| Hotline: 0983.970.780

Biến lâm nghiệp thành ngành kinh tế xã hội mũi nhọn

Thứ Tư 31/12/2014 , 21:00 (GMT+7)

Đó là một trong những nội dung chỉ đạo chính của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát tại Hội nghị Tổng kết năm 2014 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2015 của Tổng cục Lâm nghiệp chiều 31/12.

GIÁ TRỊ SX ĐẠT 24.000 TỶ ĐỒNG

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2014 các chỉ tiêu của ngành lâm nghiệp đều đạt cao hơn so với năm ngoái, với giá trị sản xuất toàn ngành đạt 24.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 7,09%; kim ngạch xuất khẩu lâm sản, kể cả lâm sản ngoài gỗ đạt trên 6,3 tỷ USD, tăng 14% so với năm ngoái; độ che phủ của rừng năm 2014 ước đạt 41,5%.

Cụ thể, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, toàn ngành đã trồng được gần 220.000 ha rừng tập trung, đạt 105% kế hoạch năm; hoàn thành kế hoạch trồng cây phân tán với gần 60 triệu cây và khoanh nuôi tái sinh rừng đạt 379.000 ha….

Kết quả nổi bật trong năm là triển khai tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp đã trình Bộ ban hành kế hoạch hành động, qua đó, tạo sự chuyển biến lớn trên thực tiễn triển khai thông qua việc sử dụng giống cây lâm nghiệp có chất lượng cao, đề xuất được phương án giảm tỷ trọng dăm gỗ xuất khẩu; chuyển đổi sang trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn, đóng góp quan trọng vào giá trị xuất khẩu lâm sản và mang lại giá trị cao cho người trồng rừng...

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết, trong năm 2015 toàn ngành lâm nghiệp trọng tâm tập trung thực hiện đồng bộ 4 chương trình phục vụ tái cơ cấu. Cụ thể là nâng cao năng suất giá trị của rừng trồng và rừng sản xuất. Kiên quyết và sẽ kiểm soát chặt chẽ những hành vi vi phạm đối với rừng tự nhiên. Thứ hai là gắn với việc xây dựng những mô hình có giá trị cao để chuyển rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn cùng với liên kết theo chuỗi để tạo ra những cánh rừng lớn, có chất lượng cao hơn nâng cao năng suất và thu nhập của những người trồng rừng.

Năm 2015, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 25.000 tỷ đồng; tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 7% đến 7,2%; tỷ trọng giá trị sản xuất của lâm nghiệp trong giá trị sản xuất nông lâm thủy sản từ 3,9 đến 4%; kim ngạch xuất khẩu lâm sản 6 tỷ 700 triệu đô la; độ che phủ rừng 42%.

Bên cạnh những kết quả rất đáng được ghi nhận, trong năm 2014 ngành lâm nghiệp vẫn còn đó những tồn tại, bất cập. Đặc biệt là tình trạng phá rừng tại Tây Nguyên vẫn còn rất nhức nhối và chưa có giải pháo xử lí triệt để. Kim ngạch xuất khẩu ngành lâm nghiệp vẫn chủ yếu là gỗ, ván dăm từ đó chỉ ra ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản của Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế.

RỪNG ĐÂU CHỈ LÀ KEO VÀ BẠCH ĐÀN?

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành lâm nghiệp trong năm vừa qua và hoan nghênh sự tiên phong của Tổng cụ Lâm nghiệp trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý tái cơ cấu ở đây không phải là mốt là phong trào mà nó phải có mục tiêu, giải pháp, lộ trình cụ thể.

“Tái cơ cấu không chỉ là việc tỉ lệ che phủ rừng, những con số tỷ đô về xuất khẩu gỗ dăm… Tôi có cảm tưởng chúng ta từ xưa đến nay coi rừng như một ngành hạ tầng. Tại sao lại không coi rừng là một ngành kinh tế xã hội mũi nhọn không chỉ làm giàu cho cán bộ trong ngành lâm nghiệp của chúng ta mà còn làm giàu cho những người dân sống cạnh rừng và dựa vào rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc tại vùng sâu, vùng xa. Một đồng sinh ra từ rừng tại khu vực miền núi nó quý giá bằng 10 đồng sinh ra ở đô thị.” Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Để trong năm 2015 Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đạt kết quả cao nhất, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị là ngành lâm nghiệp cần phải thay đổi lại tư duy, cách làm, cách tiếp cận, đặc biệt là công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao để xóa bỏ sự độc canh của cây keo lai và bạch đàn thống trị ngành lâm nghiệp của Việt Nam trong thời gian quá lâu rồi. Trong đó, cần hạn chế tư duy lệ thuộc vào chương trình, dự án, đề án bởi cách làm đó không thể giúp người dân giàu lên từ rừng.

Bộ trưởng cũng lưu ý, hiện nước ta có tới 14 triệu ha rừng, song diện tích do người dân sở hữu và quản lí còn rất ít, phần lớn là vẫn thuộc các DN và nông lâm trường quốc doanh. Vì vậy, trong Đề án tái cơ cấu của ngành lâm nghiệp cần phải quản lí và xử lí tốt việc chuyển giao, quản lí diện tích đất đai rộng lớn này, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lãng phí đất rừng.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cảnh báo: Vùng núi Bắc bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Các chuyên gia cảnh báo, trong những ngày tới, mưa lớn có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi Bắc bộ.