Sáng 7/5, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (VIFEP) tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập.
TS Nguyễn Thanh Bình, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản chia sẻ, ngày 6/9/1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 95/HĐBT cho phép Bộ Thủy sản thành lập Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản. Ngày 7/5/1984, Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành Quyết định số 311/TS-QĐ chính thức tách 2 bộ phận chủ yếu là Phòng Quy hoạch dài hạn thuộc Vụ Kế hoạch và Phòng Khảo sát xây dựng quy hoạch của Vụ Nuôi trồng thủy sản để thành lập Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản. Kể từ đây, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản chính thức đi vào hoạt động với tư cách một cơ quan nghiên cứu độc lập trực thuộc Bộ.
Trong thời gian gần đây, Viện đã tham mưu, tư vấn cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050; hợp phần khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2031 - 2030; Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản; Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030.
Đồng thời, thực hiện nhiều dự án quy hoạch, đề án phát triển thủy sản mang tính khả thi cao cho các địa phương để tích hợp và triển khai quy hoạch tỉnh như Phú Yên, Ninh Thuận, Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau…
Về thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ và môi trường, Viện đã chủ trì và thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu về kinh tế - xã hội ngành thủy sản cũng như các nghiên cứu chuyên ngành khác. Trong đó phải kể đến các nhiệm vụ, đề tài được thực hiện gần đây như: Nghiên cứu xây dựng chính sách về ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường để phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam; nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến khai thác và NTTS; phát triển mô hình cá biển thích ứng với biển đổi khí hậu ở Việt Nam; nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS hỗ trợ quản lý, giám sát, cảnh báo dịch bệnh trong NTTS; điều tra, đánh giá chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất thủy sản, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường trong ngành thủy sản…
Về hợp tác quốc tế, Viện đã chủ trì, tham gia thực hiện nhiều dự án, nhiệm vụ hợp tác quốc tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước như: Hoa Kỳ, EU, Đan Mạch, Bỉ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc, Trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC), Trung tâm Nghề cá thế giới (WorldFish Center), Ủy hội Sông Mekong, WWF, IUCN, CARE International, TRAFFIC International…
Nhờ những nỗ lực và đóng góp đó, trong 40 năm xây dựng và phát triển, Viện đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT...
Ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tích mà Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản đã đạt được trong chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Những năm qua, lĩnh vực thủy sản đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành trụ đỡ quan trọng của ngành nông nghiệp. Để làm được điều đó có sự đóng góp rất quan trọng của Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản.
Chặng đường 40 năm là hành trình dài với nhiều thăng trầm, khó khăn, nhưng tập thể cán bộ, viên chức, người lao động của Viện đã phát huy tinh thần đoàn kết, cố gắng không ngừng trong nghiên cứu khoa học, hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để vươn lên, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của mình.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới, lĩnh vực thủy sản, ngành nông nghiệp tiếp tục đối diện với những thách thức. Bản thân Viện tiến tới sẽ là đơn vị tự chủ cũng sẽ đối diện với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không vì thế mà tập thể Viện nản lòng, không tiếp tục cố gắng, vươn lên.
Thay vào đó, cần tập trung xây dựng định hướng, chiến lược phát triển cụ thể của mình ở từng giai đoạn; xác định rõ vai trò, vị trí quan trọng của mình trong lĩnh vực thủy sản nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Đồng thời, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả; nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo đội ngũ kế cận; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nghiên cứu khoa học để các hoạt hoạt động của Viện không xa rời với hoạt động quản lý nhà nước của ngành, Bộ.