| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Cây trồng khô khát

Thứ Ba 08/04/2014 , 10:40 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, nắng nóng kéo dài suốt nhiều tháng liền, nhiều hồ chứa nước ở Bình Định đã cạn kiệt khiến hàng ngàn ha cây trồng vụ ĐX 2013-2014 bị hạn đe dọa.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, đến cuối tháng 3/2014, lượng nước tại các hồ chứa nước trong tỉnh còn 370,9 triệu m3, đạt 64,5% tổng dung tích thiết kế. Trong đó, lượng nước tại các hồ chứa  do Cty Khai thác các công trình thủy lợi của tỉnh quản lý còn 296,6 triệu m3, đạt 64,8%; các hồ chứa do các địa phương quản lý còn 73,9 triệu m3, đạt 63,2%.

Đáng quan ngại là nhiều hồ chứa nước có dung tích chứa nhỏ do các địa phương quản lý đã khô cạn. Ví như tại huyện Phù Cát có 7 hồ chứa nước là Hóc Ổi, Phú Dõng, Tân Lệ, Hóc Sanh, Đá Bàn, Ông Quy, Hóc Quy hiện đã cạn kiệt. Tại huyện Vân Canh có các hồ Suối Mây, Làng Trợi, Tổ Bảy đang trơ đáy.

Ngoài ra, các hồ Cây Ké (Tuy Phước); Đèo Cạnh (An Lão);Hóc Lách (Tây Sơn) cũng đã khô cạn, không còn khả năng cung cấp nước tưới cho cây trồng. “Hiện nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng hạn cục bộ ở nhiều mức độ khác nhau, nhiều diện tích cây trồng SX ở những vùng chân cao sạ cưỡng, vùng hưởng nước từ các hồ chứa nước nhỏ và các con suối đang bị khát nước nghiêm trọng”, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định cho biết thêm.

Trước tình hình trên, ngành nghiệp tỉnh này đã tổ chức kiểm tra thực tế tại những địa phương đang bị hạn đe dọa nghiêm trọng; kết quả cho thấy, Bình Định có 2.957 ha  cây trồng (gồm 2.300 ha lúa và 657 ha hoa màu) đang bị khát nước, trong đó 800 ha (gồm 233 ha lúa và 567 ha hoa màu) có khả năng mất trắng. Ngoài ra, diện tích cây trồng vụ ĐX cần phải bơm tát bổ sung từ 2 - 7 lứa nước để chống hạn là 2.067 ha lúa và trên 92,75 ha hoa màu.

Cụ thể, tại huyện An Lão có 149,55 ha cây trồng bị thiếu nước tưới, trong đó 48,7 ha có nguy cơ mất trắng, diện tích đang bơm tát chống hạn là 100,85 ha. Hoài Ân có 18 ha lúa bị thiếu nước, trong đó 11 ha có khả năng mất trắng, diện tích đang bơm tát chống hạn là 7 ha.

Phù Mỹ có 1.463 ha lúa bị thiếu nước, trong đó 877 ha có khả năng bị ảnh hưởng tới năng suất từ 30 -50%. Phù Cát có 300 ha lúa bị thiếu nước tưới, trong đó 76 ha có khả năng mất trắng.

Tây Sơn có 86 ha lúa bị thiếu nước, trong đó 5 ha đã bị chết, 81 ha lúa có đủ nước để bơm tát chống hạn. Vĩnh Thạnh có 585 ha hoa màu (55 ha đậu phụng và 530 ha đậu đen) bị thiếu nước, trong đó 530 ha đậu đen bị mất trắng. Các huyện Vân Canh, Tuy Phước và TP Quy Nhơn cũng có hàng trăm ha lúa bị hạn.

15-23-42_hn-2Nông dân đóng giếng bơm nước tưới cứu cây trồng

“Về kinh phí chống hạn, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh Bình Định cho phép các địa phương sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí để hoạt động. Các huyện cũng đang hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thống kê cụ thể diện tích lúa và hoa màu vụ ĐX bị mất trắng hoặc giảm năng suất do nắng hạn báo cáo về Sở NN-PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, có cơ chế chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai mất mùa”, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT
Bình Định.

Trước thực tế trên, Sở NN-PTNT Bình Định đã thành lập 3 tổ công tác phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra toàn diện tình hình. Trước mắt nhận định nguồn nước hiện có tại các hồ chứa, lưu lượng dòng chảy các sông, suối và đánh giá một cách cụ thể về diện tích, loại cây trồng bị hạn, diện tích có thể bơm tát chống hạn; đồng thời hướng dẫn các địa phương các biện pháp phòng chống hạn, bảo vệ cây trồng.

Các địa phương có nhiều diện tích cây trồng bị hạn đang sử dụng các công trình phục vụ chống hạn đã có trước đây và tận dụng nguồn nước từ các dòng sông, suối để bơm tát, áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, cắt nước vùng ruộng đã chín để tập trung nước cho các vùng đang bị hạn.

Tại huyện An Lão, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và các tổ chống hạn khẩn cấp, phối hợp khảo sát tình hình thiếu nước tại các địa phương, xây dựng phương án chống hạn cho từng vùng.

Các HTXNN, tổ thủy nông huy động nhân dân, nhất là lực lượng đoàn viên thanh niên tích cực nạo vét kênh mương, đắp các đập bổi tạo nguồn nước tưới và sinh hoạt. Phòng NN-PTNT huyện hướng dẫn nông dân tưới nước theo từng lứa để tiết kiệm nước; các chủ hồ chứa điều tiết cung cấp nước hợp lý.

Ông Nguyễn Ngọc Tề, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân cho biết, diện tích bị hạn chủ yếu tập trung ở xã Bok Tới, ĐakMang. “Qua kiểm tra, chúng tôi thấy ở hai địa phương này không có nguồn nước chống hạn cho diện tích có khả năng mất trắng, còn khoảng 5 ha lúa ở xã Bok Tới bị giảm năng suất đã đến thời kỳ thu hoạch”, ông Tề nói.

Ở các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn… phương án chống hạn cho cây trồng cũng đã được chính quyền các địa phương triển khai. Riêng tại huyện Phù Mỹ, UBND huyện đã chỉ đạo cho các xã: Mỹ Châu, Mỹ Thắng, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi… tận dụng nước từ hồ chứa nước nhỏ và từ các đập dâng, đập bổi trên các con sông, sử dụng các máy bơm để tưới cho cây trồng. Nhiều nông dân cũng đã đóng giếng lấy nước ngầm để chống hạn.

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm