| Hotline: 0983.970.780

Bói trứng và chuyện ma chài

Thứ Năm 18/10/2012 , 09:57 (GMT+7)

Mỗi bản làng trên vùng cao Tây Bắc đều có những ông thầy cúng, về phương diện nào đó họ chính là những trí thức được người dân tin cậy.

Mỗi bản làng trên vùng cao Tây Bắc đều có những ông thầy cúng, về phương diện nào đó họ chính là những trí thức được người dân tin cậy. Suối Nậm Mu là chi lưu lớn của sông Hồng, nó cung cấp một nguồn nước lớn cho sông Đà chảy từ Lai Châu xuống. Nơi thượng nguồn dòng Nậm Mu có nhiều bản làng sinh sống, mỗi bản đều có những thầy cúng, mỗi thầy cúng lại có phép thuật riêng…

>> Cao nguyên khát, cao nguyên xanh, cao nguyên trắng
>> Lên thượng nguồn sông Hồng

Ông Sừn Văn Phái là thầy cúng ở bản Nà Lại, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Bố ông người dân tộc Giáy, một thầy mo có tiếng ở đây, quanh năm được người ta mời đi cúng. Do lấy vợ người Khơ Mú nên con cái của ông Phái đều nói tiếng Khơ Mú. Ông Phái còn nói được tiếng Giáy, nhưng tới đời con cháu ông thì chỉ biết nói tiếng Khơ Mú. Ông Phái không phải là thầy cúng to, chỉ bắt được những con ma nhỏ, nhưng ông có tài bói trứng, bắt bệnh ma làm qua việc xem quả trứng. Từ sáng tới giờ, ông và người anh em ở bản Bo về thăm mới uống hết hai chai pepsi rượu mua của bà Nguyễn Thị Đường.


Một góc bản Nà Lại

Bà Đường là chị gái tôi, hiện đang ở bản Nà Lại cách nhà ông Phái độ trăm mét, mấy hôm nay đau đầu dữ dội, người bồn chồn đứng ngồi không yên. Chị có mấy đứa con là y sĩ, bác sĩ đã gửi thuốc về để chị tôi điều trị, nhưng uống thuốc mãi vẫn không khỏi. Buổi tối chị tôi cứ đi lơ vơ, lẩn vẩn quanh nhà lẩm bẩm như đang nói chuyện với ai. Mấy đứa cháu ở với chị thì sợ lắm, chúng réo gọi chị tôi vào nhà rồi buộc cửa lại để chị tôi không ra ngoài.

Sáng sớm chị gọi ông Sừn Văn Phái sang bói trứng. Ông Phái cầm quả trứng gà trên tay khấn vái lẩm nhẩm một hồi rồi đập quả trứng ra lòng chiếc bát con, lật lòng quả trứng sang bên này rồi sang bên kia. Ông bảo thằng X. bị tai nạn xe máy chết cách đây mấy năm, hồn vẫn chưa về được tới nhà, trở thành kẻ đói khát đi lang thang đây đó. Nó tạt vào nhà chị tôi xin ăn rồi nhập vào chị khiến tay chân chị nặng trình trịch, đầu đau như búa bổ... Ông Phái khấn vái một hồi rồi khoa tay như bắt hồn thằng X. ra khỏi người chị tôi. Chị tôi trân trối nhìn ông Phái u u, minh minh với những động tác bắt ma, đuổi tà mà chị chẳng hiểu nổi. Sau khi ông Phái làm xong mấy bài phép thuật, chị tôi nằm vật ra giường một lúc sau thì ngồi dậy, chị bảo: Đỡ đau rồi cậu ạ... Rồi chị đứng dậy đi rót cho ông Phái hai chai pepsi rượu để trả công.

Tôi hỏi: Ông Phái đã mấy lần bói trứng đuổi ma cho chị rồi? Chị bảo: Cũng vài ba lần, ông ấy làm đơn giản thôi, chỉ mất một quả trứng để ông ấy bói. Tiền công trả cho ông Phái khi thì hai chục ngàn hay lít rượu. Ông ấy không đòi, mình trả bao nhiêu thì trả. Lần nào nặng quá thì ông ấy mới bảo mình sắp đồ cúng...

Con dâu ông Phái là Lường Thị Lự - vợ thằng Sừn Văn Pháng, sau khi đẻ đứa con thứ hai thì bị bệnh đau đầu. Theo lời Pháng kể: Trong đầu vợ cháu như có con sâu hay con giòi cứ bò đi bò lại suốt đêm ngày, đau lắm... Nhà Pháng chẳng có gì ngoài nếp nhà Pháng mới xẻ, đành phải bán để mua thuốc chạy chữa cho vợ. Ông Phái nhiều lần bói trứng đuổi con ma ra khỏi người con dâu nhưng không được. Ông lắc đầu: Chịu, không biết con Lự bị ma chài hay bị bệnh tật... Thằng Pháng bán hết lợn gà rồi cắm cả ruộng để lấy tiền đưa vợ khám chữa hết ở bệnh viện Than Uyên, Lai Châu, Lào Cai rồi sang tận bệnh viện Nông Khẩn (Hà Khẩu, Trung Quốc) chạy chữa. Người ta chụp cắt - lớp, nhưng các bác sĩ chẳng tìm ra bệnh gì. Pháng nghĩ: Hay vợ mình bị ma chài? Thế là vợ chồng Pháng lại khăn gói đi tìm thầy cúng, để gỡ bùa chài trong đầu ra…


Ông Phái (trái) đang ngồi uống rượu

Vợ chồng Pháng lăn lóc cả năm trời qua nhà các thầy cúng ở khắp nơi trong huyện, rồi sang tận Mường Giôn (Quỳnh Nhai, Sơn La) nhờ thầy cúng gỡ con ma chài trong đầu vợ ra. Thầy cúng ở Mường Giôn dùng hết các phép thuật vừa đắp thuốc lên đầu vừa cho uống thuốc giải bùa hơn một tuần không khỏi, thầy bảo: Con ma chài này to lắm, tôi không lấy nó ra được, tôi giới thiệu đến nhà thầy dạy tôi, người ấy có thể lấy ra được… Pháng đưa vợ tới nhà các ông thầy cúng ở Quỳnh Nhai, rồi lên ngược lên Sơn La, cuối cùng hết tiền phải quay về nhà. Lạ thay khi về tới nhà thì bệnh khỏi, được khoảng hai năm không thấy đau đớn gì, đến nay thì bệnh đau đầu quay trở lại. Khi tôi từ nhà ông Phái ra, Lường Thị Lự sáng nay đau đầu quá không đi làm được ngồi ở đầu hè nhìn vơ vẩn ra đồng.

Con rể thứ ba của chị tôi tên là Khang Văn Tín. Một dạo Tín mua bộ đầu video vào các bản chiếu phim cho bà con kiếm tiền. Trước đó, Tín đã liều lĩnh bổ gốc cây si, nơi thờ cúng ma của bản Nà Lại để lấy mật ong, bị ma vật khiến cả nhà ốm đau luôn, rồi trâu bò, lợn gà tự nhiên cứ lăn đùng ra chết. Tín phải sắp một mâm cơm mời thầy cúng về nhà cúng mới khỏi. Hôm ấy không hiểu vì sao đang chiếu phim ở bản Phiêng Sản, Tín giao máy cho người khác một mình trở về nhà. Nhà Tín ở bản Nà Khoang, phía sau cây si mọc giữa đồng. Cứ nhằm hướng cây si mà đi, Tín đi suốt đêm mà chẳng về được tới nhà cứ quanh quẩn bên ruộng lúa ven đường. Tới sáng mấy người đi làm đồng sớm thấy Tín cứ đi đi lại lại quanh ruộng lúa mới hỏi: Tìm gì ở đó Tín ơi... Khi đó Tín mới giật mình nhớ ra mình đi về nhà từ đêm hôm qua, sao bây giờ vẫn còn ở giữa đồng thế này?

Sau đêm ấy, người Tín như bị ma làm, chân tay và đầu óc cứ nặng nề, rồi ốm đau luôn. Có người bảo Tín bị ma ám, có người lại nói: Chắc có đứa con gái ở bản nào đó chài nó rồi... Chị tôi mới bảo vợ nó sắm lễ mời ông Quáng là thầy cúng ở bản Nậm Bon sang cúng. Sau khi cúng xong thì Tín không còn đau đầu gì nữa. Kể lại chuyện này với tôi, Tín lắc đầu: Lạ lắm! Cháu chịu, chả hiểu thế nào nữa...

Bản Nậm Bon có một người gỡ ma chài rất giỏi, đó là bà Sừn Thị Hoa, nhà dựng ngay gần cầu Hô Bon. Ông Lò Văn Tàng, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khoa vốn là giáo viên một thời dạy học ở xã Nậm Sỏ với tôi bảo: Bà Hoa trước đây có biết cúng bái gì đâu, sau một lần ốm suýt chết, khi khỏi thì bà biết cúng và gỡ được ma chài cho người ta...


Bà Sừn Thị Hoa, có tài bắt ma chài

Năm ngoái, chị tôi ốm quá, tưởng chết, phải đưa đi bệnh viên Tân Uyên rồi Than Uyên chính các con chị điều trị cho, khi về cứ ốm quặt quẹo. Chị mới đón bà Hoa về cúng, chị tôi bảo: Bà Hoa không lấy tiền công của ai, người ta cho thế nào thì nhận, nhưng không quá một trăm ngàn đồng... Khi hỏi mấy đứa con làm nghề y của chị tôi, chúng lắc đầu bảo: Cúng bái chỉ là liệu pháp tinh thần thôi, mẹ cháu khỏi bệnh là nhờ thuốc chứ đâu nhờ mấy ông mo, bà đồng...

Bà Hoa là bạn của chị tôi, nên khi tôi hỏi chuyện bà kể rất cởi mở. Tôi hỏi vì sao chị lại lại biết cúng, những bài cúng dài cả mấy chục trang chị học từ bao giờ và từ ai vậy? Bà cười: Chị tự biết thôi, chả học ai và cũng chẳng ai dạy cả. Đấy là sau mấy tháng bị ốm tưởng đâu chết, hết lội suối, đêm ngủ trên xà nhà, lao vào đống lửa đang cháy, hai tay bốc than đỏ rừng rực mà không bị bỏng. Ba tháng trời chỉ ăn cơm chan với nước lã, khi khỏi bệnh thì tự nhiên thuộc những bài cúng... Mọi người bảo: Đấy bố chồng bà Hoa là ông Sừn Văn Quỳnh trước kia là thầy cúng sau khi chết đã nhập vào bà Hoa. Nó không phải là người, ma mới làm được như thế...

Bà Hoa chẳng ngần ngại cho biết, chị đi cúng và gỡ ma chài cho nhiều người không nhớ được hết được đâu, người Thái, người Mông và cả người Kinh, người Trung Quốc cũng sang mời chị sang bên ấy giúp họ. Năm ngoái chị gỡ ma chài cho cháu Hùng ở huyện Bát Xát (Lào Cai). Nó từ bãi vàng về, bị ma rừng ám cứ đi lang thang không biết đường về nhà. Cúng xong thì khỏi. Người mới bị ma làm cúng thì khỏi, còn để lâu thì không khỏi được đâu… Rồi bà khoe vừa đi chữa cho mấy người Trung Quốc ở Hà Khẩu. Mới đây, có người ở tận Nam Định lên đến đón bà xuống cúng cho ông Tảo, hơn 60 tuổi bị ma là đồng đội cũ hi sinh ở chiến trường nhập vào...

Cúng bái chỉ là liệu pháp tinh thần... Đó là mảnh đất cho những ông mo, bà đồng tồn tại trên khắp vùng Tây Bắc này.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm