| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Cây trồng khô khát

Thứ Ba 08/04/2014 , 10:40 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, nắng nóng kéo dài suốt nhiều tháng liền, nhiều hồ chứa nước ở Bình Định đã cạn kiệt khiến hàng ngàn ha cây trồng vụ ĐX 2013-2014 bị hạn đe dọa.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, đến cuối tháng 3/2014, lượng nước tại các hồ chứa nước trong tỉnh còn 370,9 triệu m3, đạt 64,5% tổng dung tích thiết kế. Trong đó, lượng nước tại các hồ chứa  do Cty Khai thác các công trình thủy lợi của tỉnh quản lý còn 296,6 triệu m3, đạt 64,8%; các hồ chứa do các địa phương quản lý còn 73,9 triệu m3, đạt 63,2%.

Đáng quan ngại là nhiều hồ chứa nước có dung tích chứa nhỏ do các địa phương quản lý đã khô cạn. Ví như tại huyện Phù Cát có 7 hồ chứa nước là Hóc Ổi, Phú Dõng, Tân Lệ, Hóc Sanh, Đá Bàn, Ông Quy, Hóc Quy hiện đã cạn kiệt. Tại huyện Vân Canh có các hồ Suối Mây, Làng Trợi, Tổ Bảy đang trơ đáy.

Ngoài ra, các hồ Cây Ké (Tuy Phước); Đèo Cạnh (An Lão);Hóc Lách (Tây Sơn) cũng đã khô cạn, không còn khả năng cung cấp nước tưới cho cây trồng. “Hiện nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng hạn cục bộ ở nhiều mức độ khác nhau, nhiều diện tích cây trồng SX ở những vùng chân cao sạ cưỡng, vùng hưởng nước từ các hồ chứa nước nhỏ và các con suối đang bị khát nước nghiêm trọng”, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định cho biết thêm.

Trước tình hình trên, ngành nghiệp tỉnh này đã tổ chức kiểm tra thực tế tại những địa phương đang bị hạn đe dọa nghiêm trọng; kết quả cho thấy, Bình Định có 2.957 ha  cây trồng (gồm 2.300 ha lúa và 657 ha hoa màu) đang bị khát nước, trong đó 800 ha (gồm 233 ha lúa và 567 ha hoa màu) có khả năng mất trắng. Ngoài ra, diện tích cây trồng vụ ĐX cần phải bơm tát bổ sung từ 2 - 7 lứa nước để chống hạn là 2.067 ha lúa và trên 92,75 ha hoa màu.

Cụ thể, tại huyện An Lão có 149,55 ha cây trồng bị thiếu nước tưới, trong đó 48,7 ha có nguy cơ mất trắng, diện tích đang bơm tát chống hạn là 100,85 ha. Hoài Ân có 18 ha lúa bị thiếu nước, trong đó 11 ha có khả năng mất trắng, diện tích đang bơm tát chống hạn là 7 ha.

Phù Mỹ có 1.463 ha lúa bị thiếu nước, trong đó 877 ha có khả năng bị ảnh hưởng tới năng suất từ 30 -50%. Phù Cát có 300 ha lúa bị thiếu nước tưới, trong đó 76 ha có khả năng mất trắng.

Tây Sơn có 86 ha lúa bị thiếu nước, trong đó 5 ha đã bị chết, 81 ha lúa có đủ nước để bơm tát chống hạn. Vĩnh Thạnh có 585 ha hoa màu (55 ha đậu phụng và 530 ha đậu đen) bị thiếu nước, trong đó 530 ha đậu đen bị mất trắng. Các huyện Vân Canh, Tuy Phước và TP Quy Nhơn cũng có hàng trăm ha lúa bị hạn.

15-23-42_hn-2Nông dân đóng giếng bơm nước tưới cứu cây trồng

“Về kinh phí chống hạn, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh Bình Định cho phép các địa phương sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí để hoạt động. Các huyện cũng đang hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thống kê cụ thể diện tích lúa và hoa màu vụ ĐX bị mất trắng hoặc giảm năng suất do nắng hạn báo cáo về Sở NN-PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, có cơ chế chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai mất mùa”, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT
Bình Định.

Trước thực tế trên, Sở NN-PTNT Bình Định đã thành lập 3 tổ công tác phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra toàn diện tình hình. Trước mắt nhận định nguồn nước hiện có tại các hồ chứa, lưu lượng dòng chảy các sông, suối và đánh giá một cách cụ thể về diện tích, loại cây trồng bị hạn, diện tích có thể bơm tát chống hạn; đồng thời hướng dẫn các địa phương các biện pháp phòng chống hạn, bảo vệ cây trồng.

Các địa phương có nhiều diện tích cây trồng bị hạn đang sử dụng các công trình phục vụ chống hạn đã có trước đây và tận dụng nguồn nước từ các dòng sông, suối để bơm tát, áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, cắt nước vùng ruộng đã chín để tập trung nước cho các vùng đang bị hạn.

Tại huyện An Lão, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và các tổ chống hạn khẩn cấp, phối hợp khảo sát tình hình thiếu nước tại các địa phương, xây dựng phương án chống hạn cho từng vùng.

Các HTXNN, tổ thủy nông huy động nhân dân, nhất là lực lượng đoàn viên thanh niên tích cực nạo vét kênh mương, đắp các đập bổi tạo nguồn nước tưới và sinh hoạt. Phòng NN-PTNT huyện hướng dẫn nông dân tưới nước theo từng lứa để tiết kiệm nước; các chủ hồ chứa điều tiết cung cấp nước hợp lý.

Ông Nguyễn Ngọc Tề, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân cho biết, diện tích bị hạn chủ yếu tập trung ở xã Bok Tới, ĐakMang. “Qua kiểm tra, chúng tôi thấy ở hai địa phương này không có nguồn nước chống hạn cho diện tích có khả năng mất trắng, còn khoảng 5 ha lúa ở xã Bok Tới bị giảm năng suất đã đến thời kỳ thu hoạch”, ông Tề nói.

Ở các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn… phương án chống hạn cho cây trồng cũng đã được chính quyền các địa phương triển khai. Riêng tại huyện Phù Mỹ, UBND huyện đã chỉ đạo cho các xã: Mỹ Châu, Mỹ Thắng, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi… tận dụng nước từ hồ chứa nước nhỏ và từ các đập dâng, đập bổi trên các con sông, sử dụng các máy bơm để tưới cho cây trồng. Nhiều nông dân cũng đã đóng giếng lấy nước ngầm để chống hạn.

Xem thêm
Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.