| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ "hợp thức hoá" cây rừng cổ thụ

Thứ Năm 23/12/2010 , 14:18 (GMT+7)

Liệu lời khẳng định của những cán bộ kiểm lâm ở Lạng Sơn và Bắc Giang rằng: “Hơn 90% cây cảnh “đi” Trung Quốc” có chính xác hoàn toàn?

Phần lớn cây cổ thụ mang "mác vườn" ở Nghệ An đều có nguồn gốc từ rừng tự nhiên

Liệu lời khẳng định của những cán bộ kiểm lâm ở Lạng Sơn và Bắc Giang rằng: “Hơn 90% cây cảnh “đi” Trung Quốc” có chính xác hoàn toàn? PV NNVN đã vượt hơn 500 km từ cửa khẩu Hữu Nghị về các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục điều tra làm rõ.

>> Máu rừng ào ào chảy qua Trung Quốc

Cây rừng vẫn có thể cấp giấy vô tư

Theo thống kê kiểm tra của lực lượng kiểm lâm các tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang, Nghệ An và Hà Tĩnh là hai trong số những tỉnh có "nguồn hàng" đi nhiều nhất. Những cây cổ thụ với đường kính có khi lên đến gần 2m được xem là "đặc sản" mà chỉ ở những cánh rừng bạt ngàn chạy dọc miền Tây các tỉnh này mới có. Trong đó, cây săng lẻ đi nhiều đến mức thành cả một phong trào và ngán ngẩm hơn như lời ông Lê Cao Bính, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An: "Cây săng lẻ chỉ có ở rừng tự nhiên, làm gì có ai trồng".

Qua lời giới thiệu của trùm S (đã đề cập bài viết trước) tôi tiếp tục vào vai kẻ có người nhà cần bán cây rừng để tiếp cận thêm một ông trùm ở tỉnh Nghệ An để tìm hiểu xem bằng cách nào những cây cổ thụ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên lại được cấp “giấy thông hành” ngang nhiên qua bao nhiêu trạm gác của lực lượng kiểm lâm trước khi tuồn sang Trung Quốc. Q, ông trùm con ở Hà Tĩnh dường như là đại lý thu gom cho trùm S ở Lạng Sơn “phụ trách” hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Lần này tôi đặt thẳng vấn đề với Q là có một số cây săng lẻ cần bán nhưng bí là chúng đang nằm ở trong rừng.

Chẳng ngờ khúc mắc ấy nhanh chóng bị Q phẩy tay xem chừng rất đơn giản: “Không vấn đề gì. Cây ở đâu vẫn có thể được cấp giấy tất. Miễn là mình phải tốn thêm tiền luật một chút thôi”. Được biết Q đã hợp tác với trùm S từ nhiều năm nay với nhiệm vụ chính là thu gom cây cổ thụ. Thông thường, mặt hàng chính Q thường thu gom và vận chuyển là sanh, si, đa, bồ đề... Nhưng gần một năm nay rộ lên chuyện “bứng” cả cây săng lẻ nên Q cũng lao vào. Trong tay Q có hàng chục “cơ sở” chăm sóc và nuôi dưỡng tạm thời những cây cổ thụ chưa kịp tuồn đi. Từ Nghệ An vào Hà Tĩnh, bất cứ chỗ nào nếu thấy giá cả hợp lý thì cho quân lính vào “bốc” ngay.

Quy trình “khoác áo” cho cây cổ thụ rừng thành cổ thụ vườn được Q phân tích khá tỉ mỉ. Từ cách lấy từ rừng ra thế nào? Phân loại giá cho từng cây và cách hợp thức hoá chúng cũng rất bài bản.Theo đó, cây săng lẻ muốn lên đường đi Tàu nhất định phải dài hơn 10m sau khi đã cắt tỉa chỉ còn gốc. Còn đường kính đẹp nhất vào khoảng tầm một mét, trừ trường hợp có được "hàng khủng" từ những cây có đường kính hai mét trở lên thì thành tỷ phú ngay. Giá mỗi cây nếu mua tại gốc vào khoảng vài chục triệu, cây đẹp lên đến cả trăm triệu còn tuỳ thuộc vào bên nào làm giấy.

Thấy tôi trình bày khó khăn vì lần đầu đi bán cây rừng, Q hướng dẫn: “Đầu tiên chú mày phải đưa được nó về vườn nhà. Đào hố chôn gốc xuống rồi phủ lưới lên. Để im im một thời gian sau đó xuất một ít tiền đi lo giấy tờ. Quan trọng nhất là giấy của chính quyền xác nhận đấy là cây vườn. Mình làm ăn lâu dài nên lần đầu phải chi đậm vào. Còn nếu muốn an tâm hơn nữa thì gặp mấy bác kiểm lâm làm thêm. Thế nhà chú có gần trạm kiểm lâm nào không? Vừa chính quyền vừa kiểm lâm địa bàn đóng dấu thì ok ngay. Chú không làm được thì để anh nhưng phải trừ chi phí đi đó. Sau khi có đủ giấy tờ thì muốn đi lúc nào cũng được. Không ai làm được gì đâu. Thế là cây của mình đã thành hợp pháp rồi”.

Kiểm lâm phải "lách luật" lâm tặc

Càng đi sâu vào tìm hiểu thực trạng "hợp pháp hóa" cây cổ thụ từ rừng ở Nghệ An càng chứng minh cho những phân tích của Q là chính xác. Được biết cây rừng cổ thụ thành cây cảnh đi Tàu nhiều nhất là các huyện miền Tây xứ Nghệ. Từ Tương Dương, Quế Phong, Tân Kỳ... rừng xanh bạt ngàn hàng trăm năm tuổi đã trở thành miếng mồi ngon béo bở cho các đầu nậu nhảy vào. Những cây cổ thụ từ rừng chỉ cần qua một thời gian ngắn được hô biến thành cây cảnh trong vườn với những công nghệ hết sức đơn giản. Một thời "phong trào" đó ồ ạt lắm mà lực lượng kiểm lâm lại chẳng có cách nào hạn chế. Mấy lần giữ xe của các đầu nậu, lực lượng kiểm lâm bị chúng mang luật ra... phân tích.

Và thực tế xét hình thức thì tất cả những xe chở cây cổ thụ một khi đã dám hiên ngang qua các trạm kiểm lâm tuýt còi đều đã có giấy tờ rất đầy đủ. "Dù biết chắc chắn đấy là lâm tặc nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận để chúng nói luật với mình. Tất cả đều có xác nhận của chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn là cây cổ thụ trong vườn, được vận chuyển đúng như quy định. Mãi về sau này chúng tôi mới xử lý bằng cách "lách luật" kiểm tra gỗ... có rễ"- ông Lê Văn Thái, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động PCCC rừng số 3 (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An) đóng ở xã Quỳnh Châu (huyện Quỳnh Lưu) ngán ngẩm.

"Có tiếp xúc với những hộ gia đình đứng tên trong các hồ sơ cho cây cổ thụ xuất khẩu mới biết họ chẳng hiểu gì về các quy định của pháp luật đâu. Tất cả đều được thực hiện bởi các chủ đầu nậu. Từ cách làm luật như thế nào cho đến việc "hợp thức hóa" cho cây cổ thụ qua mặt các cơ quan chức năng. Họ chỉ biết nhận tiền công và xem như xong nhiệm vụ. Còn trách nhiệm của chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn? Chúng tôi đến yêu cầu hợp tác xác minh thì những người ký tên cho cây hợp pháp đều trốn biệt. Không thể biết bao nhiêu phần trăm là cây cổ thụ có nguồn gốc từ tự nhiên nhưng thực tế "phong trào hợp thức hóa cây cổ thụ rừng thành cây nhà" là quá phổ biến. Và hiện tại chưa có một chế tài nào để xử lí cả"- Ông Lê Văn Thái nói.

Theo ông Thái, bằng con mắt nghiệp vụ ngành kiểm lâm có thể dễ dàng nhận thấy phần lớn cây cảnh cổ thụ đều có nguồn gốc từ rừng nhưng không có cách nào xử lý. Khi đã phải "lách luật" lực lượng kiểm lâm làm bản cam kết với các chủ đầu nậu rồi quay ngược trở về địa phương xác minh. "Đội kiểm tra 5 vụ thì cả 5 đều mang giấy tờ rất đầy đủ nhưng khi quay về tận gốc xác minh thì không phải. Gỗ từ rừng rễ rất dài, cứng như sắt. Vậy mà khi đến tận nơi ghi rõ trong hồ sơ thì hố đào cây lên chỉ rộng tầm một mét, cây chưa kịp ra rễ thì rõ ràng là đưa từ rừng về rồi. Làm gì có cây vườn nào mà đường kính lên đến gần 2m".

Trong 5 vụ mà đội cơ động số 3 xử lý có 10 cây nhội, 17 cây sanh và tất cả đều là cây cổ thụ với đường kính hơn 1m. Quá bức xúc vì thực trạng cây cảnh (rừng) cổ thụ tuồn đi ào ạt, đội cơ động tiến hành điều tra nhưng để có được những thông tin chính xác là điều không phải dễ. Như vụ việc của ông Lương Văn Trường ở bản Muồng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Dù xe tải của một đầu nậu ở Diễn Châu có đầy đủ giấy tờ, xác nhận của chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn nhưng khi đội cơ động xuống kiểm tra thì trong vườn hoàn toàn không có cây nào như trong giấy xác nhận cả. Hỏi thì chủ nhân chỉ nhận được câu trả lời: “Người ta đưa tiền nhờ tui trồng chứ tui có biết gì đâu”.

Nghe chuyện này ông Thái chỉ còn nước lắc đầu: "Chính quyền xã và kiểm lâm địa bàn ở những địa phương này cấp giấy dễ quá. Tôi nói thật, chỉ cần một ít tiền hay tý quà cáp gì đấy là cây cổ thụ từ rừng trở thành cây nhà ngay. Không hiểu vì nhận thức hay do hám lợi mà họ sẵn sàng để tài nguyên quý hiếm "ra đi" như thế. Nhưng rõ ràng thực trạng này đang quá nhức nhối, chúng tôi cũng làm đơn đề nghị này kia nhưng chưa có kết quả".

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm