| Hotline: 0983.970.780

Cần tuân thủ đúng kế hoạch sản xuất lúa thu đông

Thứ Sáu 04/08/2017 , 08:25 (GMT+7)

Năm nay, lũ về sớm ở ĐBSCL và dự báo là cao hơn năm ngoái. Hiện tại lũ sớm cộng mưa nhiều đã gây ngập nhiều diện tích lúa. Các tỉnh ĐBSCL cần phải làm gì để đảm bảo an toàn và đạt mục tiêu sản xuất vụ thu đông?

Báo NNVN đã trao đổi với Thạc sỹ Lê Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Cây Lương thực và cây Thực phẩm (Cục Trồng trọt), quanh vấn đề này.

16-09-43_phong_vn_ong_le_thnh_tung_-_vu_thu_dong
Thạc sỹ Lê Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Cây Lương thực và cây Thực phẩm (Cục Trồng trọt)

Thưa ông, lũ về sớm cộng với mưa nhiều đang làm ngập nhiều diện tích lúa ở ĐBSCL. Tình hình thiệt hại đến nay ra sao?

Lũ sớm cộng với mưa nhiều đã ảnh hưởng tới lúa hè thu. Cụ thể, đã có 23.550 ha lúa hè thu bị ngập, nhiều nhất là Đồng Tháp (6.961 ha), Sóc Trăng (6.868 ha), Long An (3.485 ha), An Giang (3.416 ha), Cần Thơ (1.420 ha)… Trong đó, có 2.369 ha bị thiệt hại từ trên 70 đến 100%, 3.130 ha thiệt hại trên 30 đến 70%, diện tích còn lại thiệt hại dưới 30%. Hiện lũ sớm vẫn đang de dọa nhiều ha lúa hè thu. Còn lúa thu đông thì chưa có thiệt hại.

Về sản xuất, các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch được khoảng 800.000 ha lúa hè thu và xuống giống được khoảng 400.000 ha lúa thu đông.

Lũ năm nay về sớm, lại được dự báo là cao hơn năm rồi. Vậy sẽ ảnh hưởng gì tới sản xuất vụ thu đông?

Việc lũ sẽ về sớm và cao hơn năm ngoái, đã được dự báo từ nhiều tháng trước, dựa trên các thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ và Tổng cục Thủy lợi. Vì thế, tại Hội nghị sơ kết vụ hè thu, triển khai vụ thu đông, vụ mùa 2017, tổ chức hồi cuối tháng 6, đã đặt vấn đề năm nay sản xuất lúa thu đông với diện tích bao nhiêu để vừa tăng sản lượng phục vụ XK cuối năm, vừa đảm bảo an toàn. Quan điểm ban đầu của Cục Trồng trọt là sản xuất 830.000 ha, quan điểm của các tỉnh, TP ở ĐBSCL là 760.000 ha.

Sau Hội nghị đó, Bộ NN-PTNT đã tổ chức đoàn đi khảo sát tình hình cụ thể ở 8 tỉnh, TP thuộc ĐBSCL mà vụ thu đông có khả năng bị ảnh hưởng mưa lũ, triều cường. Từ đợt khảo sát ấy, Bộ đã điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất lúa thu đông 2017 là 810.000 ha. Toàn bộ diện tích này đều nằm trong những khu vực có đê bao an toàn, có thể bảo vệ cho cây lúa thu đông kể cả khi lũ lớn ngang với lũ năm 2011. Trước những dự báo về lũ, để đảm bảo an toàn vụ thu đông, các tỉnh đầu nguồn đã chủ động giảm bớt diện tích sản xuất hoặc không tăng so với năm ngoái. Điều này cũng làm tăng thêm sự an toàn cho sản xuất lúa vụ thu đông 2017.

Tuy nhiên, do giá lúa đang cao, XK gạo đang thuận lợi nên sẽ khó tránh khỏi việc nông dân vẫn xuống giống ở những vùng ngoài đê bao hay không có đê bao an toàn, cho dù Bộ NN-PTNT và ngành nông nghiệp các địa phương đã khuyến cáo không nên sản xuất lúa thu đông ở những nơi đó. Nhiều nông dân vẫn có tâm lý rằng tuy nhà nước khuyến cáo năm nay lũ lớn hơn năm ngoái, nhưng lỡ như lũ không về thì sao. Dân xuống giống ngoài đê bao, ở những nơi không an toàn, thì khi lũ về gây ngập, địa phương vẫn phải tìm cách giúp dân cứu lúa, nhưng việc này là rất khó.

Nông dân An Giang SX lúa TĐ trong đê bao an toàn

Đáng ngại nhất sẽ là ở các tỉnh thuộc vùng ngập nông như Vĩnh Long, TP Cần Thơ, một phần Tiền Giang, Trà Vinh và Hậu Giang. Ở khu vực này còn nhiều đê bao chưa kiên cố, nước lũ tuy không cao như các tỉnh thượng nguồn, nhưng nếu kết hợp với triều cường sẽ làm nước sông dâng lên, có thể gây ngập không chỉ cho nhiều diện tích lúa thu đông mà cả cây ăn trái, rau màu... Mặt khác, do lũ không cao như các tỉnh thượng nguồn sông Cửu Long, nên nông dân ở các tỉnh vùng ngập nông dễ nảy sinh tâm lý chủ quan, sẵn sàng bỏ qua khuyến cáo của Nhà nước, tiến hành xuống giống ở những nơi không an toàn.

Vậy, phải làm gì để đạt mục tiêu về năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế cho nông dân sản xuất vụ thu đông ở ĐBSCL mà vẫn đảm bảo an toàn?

Để đảm bảo an toàn cho sản xuất lúa thu đông 2017 ở ĐBSCL, trước hết cần phải tuân thủ tốt việc triển khai sản xuất theo kế hoạch vụ thu đông của từng địa phương. Bà con nông dân tuyệt đối không nên sản xuất ngoài đê bao hoặc ở nơi đê bao không an toàn. Trong bối cảnh lũ đã về sớm và sẽ cao hơn năm ngoái, các địa phương cần cập nhật, điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, nhất là ở những nơi cảm thấy đê bao chưa thực sự an toàn. Ở các tỉnh vùng ngập nông, cần đẩy mạnh việc gia cố đê bao để bảo vệ lúa trước sự đe dọa của lũ cộng với triều cường, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để bơm tát chống úng ở những ô nhỏ bị ngập cục bộ.

Và một điều rất quan trọng là để không làm trễ vụ đông xuân 2017/2018, đề nghị các địa phương đến sau ngày 25/8 hoặc tối đa là sau ngày 30/8, nếu vẫn còn những diện tích chưa kịp xuống giống lúa thu đông, thì cũng kiên quyết chấm dứt ngay việc xuống giống, không nên cố làm nữa.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất