| Hotline: 0983.970.780

"Cấy đứng" ở Bắc Ninh

Thứ Hai 19/01/2015 , 09:55 (GMT+7)

Vụ xuân 2015, Trạm Khuyến nông huyện Yên Phong (Bắc Ninh) kết hợp với Trung tâm KN-KN tỉnh xây dựng mô hình thí điểm làm mạ khay ném (còn gọi là “cấy đứng”)./ Sử dụng mạ khay, máy cấy

Mô hình được triển khai tại HTX Trung Lạc, xã Yên Trung (10 ha); HTX Vọng Nguyệt, xã Tam Giang (5 ha) và HTX Đức Lý, xã Tam Đa (5 ha).

Ngoài mô hình của tỉnh, UBND huyện Yên Phong đã quyết định mở rộng thêm 10 ha ở HTX Ngô Xá, xã Long Châu (5 ha) và HTX Đông Xá, xã Đông Phong (5 ha).

Trước khi bước vào vụ SX, cán bộ Trạm KN thường xuyên về cơ sở tuyên truyền, tập huấn và giải thích để người dân hiểu và yên tâm làm mô hình. Các hộ nông dân tham gia được hỗ trợ 80% giá thóc giống và 30% giá khay từ kinh phí của Nhà nước.

Giống lúa được chọn để làm mô hình là Thiên ưu 8 do Cty CP Giống cây trồng Trung ương (NSC) chọn tạo và đưa vào khảo nghiệm từ năm 2011. Đây là giống có tiềm năng năng suất cao, khả năng thay thế giống Khang dân 18.

Riêng HTX Ngô Xá sử dụng giống lúa GS747 do Cty Đại Thành phân phối và được hỗ trợ 100% giá giống. Khay nhựa có nguồn gốc từ Trung Quốc với chiều rộng 33 cm, chiều dài 60 cm và 561 lỗ/khay.

Tổng kinh phí hỗ trợ cho 1 ha mô hình mạ khay ném là:

Thóc giống: 60 kg x 32.000 đ/kg x 80% = 1.536.000đ

Khay: 960 khay x 3.000 đ/khay x 30% = 864.000đ

Tổng hỗ trợ: 2.400.000đ

Người dân tham gia mô hình phải nộp số tiền cho 1 ha mạ khay ném là:

Thóc giống: 60 kg x 32.000 đ/kg x 20% = 384.000đ

Khay: 960 khay x 3.000 đ/khay x 70% = 2.016.000đ

Tổng tiền phải nộp: 2.400.000đ

Khuyến nông đã triển khai tập huấn tại các HTX với kinh phí hỗ trợ là 3 triệu đồng/lớp. Qua đó, người dân được trao đổi những kiến thức cơ bản nhất về kỹ thuật làm mạ khay ném, một tiến bộ kỹ thuật mới.

Sau đây là một số lưu ý rất quan trọng để góp phần cho sự thành công của mô hình mạ khay ném:

1. Khóm lúa được hình thành ngay từ khi gieo mạ. Do vậy, phải gieo thật đều, mỗi lỗ không quá 3 hạt. Nếu gieo nhiều, sau này rất khó tỉa bỏ.

2. Việc ngâm ủ hạt giống chỉ cần "nứt gai dứa" là đạt yêu cầu. Tuyệt đối không được ngâm ủ hạt giống có mầm dài như gieo thẳng sẽ khó khăn khi gạt và dễ gãy mầm.

3. Không để bùn trào lên trên mặt lỗ để tránh các bầu mạ dính vào nhau, khó tách bầu khi ném.

4. Trước khi nhấc khay cần tháo kiệt nước 1 - 2 ngày để mặt luống khô ráo mới đảm bảo dễ nhấc khay lấy mạ và dễ tách bầu mạ khi ném.

5. Do mạ ném cắm không sâu, một số rễ lộ ra ngoài cho nên khi ném xong không dùng thuốc trừ cỏ ngay để bộ rễ khỏi bị tổn thương. Do vậy khi dùng thuốc trừ cỏ nên chọn loại thuốc xử lý trước khi làm đất hoặc xử lý sau khi ném 3 - 5 ngày để khỏi ảnh hưởng đến bộ rễ lúa. Sau ném 2 - 3 ngày không nên quay lại ruộng thăm vì mạ ném nghiêng ngả, không thẳng hàng ngay ngắn đẹp như mạ cấy, nhìn ruộng xấu dễ hoại đi cấy lại.

6. Khi lúa đẻ kín hàng đảm bảo số dảnh/khóm tiến hành rút nước phơi ruộng đến nứt chân chim giúp bộ rễ ăn sâu, chết bớt nhánh vô hiệu để ruộng thông thoáng, hạn chế sâu bệnh và đổ ngã.

Những biện pháp kỹ thuật khác làm tương tự như mạ gieo và “cấy khom lưng”.

Qua nghiên cứu và đúc rút kinh nghiệm của các nhà làm khoa học và người dân, có thể nói đây là một tiến bộ kỹ thuật đem lại cho chúng ta "4 giảm, 2 tăng, 1 tranh thủ". Ðó là:

- Giảm lượng giống, giảm diện tích ruộng mạ, giảm công lao động và giảm chi phí SX.

- Tăng năng suất từ 10 - 20% và tăng hiệu quả kinh tế/đơn vị diện tích.

- Do mạ được gửi trên khay nên đã tranh thủ được thời vụ từ 12 - 20 ngày nhằm đảm bảo thời vụ gieo cấy.

Với những chuẩn bị kỹ lưỡng cho một tiến bộ kỹ thuật mới là tiền đề cho sự thành công của mô hình mạ khay ném tại 5 HTX ở huyện Yên Phong trong vụ xuân này.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

5 giải pháp cho vụ hè thu ở Nghệ An

Vụ hè thu năm nay của Nghệ An đang đứng trước những khó khăn lớn do thời tiết gây ra, nhất là nắng nóng, hạn hán.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất