| Hotline: 0983.970.780

Xuất ngoại tìm trầm

Thứ Ba 09/04/2013 , 10:15 (GMT+7)

Khi nguồn trầm trong nước cạn kiệt dần, những phu trầm lặn lội sang các nước láng giềng để kiếm miếng cơm manh áo.

Khi nguồn trầm trong nước cạn kiệt dần, những phu trầm lặn lội sang các nước láng giềng để kiếm miếng cơm manh áo. Và, trong những chuyến đi ấy, không ít phu trầm bập vào rượu chè, ma túy.

>> Ngậm ngùi ngậm ngải tìm trầm

Đoàn "dân cội" (người đi tìm trầm) lần này có 11 người chia làm ba “xâu” (nhóm). Ba anh em Phương "mọt" (xem NNVN từ số 70) đón xe lên cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) vào đến Savanakhet (Lào), nghỉ lại qua đêm ở khách sạn, hôm sau qua cửa khẩu Mukdahan vào đất Thái Lan. Tiếp tục nghỉ khách sạn và lên xe tiếp tục sang Băng Cốc (Thái Lan). Từ Băng Cốc lên Cô Lốc giáp biên giới Malaysia. Cuộc hành trình bằng ô tô đi qua ba nước khoảng hai ngày, hai đêm. Xe cứ chạy và “dân cội” chỉ biết xe dừng là xuống cơm nước chứ khó biết được đó là lãnh thổ của nước nào.

Rừng Malaysia địa hình cũng tương tự rừng ở Việt Nam. Mọi “dân cội” đều cho rằng rừng Malaysia ít bị phá vì ít thấy làm rẫy, hay khai thác lậu. Thú rừng ở đây còn khá nhiều, hầu như chuyến đi nào nhóm của Phương cũng gặp voi, heo rừng...

“Có những chuyến đi gặp đàn voi 5-10 con chỉ cách khoảng chục bước chân; cả nhóm đồng thanh hô “huầy huầy” đuổi. Đàn voi bỏ đi đạp cây gãy nổ như pháo”, Phương “mọt” kể. Có bữa đang đi nghe đánh huỵch, một con gấu to từ trên cây rơi xuống, say mật nằm đứ đừ. Chừng mươi phút sau, con gấu mới tỉnh, lồm cồm bò dậy bỏ đi, “dân cội” mới hoàn hồn.


Phương “mọt” kể chuyện với tác giả bài viết (người đeo kính)

Cây trầm ở Malaysia có khá nhiều nhưng dầu kém. “Hơn 10 chuyến đi tới rừng Malaysia, tôi chưa kiếm đuợc trầm loại 3 lần nào, chỉ gặp trầm ở loại 4,5,6", Phương “mọt” cho biết. Thông thường, đi ba người trong một “xâu” phải kiếm đuợc 50 kg trầm thì mới có tiền lãi. Nếu chỉ lấy được khoảng từ 20-30 kg trầm thì coi như hòa vốn. Chuyến trúng nhất của “xâu” Phương được 200 triệu đồng.

Giá trầm loại 3 khoảng 7-8 triệu/kg, loại 4 khoảng 3-4 triệu/kg, loại 5 khoảng 1,5 triệu/kg, nhưng khi đưa hàng về, thầu trầm (những người đứng ra tổ chức chuyến đi) qua mua xô với giá khoảng 1,5-2 triệu đồng/kg. Khi có trầm loại 1,2 hay “nhất lầu” (đặc biệt) thì có giá khác nhưng loại hàng này bây giờ rất khó tìm.

Tìm trầm ở ngoại quốc cũng lạc rừng, nhưng không đáng sợ lắm. Có người lạc thì tìm đến các bản làng xin ăn, sau đó gọi điện thoại nhờ người trong bản gặp thầu trầm nói rõ vị trí, thầu trầm sẽ cho xe đến đón về. Sau mỗi chuyến “đạp cội”, cả đi lẫn về trọn hai tháng, “xâu" của Phương “mọt” đều lấy vé máy bay về thăm nhà. Nếu tiện thì mua vé từ Malaysia về Đà Nẵng hoặc về TP Hồ Chí Minh, sau đó lại bay ra Đồng Hới (Quảng Bình) hoặc đi tàu hỏa, xe chất lượng cao tùy vào công việc ở nhà hay tiền trong túi.

Hầu hết, "dân cội" sang Lào và được các thầu trầm bảo lãnh từ đi lại, ăn uống, lo đường sá và bao luôn... mua hàng. Thầu trầm có tiếng nhất trong vùng là Nam “phở” (quê ở Quảng Bình). Nam “phở” có khi thầu đến 400 quân. Thời điểm cao nhất, ngày nào cũng có đoàn đi, đoàn về. Ngoài ra cũng có khoảng chục "thầu" khác nuôi dưới trăm quân.

Anh Nguyễn V, một “thầu trầm” nuôi khoảng 50 “dân cội”, cho hay: “Hầu hết chi phí ăn ở của anh em khi sang bên này là em phải lo tất. Ngoài ra cũng phải lo cho các quan chức sở tại nếu có trục trặc vì lý do nào đó. Có khi “dân cội” mới sang bị bắt thì em phải lo tiền để chạy thả ra. Nếu trường hợp tiền chuộc nhiều quá thì phải gọi về gia đình "dân cội" để cùng chung chi”.

Mối quan hệ ràng buộc là vậy nên “lợi nhuận” khi đi trầm, “dân cội” chỉ được hưởng khoảng 30%. “Chẳng hạn, khi đi về có bận hàng trị giá khoảng 200 triệu đồng thì “xâu” cũng chỉ bán được giá 60-70 triệu đồng cho thầu trầm", Phương “mọt” lý giải. Có thể bán cho người khác hay mang về nước được không? "Rất khó", Phương trả lời dứt khoát.

Theo Phương “mọt” và cũng như tất cả “dân cội” đi trầm thì mối quan hệ giữa thầu trầm và “dân cội” vốn cùng quê, bà con, hay phải lệ thuộc vào các mối quan hệ khác nên khó mà từ chối việc bán hàng. Hơn nữa, từ lúc sang, mọi chuyện ăn ở đã được thầu trầm lo giúp nên xem như là cách “quan hệ qua lại” cho đúng phép. Thầu trầm Nguyễn V cho rằng: “Chúng em cũng lo nhiều chuyện. Với lại có phải lúc nào “dân cội” đi cũng trúng đâu. Những lúc trắng tay thì thầu trầm phải nuôi ăn ở hàng tháng trời, chi phí cũng không nhỏ”.

Sau chuyến đi Malaysia, Phương “mọt” quay sang Lào, đóng gùi định làm chuyến rừng ở Thái Lan. Khi vào đến cửa rừng thấy tình hình rất căng nên bỏ chạy về. “Nghe đâu, “dân cội” phá rừng cấm của họ nhiều lắm nên họ tăng cường đội tuần tra.  Họ gặp “dân cội” là bắt luôn. Đừng dại dột mà đi vào đó nữa”, Phương “mọt” cao giọng, rồi rủ rê: “Về thôi, ghé quán nào đó làm tí cay cay”.

Cũng có vài “xâu” trầm tự lực cánh sinh, có nghĩa là họ tự lo tất cả từ đi lại, ăn ở, lo vào rừng và bán hàng cho ai tùy thích. “Muốn vậy phải biết tiếng, có người quen ở nước sở tại và phải có tiền dự phòng nếu đi chuyến đó về tay không”, Phương “mọt” nói như đọc nội quy.

Nhiều khi từ rừng ra, “dân cội” không về quê mà ở lại thì dễ sinh tật, suốt ngày rượu chè, cờ bạc. Có những "dân cội" hàng năm trời không về nhà chỉ vì được đồng nào nướng hết vào cờ bạc hay ăn nhậu. Riết rồi thành quen, thành nghiện nặng.

Đó là chưa kể đến nhiều “dân cội” cũng xài luôn ma túy. Còn lại những người khác thì ra chợ, ở chợ, lòng lợn người ta cho không; đầu heo họ chỉ lấy da còn lại bán khoảng 7 ngàn đồng, nhưng rượu thì đắt đỏ, một chai rượu kiểu như Vốt - ka khoảng 400 ngàn đồng. “Mấy anh em góp lại, làm chai rượu nhắm với lòng lợn xào đợi cho thời gian trôi qua và lại lên rừng”, Phương “mọt” kể thêm. (Còn nữa)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm