| Hotline: 0983.970.780

Lớp học của những ông giáo lạ

25 năm dạy học không công

Thứ Sáu 30/05/2014 , 09:29 (GMT+7)

Nhân vật kỳ này không phải là một ông giáo mà là một người phụ nữ, một cựu binh, suốt 25 năm qua lặng thầm mở lớp học tình thương, gieo con chữ, chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo.

Đó là cô Huỳnh Thị Tươi, ở xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP. HCM.

Gần 1.000 học trò

Lớp học đặc biệt của cô Tươi nằm trong khuôn viên Trung tâm Học tập cộng đồng xã Bình Chánh. Lúc tôi đến, hơn 50 em học sinh đang cắm cúi làm bài tập, cô giáo Huỳnh Thị Tươi, năm nay 54 tuổi, thân hình gầy khô, đang chăm chú quan sát từng em. Thỉnh thoảng, cô dừng lại trước một mái tóc cháy nắng, nhẹ nhàng cúi xuống, vòng 2 tay như ôm trọn em học trò để sửa tư thế ngồi, sửa bàn tay cầm bút cho em.

Kể về nguyên do gắn bó với lớp học tình thương 25 năm nay, cô Tươi trầm ngâm: “Năm 1989, sau khi xuất ngũ, tôi về công tác tại Hội Phụ nữ xã Bình Chánh. Một lần, có cậu thanh niên trong xã đến ủy ban chứng giấy tờ đi xin việc làm, vì không biết chữ nên cậu ta nhờ tôi viết giùm đơn xin việc.

Nhìn cậu thanh niên, tôi không khỏi xót xa khi thấy trước tương lai của một người mù chữ. Nhiều ngày sau đó, tôi trăn trở hoài. Cuối cùng, tôi quyết định đi “gom” những đứa trẻ con nhà nghèo trong xóm, không có điều kiện đến trường để dạy chữ cho chúng.

 Ban đầu, lớp học được mượn chỗ ở đình Bình Thượng, với hơn chục em học. Bàn ghế là những tấm ván cũ tôi nhờ người ghép lại. Tôi bỏ tiền mua tập vở, còn sách giáo khoa thì đi xin của các em học sinh lớp trước”.

Do còn làm công tác xã hội, nên cô phải tranh thủ thời gian buổi trưa để dạy học cho các em. Tối về lại thức soạn giáo án, chấm bài. Chính vì làm việc liên tục, lại mang trong mình căn bệnh gai cột sống nên rất nhiều lúc cô thấy sức khỏe kém đi nhiều. Đã 3 lần cô phải nhập viện phẫu thuật đốt sống cổ. Vậy nhưng, tình thương dành cho đám học trò nghèo đã cho cô nghị lực và sự dẻo dai đáng khâm phục.

Ngày 6/5/2014, lần đầu tiên TP.HCM tổ chức lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố do UBND TP.HCM và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phối hợp tổ chức. Và, cô Huỳnh Thị Tươi là 1 trong số 92 cá nhân tiêu biểu được vinh danh trong đợt tuyên dương lần này.

Năm 2007, khi Trung tâm Học tập cộng đồng của xã đi vào hoạt động, lớp học tình thương của cô Tươi được chuyển về đây. Lúc này, lớp học của cô đã “ra dáng” một lớp học khang trang và ngày càng nhiều các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn không chỉ trong xã Bình Chánh ở xã lân cận như: Hưng Long, Tân Quý Tây, An Phú Tây… cũng được cha mẹ đưa đến xin học.

 Tất cả đều được cô nhận vào học. Đặc biệt, cô chưa từng lấy một đồng học phí nào của các em!

Đến nay, gần 1.000 em học sinh đã theo học cô Tươi. Trong đó, có gần 200 em được chuyển trường lên cấp 2 và thành tích học sau đó đều đạt học sinh khá, giỏi. Trong số học trò của cô Tươi, có nhiều em đã học lên đến cao đẳng, đại học.

“Dạy lớp học này rất vất vả. Vì cùng lúc dạy từ lớp 1 đến lớp 5 ở tất cả các môn toán, tiếng Việt, lịch sử, địa lý, đạo đức... Khả năng tiếp thu mỗi em mỗi khác nên mất nhiều thời gian. Phải hoạt động, di chuyển liên tục trong suốt buổi học. Nhưng thấy các em chăm ngoan, cố gắng học và thương mình, tôi hạnh phúc lắm.

08-13-13_nh-4
Các em có thắc mắc, cô lại nhiệt tình chỉ bảo trực tiếp

Tôi không dám mơ xa, chỉ mong giúp các em có một chút kiến thức và bước vào đời trở thành người tốt. Trong cuộc sống, đôi khi chỉ cần có một tấm lòng yêu thương và một bàn tay ấm áp là đủ để thay đổi một số phận”, ánh mắt lấp lánh niềm vui, cô Tươi nói.

Không chỉ dạy kiến thức, dạy nhân cách, năm nào cũng vậy, sắp vào năm học mới, cô lại ngược xuôi tìm đến các trường cấp 2 để xin cho các em vào học lên tiếp. Các em không có khai sinh, hộ khẩu, cô cùng UBND xã tìm mọi cách giúp đỡ, tạo điều kiện để các em có thể cắp sách đến trường.

Bà tiên của dân nhập cư

“Từ khi gắn bó với lớp học tình thương này, tôi không còn biết đến khái niệm nghỉ trưa. Các em đều rất khó khăn, thiếu thốn, nhưng vẫn ham học. Nhiều em ở xã khác đến, cách gần chục cây số, nhưng bố mẹ vẫn đưa đón thường xuyên. Điều đó làm tôi không thể bỏ lớp, mặc dù sức khỏe của tôi không tốt”, cô giáo Tươi nói.

“Các em ở đây, mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau. Có em mồ côi mẹ, em không còn cha, phần lớn là con em các gia đình nhập cư, chưa có nơi ở ổn định, không hộ khẩu. Và có một điểm chung là rất nghèo. Nhưng khi đến đây, các em đều rất thích học, chăm ngoan. Đó chính là động lực giúp tôi có đủ sức khỏe để dạy các em”, cô Tươi tâm sự.

Có lẽ, đó cũng chính là nguồn động lực giúp cô vượt qua khó khăn nên dù sức khỏe đã yếu, thường xuyên phải nhập viện, cô vẫn không bỏ lớp, không bỏ các em. Năm 2013, cô nhập viện đúng lúc các em gần đến kỳ thi học kỳ nên khi vừa xuất viện, cô bảo các em đến nhà mình để cô xem và hướng dẫn học bài.

Tấm lòng nhân hậu, bao dung của cô Tươi không chỉ được các em đáp lại, mà cha mẹ các em cũng coi cô như một bà tiên. Với những cư dân nhập cư mới đến thành phố, ngoài gánh nặng mưu sinh thường trực, họ còn phải chịu không ít thiệt thòi.

Anh Nguyễn Đình Dương, 42 tuổi, quê ở Lai Vung (Đồng Tháp), nói: “Ở quê không có ruộng đất nên gia đình tui dắt díu nhau lên thành phố lập nghiệp bằng nghề làm thuê tự do, lượm ve chai. Cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là không thể cho con đi học như bao đứa trẻ khác vì chưa có hộ khẩu, không trường nào nhận. Chưa kể, nếu được đi học cũng không biết lấy tiền đâu mà đóng học phí.

Đang lo 2 cháu không được đi học thì may quá có người chỉ đến lớp học miễn phí của cô Tươi nên tôi đưa cả 2 đứa đến học. Thú thật, tôi cũng không biết chữ nên lúc nào không có việc tôi lại chạy đến xem cô dạy. Rồi nhờ cô chỉ bảo, giờ tôi cũng đọc, viết sơ sơ được rồi.

Thật sự, tôi không nghĩ lại có người tốt đến vậy. Mấy lần thấy cô dạy vất vả, tôi mua bánh biếu nhưng cô không nhận cho riêng mình mà đem chia cho cả lớp. Cầu mong cô lành bệnh, khỏe mạnh cho người nghèo chúng tôi được nhờ”.

08-13-13_nh-5
Cô Tươi đi từng bàn, uốn nắn từng em 

Con gái anh Dương tên Nguyễn Thu Huyền cũng ríu rít kể: “Cô Tươi hay kể chuyện Bác Hồ cho tụi con nghe lắm. Thấy cô bệnh, tụi con buồn lắm. Con mong cô khỏe để con được đi học hoài như mấy anh chị”. Một cô bé ngồi cạnh em Huyền nói tiếp: “Được đi học vui lắm! Tụi con học nhiều thứ, được gặp bạn bè. Còn lúc trước, đứa nào cũng phải đi theo cha mẹ, mệt ơi là mệt”.

Nhìn từng nét chữ tỏ mờ lẫn trong tiếng đọc bài của mấy chục em nhỏ, tôi bỗng thấy niềm vui lan tỏa trong từng mạch máu chảy khắp cơ thể. Không vui sao được khi chứng kiến “bà tiên” Huỳnh Thị Tươi đang hằng ngày âm thầm mang hạnh phúc đến cho những người nghèo, góp phần cho cuộc sống thêm đẹp hơn.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm