| Hotline: 0983.970.780

Ở cuối sông Hồng

3 đời ngớ ngẩn

Thứ Ba 13/05/2014 , 07:30 (GMT+7)

Ba ngôi nhà ngói của gia đình anh Chiến, anh Kiên và bà cụ Xuân có chung một đặc điểm: rỗng tuếch, chật chội và chẳng có vật gì giá trị. 

Ngày ngày, trên đoạn đê hữu sông Hồng từ điếm Cồn 3 đến cống Cồn 4 xuất hiện một nhóm người có khuôn mặt khác thường, bước đi tha thẩn với đôi mắt vô hồn bới tìm những mảnh ve chai ở bãi rác. Chán, họ đứng khựng lại như bị đơ, rồi toe toét cười, tay giơ lên múa may.

Họ đều là con, cháu của cụ Phạm Thị Xuân, 80 tuổi (đội 4, xóm 11, xã Hồng Thuận, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định).

Cuộc đời hẩm hiu

Có người khái quát số phận của cụ Xuân bằng 2 chữ: Bể khổ! Và tôi cảm nhận được một góc bể khổ cuộc đời ấy qua khuôn mặt sầu não, tấm thân gày còm và đôi mắt chẳng bao giờ thấy vui, chẳng bao giờ hi vọng của cụ.

Cụ Xuân không thể nhớ quê mình ở đâu, chỉ biết rằng khi mình lên 3 tuổi thì mồ côi cha. Vợ chồng ông Thính, bà Nương (bố mẹ cụ Xuân) đẻ được 12 người con thì 10 người chết non khi mới o oe khóc được vài tháng. Chỉ còn cụ Xuân và người chị Phạm Thị Thơm sống sót.

Nhà cụ Xuân vốn nghèo xác xơ. Năm Xuân lên 6 tuổi, bà Đỗ Thị Nương nuốt nước mắt gửi con cho người em gái Đỗ Thị Ba (ở Bắc Giang) nuôi hộ. Nhưng ngay sau đó dì Ba lại cho người khác nuôi. Ba năm sau, bà Nương về đón con lên làng Thứa (xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) ở trọ.

“Ngày ấy, mẹ chỉ biết ra đồng mò cua bắt ốc, còn hai chị em tôi ra chợ quét gạo người ta đánh đổ đem về rồi đãi sạn nấu ăn. Khi Nhật đảo chính (Pháp) bắt dân ta thu lúa trồng đay, mẹ con ly tán mỗi người một ngả”, cụ Xuân nhớ lại.

Gia đình bà Bắc bán nem, giò cùng làng thương cảnh ngộ của Xuân nên nhận làm con nuôi. Nhưng người con trai của bà thường xuyên đánh đập và đuổi Xuân. Hơn một năm sau, Xuân bỏ đi về nhà dì tìm mẹ và chị nhưng không thấy.

12-16-59_80-tuoi-cu-xun-vn-phi-cuoc-ruong-trong-ru-lm-thuc-n
Đã 80 tuổi nhưng cụ Xuân vẫn phải lao động để kiếm cái ăn

Đang lang thang vô định thì gặp ông Tiêu Văn T, người xã Giao Thắng (nay thuộc xã Giao Tiến, huyện Giao Thuỷ) đi buôn rượu và thuốc lào. Ông ngỏ ý muốn cưu mang Xuân nhưng thực chất là đưa về làm người ở. Vợ ông T (bà Vũ Thị Tr) là một người đàn bà ác độc.

“Bà ấy độc đánh, gọi chưa kịp thưa là vụt. Ông T cũng ác vậy, bắt tôi hết coi em, lại đi vớt rong vớt dừa. Mùa đông giời rét vẫn cứ phải ngâm nước ngập đến tận cổ. Có lần ông ấy đánh tôi vỡ cả đầu, phải cởi áo để thấm máu”, cụ Xuân nhớ lại.

Chồng ngố, con cháu ngớ ngẩn

Người xưa vẫn nói, lấy vợ xem tông, lấy chồng kén giống. Nhà Xuân đã tan cửa nát nhà từ lâu, người thân cũng ly tán mỗi người một ngả. Phận gái nổi nênh 4 lần làm con nuôi của gia đình khác khó lòng tìm được bến đỗ yên bình. Thời ấy, những cô gái 25 tuổi chưa chồng như Xuân được liệt vào hạng ế, mà đã ế thì chẳng được quyền chọn lựa.

Như bông bồ công anh, Xuân bị cuốn theo “lời gió thổi” của người mai mối “bay” về xã bên Hồng Thuận làm vợ anh chàng Khuyến “ngố” nghèo kiết xác kém vài tuổi, chỉ biết ăn và chăn trâu cho tổ hợp tác.

“Ông ấy nói không thật tính người, suốt ngày lảm nhảm dở dở ương ương, có khi đang làm lại bỏ dở việc, lang thang khắp nơi. Suốt ngày lội đồng chạy bãi bẩn thỉu nhưng có khi vài tháng chẳng thấy tắm, vợ lại phải dắt ra giếng kỳ cọ. Nhà chỉ độc đi vay để ăn”, cụ Xuân nhớ lại.

Đến tận bây giờ, Trưởng xóm 11 (xã Hồng Thuận) Phạm Hồng Thịnh vẫn nhớ như in cảnh cắt tóc cho ông Khuyến lúc ông sắp qua đời cách đây hơn 20 năm trước. “Tóc của ông ấy vừa rậm vừa dài lại bẩn, nó bết vào thành mảng, mùi hôi không chịu được. Tôi cắt được nửa đầu trước thì phải bỏ về, bảo người nhà gội đi rồi cắt tiếp”, ông Thịnh nhớ lại.

Trưởng xóm 11, xã Hồng Thuận Phạm Hồng Thịnh chia sẻ:

Thực tế gia đình bà Xuân có 3 thế hệ ngớ ngẩn rồi mà bây giờ mới có 3 người nhận được tiền trợ cấp xã hội là chị Thường và hai đứa con của anh Chiến. Trường hợp anh Kiên, tôi đã làm toàn bộ hồ sơ rồi nhưng khi cán bộ Phòng LĐTB&XH huyện đến hỏi: “Có lao động được không?”, nó ngộ dại nên cứ nói tràn đi là: “Sẽ lao động được, có làm lúa được”. Vậy nên họ cắt chế độ. Thực tế Kiên không làm được mà độc đi lêu têu.

Vợ chồng cụ Xuân sinh được 4 người con, lần lượt là: Nguyễn Văn Quyết (SN 1960), Nguyễn Văn Chiến (SN 1963), Nguyễn Văn Kiên (SN 1968) và Nguyễn Thị Thường. Nhưng 3 người trong số đó bị thiểu năng trí tuệ. Chỉ có Quyết sáng dạ nhất học được hết lớp 5 thì nghỉ đi bộ đội, sau đó lên tít Lai Châu sinh sống mấy chục năm rồi chưa về. 

“Thằng Kiên đẻ ra được 5 tháng thì khắp người mọc lên bọng nước màu hồng hồng như nước rau dền, có bọng ở đùi to như quả táo ta; bọng ở lưng, ở vai, ở bụng to như qủa nho. Nằm sấp, nằm ngửa đều không được.

Năm ấy (1968), Mỹ bắn phá ghê gớm, dân làng đi tản cư hết, bệnh viện chuyển xuống xã Giao Nhân, không đủ giường bệnh, hai mẹ con phải chờ hơn 1 ngày mới đến lượt, tối đến trùm áo mưa rồi ôm nhau ngủ ghế đá đua nhau khóc”. Kể đến đây, cụ Xuân lên cơn ho khằng khặc, tiếng ho như bị tắc trong họng rồi lại bật ra nhiều lần liên tiếp.

Rồi cụ kể đến chị Thường, người con gái duy nhất của cụ. Ngoài 40 tuổi nhưng chị vẫn như đứa trẻ - trẻ ở dáng người lùn tịt như học sinh lớp 6 và ở cả cái vẻ ngây dại vô tư lự, mái tóc ngắn cụt lủn mỗi năm chỉ dài được khoảng 2 - 3 cm và chưa bao giờ biết tình yêu là gì.

“6 tuổi nó mới đi được, nói được. Chân đi vắt chéo vậy thôi, một tay đưa lên mồm mút, còn tay kia bóp rốn. Lúc cáu lên là bảo: “Tao mà điên lên thì có mà dừ”, rồi chửi lung tung cả. Nó giống anh nó, chỉ biết đi nhặt rác và mò cua bắt cáy rồi mang về để người nhà bán chứ chẳng nhận được mặt đồng tiền. Mấy năm nay nó bị ù tai và đau dạ dày. Khổ lắm!”, cụ Xuân kể.

12-16-59_ngoi-nh-toi-tn-noi-me-con-cu-xun-dng-song
Ngôi nhà mà gia đình cụ Xuân sinh sống

Hai mẹ con cụ Xuân bấu víu vào hơn 2 sào ruộng để sống, nhưng mấy năm nay cụ mắc bệnh tê rút. Chị Thường chẳng biết cấy hái, phải mượn người làm hết. Mỗi ngày công họ lấy 200.000 đồng, phải bòn tiền bán đồng nát, bán mấy con gà hay rút tiền trợ cấp người khuyết tật của chị Thường để trả. Bữa cơm ngày thường chỉ rau xanh với muối.

Anh Nguyễn Văn Chiến có phần "sáng dạ" hơn hai em Kiên và Thường một chút nhưng lại lắm thứ bệnh đè lên người. Chị Phạm Thị Mơ, vợ anh Chiến, chia sẻ: “Nhà tôi hết đau dạ dày lại đến hen, đêm nằm cứ thở khò khè, thỉnh thoảng lại giật giật co rút rồi ngất. Gia đình còn nợ mấy chục triệu đồng. Tôi muốn đi Hà Nội làm thuê nhưng vướng chồng và hai con.

Thằng Trung 26 tuổi, cái Thuỷ 22 tuổi mà không biết làm gì, có khi bố nó ốm chết ra đấy cũng chẳng biết đi gọi người. Thằng Trung đi học 5 năm lớp 1 không bắt được chữ O, nhà trường phải trả về. Đến lượt cái Thuỷ cũng thế nốt”.

Ba ngôi nhà ngói của gia đình anh Chiến, anh Kiên và bà cụ Xuân có chung một đặc điểm: rỗng tuếch, chật chội và chẳng có vật gì giá trị. Mấy mươi năm nay, chẳng gia đình nào trong xóm chen được vị trí hộ nghèo của họ. Và tương lai - khoảng vài mươi năm nữa, chắc vẫn chẳng có phép màu nào thay đổi được kiếp nghèo của họ.

Thầy giáo Vũ Thanh Lâm, hàng xóm của cụ Xuân, nhận xét: “Càng thế hệ con cháu sau này, người nhà gia đình cụ Xuân càng thiểu năng trí tuệ trầm trọng”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm