| Hotline: 0983.970.780

"Bệnh lạ" trên lúa ở Hiệp Hoà (Bắc Giang): Chưa tìm ra cách điều trị

Thứ Tư 25/08/2010 , 09:48 (GMT+7)

Bệnh có biểu hiện ban đầu trên lá lúa xuất hiện các vệt nhỏ màu vàng, sau đó lan sang toàn bộ lá, gốc khiến cho cây không phát triển được hoặc bị chết...

Kiểm tra lúa bị bệnh tại Hiệp Hoà
Như NNVN đã phản ánh, một số cánh đồng trên địa bàn huyện Hiệp Hoà, Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) gần đây phát hiện bệnh lạ trên cây lúa. Bệnh có biểu hiện ban đầu trên lá lúa xuất hiện các vệt nhỏ màu vàng, sau đó lan sang toàn bộ lá, gốc khiến cho cây không phát triển được hoặc bị chết.

Đáng chú ý là tốc độ lây lan của bệnh này khá nhanh. Đến nay, theo báo cáo của Sở NN- PTNT tỉnh, hiện đã phát hiện gần 176ha lúa mùa nhiễm bệnh này. Trong đó, diện tích bị nhiễm nặng, không có khả năng sinh trưởng và phát triển khoảng 10,3 ha. Theo bà con nông dân, ngay từ đầu vụ đã phát hiện thấy trên lá lúa xuất hiện vệt nhỏ màu vàng, sau đó vàng toàn bộ lá  rồi vàng từ ngoài vào trong bẹ lan xuống đến gốc làm cho cây lúa không phát triển được hoặc bị chết.

Theo một số cán bộ trong ngành nông nghiệp của Hiệp Hoà, từ năm 2004 đã phát hiện ra một số diện tích lúa mùa trên địa bàn huyện nhiễm bệnh này. Đặc biệt, năm 2009 đã có khoảng 600 ha lúa bị nhiễm bệnh. Trong đó, nhiều diện tích bị mất trắng, số còn lại năng suất giảm khoảng 10-40%. Trước tình hình trên, Sở NN- PTNT tỉnh và cũng đã hướng dẫn bà con một số biện pháp phòng, trừ bệnh như lựa chọn các giống có khả năng kháng bệnh cao, phối hợp với một số DN phun chế phẩm sinh học Exin 5.4HP…đồng thời kêu gọi các cơ quan nghiên cứu lấy mẫu phân tích, xác định nguyên nhân để có biện pháp xử lý.

Theo nghiên cứu của GS Vũ Triệu Mân và TS Hà Viết Cường thuộc Trường Đại học Nông nghiệp 1 công bố tại Bắc Giang sáng ngày 24/8 thì nguyên nhân gây bệnh vàng lá tại Bắc Giang là do một loại virút có tên khoa học là Rice yellow stunt virus hay còn gọi là virút vàng lùn hoặc biến vàng tạm thời. Loại virút này thường được truyền qua 3 loại rầy xanh, đáng chú ý nhất là rầy xanh đuôi đen được coi là tác nhân truyền bệnh tích cực nhất. Thông thường, loại virút này không tồn tại ở nhiệt độ nhỏ hơn 16 độ C hoặc cao hơn 38 độ C, do đó vụ chiêm hầu như không xuất hiện bệnh này. Tốc độ lây lan của bệnh khá cao: trung bình mỗi con rầy có thể truyền bệnh cho 3 cây lúa/ngày.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cho rằng, tuy đây là loại bệnh nguy hiểm song mức độ thiệt hại tại Bắc Giang chưa lớn, lại đang là giai đoạn cuối của qúa trình sinh trưởng của virút nên khả năng lây lan sẽ bị hạn chế.
Trên thế giới, một số quốc gia như Trung Quốc, Đài Loan cũng đã từng bị dịch vàng lùn hay vàng tạm thời do loại virút này gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa màng. GS Vũ Triệu Mân khẳng định, hiện nay chưa có thuốc đặc trị trừ các bệnh do virút gây ra trên thực vật.

Do đó, để đối phó với bệnh vàng lá tại Bắc Giang thời gian tới cần thực hiện tốt khâu chọn giống kháng, chú trọng vào những giống nhiễm trung bình để bảo đảm năng suất cây trồng; tích cực thực hiện việc phòng chống rầy, nên diệt rầy từ ngay khi thu hoạch xong vụ đông xuân; tăng cường vệ sinh đồng ruộng. Đối với những diện tích nhỏ thì có thể tiêu huỷ ngay để tránh lây lan ra diện rộng.

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cây mía quay quắt trong nắng nóng như thiêu đốt

GIA LAI Trong cái nắng nóng như thiêu đốt, vùng mía nguyên liệu trồng mới lẫn mía tái sinh của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đang quay quắt trong ‘chảo lửa’…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.