| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ sản xuất mạ khay, máy cấy

Thứ Sáu 29/06/2012 , 12:30 (GMT+7)

Cơ giới hóa trong khâu gieo cấy là mắt xích quan trọng, là nhân tố quyết định để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại Hà Nội.

Hà Nội có diện tích sản xuất lúa hàng năm trên 200.000 ha. Trong những năm qua, với chính sách hỗ trợ của thành phố, các huyện, thị xã và đồng thuận của nông dân trong việc tiếp thu tiến bộ kỹ thuật mới, năng suất, chất lượng lúa ngày một nâng cao.

Về cơ giới hóa trong khâu làm đất, Hà Nội có khoảng 6.664 máy làm đất các loại, đáp ứng khoảng 70% diện tích; khâu thu hoạch cơ bản cắt tay thủ công và sử dụng máy tuốt lúa; máy gặt đập liên hợp mới chỉ có 334 chiếc, đáp ứng được trên 12% diện tích thu hoạch. Đặc biệt, khâu gieo cấy lúa cơ bản vẫn theo phương pháp truyền thống gieo mạ - nhổ mạ - cấy tay. Còn diện tích gieo sạ bằng công cụ kéo tay mới đạt khiêm tốn khoảng 7%. Xu hướng mở rộng khó khăn do việc không chủ động hoàn toàn nguồn nước tưới đầu vụ; khi gieo vụ xuân gặp rét đậm, rét hại đầu vụ; vụ mùa, mưa lớn đầu vụ cùng với việc không quyết liệt của cán bộ cơ sở, đó là rào cản chính trong việc mở rộng diện tích lúa gieo sạ.

Chính vì vậy, cơ giới hóa trong khâu gieo cấy là mắt xích quan trọng, là nhân tố quyết định để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại Hà Nội.

Qua nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc đưa mạ khay, máy cấy vào sản xuất thì từ những năm 70, Nhật Bản đã chú trọng nghiên cứu đến khâu này và đến nay. Nhật Bản đã đạt đến mức hoàn hảo về cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất lúa. Hiện nay có 2 dạng hình chính về tổ chức sản xuất, đó là: HTX dịch vụ nông nghiệp tổ chức đồng bộ từ khâu sản xuất đến tạo ra sản phẩm cuối cùng đến với người tiêu dùng; thứ hai là chuyên môn hóa cao từ các khâu làm giá thể cho mạ, sản xuất mạ khay để phục vụ cho máy cấy.

Thực tiễn sản xuất tại Hà Nội, vụ xuân 2012 có 5 mô hình tổ chức sản xuất mạ khay, máy cấy, trong đó 4 mô hình do tổ dịch vụ HTX đảm nhận; 1 mô hình doanh nghiệp làm dịch vụ đồng bộ cho nông dân từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch sản phẩm. Bước đầu cho thấy, sử dụng máy cấy, lúa cấy trông đồng đều, khoảng cách hàng cố định 30 cm; khoảng cách cây có thể điều chỉnh từ 12-21 cm. Chính vì vậy tạo độ đồng đều trong quần thể ruộng lúa; phát huy được hiệu ứng hàng biên cho nên năng suất chất lượng lúa sẽ tăng lên; ruộng thông thoáng, giảm thiểu sâu bệnh. Tuy nhiên, để tổ chức máy cấy được thì khâu làm mạ khay quyết định đến 80%. Mặc dù các tổ dịch vụ HTX NN đã được Trung tâm Khuyến nông tổ chức học tập kinh nghiệm từ cuối năm 2011 và có các chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật, song kết quả sản xuất mạ khay vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Để công nghệ sản xuất mạ khay - máy cấy mở rộng tạo bước đột phá trong sản xuất lúa tại Hà Nội, theo chúng tôi cần chú trọng một số giải pháp sau:

1. Xây dựng mô hình trình diễn, từ đó tổ chức hội thảo đầu bờ để tuyên truyền vận động nông dân đồng thuận áp dụng và mở rộng tiến bộ kỹ thuật mới này.

2. Mỗi huyện nên xây dựng 1 cơ sở sản xuất mạ khay, sửa chữa, bảo hành máy cấy do cán bộ khuyến nông phối hợp với doanh nghiệp tổ chức, để từ đó làm nơi đào tạo, huấn luyện và tư vấn dịch vụ cho nông dân.

3. Các huyện, thị xã tập trung cho việc dồn ô, đổi thửa, nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất như hệ thống tưới tiêu, giao thông, thủy lợi nội đồng để thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa.

4. Có chính sách hỗ trợ đồng bộ từ thành phố đến các huyện, thị xã và cơ sở để khuyến khích, thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất lúa, đặc biệt là mạ khay, máy cấy.

5. Các huyện giao chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể cho từng xã, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong thực tiễn sản xuất.

Việc mở rộng diện tích mạ khay, máy cấy sẽ thúc đẩy sản xuất lúa theo hướng tiên tiến, hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất của người lao động, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội.

(*): Tác giả hiện là Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.