| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ rừng thông bị sát hại

Thứ Tư 30/03/2011 , 08:30 (GMT+7)

Có phải vì số tiền 2,5 tỷ hay những chuyện "tế nhị" khác khiến lãnh đạo huyện Mù Cang Chải phớt lờ các qui định, cho Cty Mai Ánh đổ quân vào rừng khai thác nhựa thông một cách vội vàng?

Những người lãnh đạo huyện Mù Cang Chải biết rất rõ sau khi UBND tỉnh Yên Bái có công văn 244/UBND-NLN, họ phải tiến hành các bước tiếp theo để tổ chức giao rừng theo các qui định hiện hành. Có phải vì số tiền 2,5 tỷ hay những chuyện "tế nhị" khác khiến họ phớt lờ các qui định, cho Cty Mai Ánh đổ quân vào rừng khai thác nhựa thông một cách vội vàng?

>> Nén bạc đâm toạc… rừng thông

Trên con đường vào bản Háng Cơ Pua xã Púng Luông và bản Hua Khắt xã Nậm Khắt, lều trại của những người khai thác nhựa thông do Cty Mai Ánh thuê từ các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn dựng san sát liền nhau như bát úp. Ông Vàng A Lử - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Mù Cang Chải cho biết: Theo cán bộ KL địa bàn, số người mà Cty Mai Ánh đưa từ bên ngoài vào khai thác nhựa thông khoảng 200 người. Do không đủ thủ tục, ngày 15/3/2011 Hạt đã lập biên bản với Cty Mai Ánh và Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải yêu cầu: Tạm dừng mọi tác động vào rừng. Nhưng Cty Mai Ánh vẫn ra lệnh tiếp tục khai thác… Ông Lử ngán ngẩm cho biết thêm: Bí thư và chủ tịch huyện đã gọi lãnh đạo Hạt chúng tôi lên, họ đề nghị ủng hộ huyện. Tôi trả lời: Chúng tôi ủng hộ huyện nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách, nhưng phải đúng các qui định của pháp luật.

Điều đó lý giải lãnh đạo huyện Mù Cang Chải không phải là không biết các qui định về BVR, nhưng họ vẫn cố tình để Cty Mai Ánh cho người vào rừng khai thác nhựa thông, khiến nhiều người dân sở tại bao nhiêu năm gắn bó với rừng bất bình. Theo "Hợp đồng nguyên tắc Liên kết khai thác nhựa thông" giữa UBND huyện Mù Cang Chải với Cty Mai Ánh, Điều 2 ghi "có sử dụng lực lượng lao động địa phương", nhưng thực tế trong số lao động mà Cty Mai Ánh thuê khai thác không hề có một lao động địa phương nào. Trong khi đó, bà con người địa phương không có việc làm, nhiều người phải đi đào vàng, khuân vác thuê hay kiếm củi bán lấy tiền đong gạo trong những ngày giáp hạt, họ bức xúc nói: Nhà nước bảo người dân chúng ta giữ rừng, khi thông được khai thác thì đẩy chúng ta ra ngoài, không cho làm, thì chúng ta giữ rừng cho ai nhỉ?

Chúng tôi vào một dãy lán của gia đình ông Bàn Văn Liều, dân tộc Dao thôn Khuổi Ngọa, xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, ông Liều cho biết: Nhóm của ông có 26 người, ở trong 7 cái lán, trong đó có 1 người của Cty Mai Ánh làm quản lý. Gia đình ông Liều bao gồm vợ và hai con gái, hai con rể và mấy đứa cháu họ, ông cho biết: Chúng tôi được Cty Mai Ánh thuê xe ô tô chở đến đây khai thác nhựa thông từ ngày 26/2/2011, đến nay đã được gần một tháng rồi. Cty Mai Ánh tạm ứng cho mỗi người năm trăm ngàn đồng để mua thực phẩm, gạo thì lĩnh từ kho, nhựa thông chúng tôi chích ra họ thu mua 10.000đ/kg, sau mỗi đợt thì trừ vào tiền tạm ứng và tiền gạo… Tôi hỏi ông đã chích được bao nhiêu cân nhựa rồi.

Ông Liều chả cần giấu giếm: Mới được gần một bao. Hôm trước phía cánh rừng trên kia, họ bảo cứ chích đi, đã đặt túi hứng nhựa được mấy ngày thì họ lại bảo bên ấy là rừng phòng hộ, nên chúng tôi rút xuống đây. Cây nào cũng chích, chỉ những cây bé quá ít nhựa mới không chích thôi. Ngày nào cũng chích, không để cây nghỉ đâu. Mùa này ít nhựa, mỗi người chích 1.000 cây, chỉ được 15-20kg thôi, tới tháng 7 mỗi ngày một người chích được 20-30kg đấy… Ông Nông Xuân Thưởng, trú tại thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn hiện đang là "cai" của 20 người, ông đưa cả vợ cùng đi, hiện ông đang khoán 300kg/người/tháng. Nhóm của ông đã chích khoảng 14.000 cây, đã cài túi được 75%, thời gian khai thác đến hết tháng 10 âm lịch.

Trong bản Hợp đồng liên kết có một điều hết sức mơ hồ: "Bên B chịu trách nhiệm khai thác đúng kỹ thuật như qui trình khai thác nhựa thông của Bộ Nông nghiệp-PTNT qui định". Tôi hỏi ông Lê Mạnh Hùng-GĐ Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải: Qui trình kỹ thuật khai thác nhựa thông theo văn bản nào? Ông Hùng im lặng không trả lời. Ông Trần Văn Lịch, PGĐ Ban Quản lý cho biết: So với những năm trước chúng tôi đã khai thác, nay họ chích sâu hơn. Chích như vậy sẽ được nhiều nhựa… Ông Vàng A Lử đưa chúng tôi vào khu rừng đang chích nhựa, đau xót nói: Trước khi khai thác nhựa thông phải được cơ quan chuyên môn thiết kế đánh dấu bài cây. Trước đây chúng tôi khai thác "một chích hai chừa", ba ngày mới chích một lần để dưỡng cây, nay họ khai thác trăm phần trăm, ngày nào họ cũng chích thì rừng thông sẽ bị suy kiệt rất nhanh. Cứ khai thác kiểu này chỉ mấy năm là cánh rừng thông này sẽ chết hết…

Ở mỗi lô rừng, trước khi chích nhựa tôi thấy nhiều cây thông bị những người khai thác đẽo vỏ nham nhở để kiểm tra nhựa nhiều hay ít. Những dòng nhựa tứa ra chảy ròng ròng trên thân cây như những vệt máu khô. Với kiểu khai thác kiệt cùng như vậy, 700 ha rừng thông mà UBND huyện Mù Cang Chải giao cho Cty Mai Ánh chẳng mấy nỗi sẽ bị sát hại. Số tiền mà Cty Mai Ánh nộp cho huyện Mù Cang Chải liệu có trồng lại được diện tích rừng ấy không? Thảm họa khôn lường khi cái hồ xanh 700 ha treo trên đỉnh núi bị vỡ, thiệt hại sẽ khó mà tính được. UBND tỉnh Yên Bái cần ra lệnh ngừng ngay việc khai thác nhựa thông bất chấp các qui định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, xử lý nghiêm những người có liên quan.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm