nào.
Tuy nhiên, theo ông Lê Trọng Khang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải: Đàn trâu, bò chết chủ yếu vào dịp gần và sau tết Nguyên đán. Thời gian này thường có mưa phùn rét mướt, cỏ đã chết hết vì rét, những gia đình nào không đủ thức ăn dự trữ khiến đàn trâu bò chết vì đói và rét. Biết được điều đó, nên huyện đã vận động người dân ngoài việc dự trữ rơm khô còn hỗ trợ mua bạt quây chuồng chống rét cho đàn trâu bò…
Để giúp người dân Mù Cang Chải bảo vệ đàn trâu bò, Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp-PTNT Yên Bái tổ chức “Chương trình hỗ trợ phòng chống rét cho trâu bò”, vận động Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam và Công ty TNHH De Heus đã hỗ trợ 20 tấn thức ăn cho 152 hộ gia đình ở 4 xã: Chế Cu Nha, Cao Phạ, Púng Luông và Mồ Dề. Với 20 tấn thức ăn, sẽ giúp cho 800 con trâu, bò đứng vững trong mùa đông năm nay.
Bà Vàng Thị Sông ở xã Chế Cu Nha rất mừng khi chồng thồ về hai bao cám vội đổ bề cỏ đã cắt sẵn ra chiếc chậu nhôm rồi trộn cám cho hai con trâu vừa được quây bạt xem chúng ăn thế nào. Bà quay lại bảo với chúng tôi: Nó không chê cám của cán bộ à. Tốt rồi, số cám này gia đình mình để dành khi nào thật rét không dẫn chúng ra đồi được mới trộn với rơm và cỏ cho chúng ăn…
Chuồng trâu nhà bà Vàng Thị Sông đã được quây bạt kín đáo |
Huyện Trạm Tấu hiện có 32.758 con gia súc, trong đó có 8.285 con trâu, 4.748 con bò, 19.725 con lợn. Để chống rét cho đàn gia súc, huyện đã hỗ trợ và vận động người dân trồng 441 ha cỏ VA06, làm 2.450 cây rơm.
Dẫn đoàn công tác tới xem chuồng trại của gia đình ông Vàng A Nhà và bà Giàng Thị Dư ở thôn km21 xã Trạm Tấu. Chuồng trại của gia đình ông Nhà đều 3 cứng: Cứng nền, cứng mái và cứng cột đều được che chắn khá cẩn thận. Trước chuồng là ao nuôi cá, nên sáng nào ông cũng múc nước rửa chuồng. Vợ ông không biết nói tiếng Kinh bê một thồ cỏ đổ vào chiếc máng ăn xây bằng xi măng cho con trâu sắp đẻ. Bà bảo: Con trâu này mấy ngày nữa là đẻ, nếu thả ra rừng, nó đẻ trên rừng thì rét chết cả mẹ lẫn con đấy…
Bà Giàng Thị Dư lấy rơm cho trâu ăn |
Ông Vàng A Nhà cười bảo: Nhà mình có 5 con trâu, hôm nay nắng ấm cho 4 con ra ngoài ăn, con mẹ này giữ ở nhà. Những năm trước, nhà mình chết rét 4-5 con trâu đấy. Năm ngoái mình bán một con để xây chuồng trâu và chuồng lợn, nên không lo chết rét nữa rồi…
Nhà chị Vàng Thị Dư có 2 con trâu và 1 con bò, chị bảo mùa này buổi chiều mới dắt trâu ra rừng cho nó ăn, còn buổi sáng thì chưa cho ăn đâu. Chuồng trâu nhà chị có hai tầng, tầng trên để rơm khô, tầng dưới nhốt trâu bò. Đây là mô hình chuồng trại nuôi trâu bò phổ biến ở vùng cao. Vì để rơm trong nhà không bị mưa làm ướt, khiến rơm bị mốc trâu bò không ăn.
Chuồng trại gia đình ông Vàng A Nhà (Trạm Tấu) |
Ông Trần Đức Lâm - PGĐ Sở Nông nghiệp-PTNT Yên Bái cho biết: Toàn tỉnh có hơn 42.000 chuồng trâu bò, trong đó có khoảng 35.000 chuồng trâu bò đảm bảo yêu cầu chống rét. Số chuồng còn lại hoặc là chưa quây bạt, hoặc chưa cứng nền… Trong những năm tới các địa phương cần vận động người dân xây dựng lại chuồng trại cùng với tích cực dự trữ rơm khô, mới hạn chế đàn gia súc bị chết đói và chết rét… |