| Hotline: 0983.970.780

Bắc Kạn: Khó di dân khỏi vùng sạt lở

Thứ Ba 08/07/2014 , 08:20 (GMT+7)

Mỗi khi có dự báo mưa lớn, chính quyền các cấp tại Bắc Kạn lại chạy đua với thời gian để kịp thông báo đến các hộ dân sống trong vùng nguy cơ sạt lở cao.

Nhưng cái khó lại nằm ở việc thuyết phục dân di dời đến nơi an toàn.

Khoét núi làm nhà, nguy cơ sạt lở cao

Khoảng chục năm trở lại đây, các loại phương tiện đào đất (máy xúc, máy ủi) để phá đá, khoét núi mở nền nhà diễn ra phổ biến tại tỉnh vùng cao Bắc Kạn, nhằm đáp ứng nhu cầu làm nhà ở của người dân. Có phương tiện hạng nặng tham gia đào bới, nhiều sườn đồi, núi được người dân ra san phẳng để làm nhà ở. Cũng do đục khoét vào sườn núi bừa bãi, khi chưa có thăm dò địa chất, không có thiết kế các đường rẽ nước mùa mưa theo sườn núi nên nguy cơ sạt lở, vùi lấp mỗi khi có mưa lớn dài ngày xảy ra là rất cao.

Việc đào núi làm nền nhà không chỉ diễn ra bừa bãi ở nơi vùng sâu, vùng xa mà còn ở ngay trung tâm thị xã Bắc Kạn suốt gần 20 năm qua.

Tình trạng vô tổ chức đó đã biến các mặt bằng được đào đục ở các chân núi thuộc các phường Phùng Chí Kiên, Nguyễn Thị Minh Khai, Đức Xuân, Huyền Tụng, Sông Cầu và xã Nông Thượng, thị xã Bắc Kạn, hoặc khu vực trung tâm thị trấn Chợ Mới... thành những dãy nhà dân nhấp nhô bám sát vào ta luy dương, nhiều căn nhà còn thấp hơn so với mái đất của ta luy dương, cá biệt có những chỗ ta luy dương cao hơn nóc nhà đến hàng chục mét.

08-55-33_img_2189
Nhà xây ngay sát ta luy dương cao vút

Vì tiền chi phí cho san gạt mỗi nền nhà quá cao, từ vài chục đến vài trăm triệu tùy thuộc lượng đất đào chở đi nơi khác, đã đẩy giá trị đất lên cao, nên phần nhiều các nhà dân đành xây dựng sát vào ta luy dương cho khỏi lãng phí, uổng công.

Theo khảo sát của NNVN tại các tổ 8, 9, 10 và 12 phường Phùng Chí Kiên, thôn Nam, xã Nông Thượng, thị xã Bắc Kạn, thì nhiều nhà dân xây cao 3 tầng, nhưng nóc nhà vẫn thấp hơn mái ta luy dương.

Chính vì vậy, mùa mưa năm 2006 tại khu vực thôn Nam đã xảy ra vụ sạt lở đất, vùi lấp làm chết và bị thương gần chục người. Tuy nhiên, thời gian qua đi, nỗi đau và sợ hãi dần quên, thì tại nơi bị sạt lở chết người đó, gia chủ đã cho san gạt và bạt mái ta luy cho thoai thoải hơn, rồi tiếp tục xây dựng nhà tạm để ở, mặc cho nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào mỗi khi có mưa bão.

Hơn nữa, đồi núi Bắc Kạn thường rộng và cao, độ dốc lớn, độ che phủ hạn chế, vì thảm thực vật chỉ là rừng trồng mới hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh nghèo kiệt, mỗi khi mưa to, nước dồn từ ngọn núi thành những dòng chảy mạnh, việc hạ phần đất chân núi sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt đất đá.

Nhiều người dân ở trung tâm thị xã Bắc Kạn chưa quên trận mưa liên tiếp 2 ngày trong mùa mưa bão năm 2008, những tảng đất đá tràn từ ta luy dương rồi đùn cả 3 căn nhà xây 2 tầng ra gữa quốc lộ 3, đoạn qua tổ 1, phường Đức Xuân, thị xã Bắc Kạn. Rất may, sự việc diễn ra lúc 9 giờ sáng, nên không có thiệt hại về người...

Còn trận mưa lớn cục bộ diễn ra sáng sớm 18/6/2014 đã làm đất sạt lở và vùi lấp hoàn toàn căn nhà anh Lương Văn Hán ở thôn Nà Đinh, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông. Rất may, đất sạt lở lúc 6 giờ sáng, mọi người đã kịp chạy ra khỏi nhà nên không có thiệt hại về người, chỉ mất sạch tài sản.

Biết nguy hiểm nhưng khó di chuyển

Ông Hà Kim Oanh, Thường trực Ban Chỉ huy PCBL và TKCN tỉnh Bắc Kạn cho biết hiện có tới hàng nghìn hộ san gạt vào chân đồi núi để làm nhà ở tại tỉnh Bắc Kạn. "Chúng tôi đã đi khảo sát ở nhiều nơi, có nhiều nóc nhà dân thấp hơn ta luy dương, vẫn biết là không an toàn mỗi khi có mưa lớn, nhưng không biết lấy đâu ra tiền để hỗ trợ dân di chuyển nhà. Chúng tôi đành phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân làm nhà xa ta luy dương, đồng thời theo dõi mỗi khi có mưa lớn, nhất là những nhà dân ở chỗ có nền đất yếu, dễ sạt lở...", ông Oanh nói.

08-55-33_img_2117
Tình trạng san gạt đất diễn ra thường xuyên tại thị xã Bắc Kạn

Theo thống kê hàng năm của Ban PCLB tỉnh Bắc Kạn, mới theo dõi và cảnh báo đề phòng lũ quét ở 382 hộ, 1.704 nhân khẩu cư trú dưới thung lũng, gần khe núi, khe suối, rất dễ bị nước lũ gây nguy hiểm đến người và tài sản. Còn những nơi có nguy cơ sạt lở cao thì mới chỉ thực hiện chỉ đạo di chuyển những hộ gia đình phát hiện vết nứt, gãy phía ta luy dương.

Phân vân về nỗi lo sạt lở, bà Phạm Thị Hải ở phường Phùng Chí Kiên chia sẻ: "Các anh thấy đấy, mái đất phía sau nhà tôi cao hơn nóc các nhà xung quanh đây đến cả chục mét, toàn đá sít lẫn đất đỏ rất dễ đổ ụp xuống mỗi khi có mưa to. Tôi cũng như các gia đình khác thấy sợ lắm, nhưng không ở đây thì biết đi đâu. Cứ mỗi khi có mưa to, tôi không sao ngủ được, chỉ mong trời mau sáng, lỡ có lở đất sau nhà còn kịp gọi con cháu chạy ra khỏi nhà".

Bà con hàng xóm của bà Hải đều có chung nhận xét, tất cả là do đất đai nội thị đắt, để san được cái nền nhà mất gần trăm triệu đồng, trong khi công việc không ổn định, thu nhập thấp, lo đủ cơm ăn đã khó, nên có tý tiền san đất làm nhà họ đành xây dựng hết đất cho đỡ lãng phí và tránh tranh chấp sau này.

Ngoài việc tuyên truyền người dân ý thức đề phòng sạt lở đất, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn còn thường xuyên đi kiểm tra những điểm lún, nứt đất ở những điểm xung yếu, tham mưu cho cấp trên xây dựng các khu tái định cư để di những hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời tham mưu để xây dựng hạ tầng (nền nhà) ở các khu tái định cư, giúp bà con mất nền nhà có cơ hội sống ở những nơi an toàn hơn.

Tuy nhiên, với nguồn kinh phí nhỏ giọt, suốt từ năm 1997 đến nay, chính quyền Bắc Kạn mới thực hiện san gạt được 9 điểm tái định cư nhỏ lẻ. Hơn 100 hộ dân ở nơi có nguy cơ bị sạt lở vùi lấp đã có nơi ở mới, nhưng con số này còn quá ít so với nhu cầu thực tế..

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm