| Hotline: 0983.970.780

Cty Đại Nguyên Dương chối bỏ trách nhiệm đền bù thiệt hại cho ngư dân Bình Định

Thứ Sáu 01/12/2017 , 07:01 (GMT+7)

Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Cty Đại Nguyên Dương, cho rằng qua sự việc tàu vỏ thép 67 bị hư hỏng Cty đã bị ảnh hưởng uy tín rất lớn đồng thời bị thiệt hại nặng nề nên sẽ không đền bù các khoản chi phí mà các chủ tàu yêu cầu

13-34-51_1
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, chủ trì cuộc họp

Sáng 30/11, Sở NN-PTNT Bình Định đã tổ chức buổi đối thoại giữa 2 đơn vị đóng tàu là Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Cty Đại Nguyên Dương) và Cty TNHH MTV Nam Triệu (Cty Nam Triệu) cùng các ngư dân Bình Định có tàu vỏ thép 67 hư hỏng phải nằm bờ suốt gần 1 năm qua, để bàn giải pháp đền bù cho ngư dân về những thiệt hại khi tàu vừa đóng xong đã phải nằm bờ sửa chữa.

Tuy nhiên, tại cuộc họp này, lãnh đạo Cty Đại Nguyên Dương đã thẳng thừng từ chối bồi thường.

Ngư dân tổn thất gần 37 tỷ đồng

Vào cuối tháng 6/2017, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản giao Chủ tịch UBND các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát và TP Quy Nhơn phối hợp với Sở NN-PTNT cùng Công an tỉnh Bình Định yêu cầu 2 đơn vị đóng tàu vỏ thép 67 kém chất lượng là Cty Đại Nguyên Dương và Cty Nam Triệu phải đền bù thiệt hại cho các chủ tàu trong thời gian tàu nằm bờ không hoạt động khai thác được.

13-34-51_2
Giám đốc Cty Đại Nguyên Dương, ông Nguyễn Xuân Nguyên từ chối thẳng thừng việc đền bù thiệt hại cho ngư dân

Theo đó, Sở NN-PTNT Bình Định đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương có tàu vỏ thép 67 kém chất lượng làm việc với từng chủ tàu, thống kê, xác định tổn thất cụ thể do tàu hư hỏng nằm bờ. Đến nay, các địa phương đã tổng hợp thiệt hại của các chủ tàu và báo cáo lên ngành chức năng. Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, có 19 tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ 67 vừa đóng xong đã hư hỏng phải nằm bờ yêu cầu các đơn vị đóng tàu đền bù khoản thiệt hại là gần 37 tỷ đồng. Trong đó, TP Quy Nhơn có 2 tàu yêu cầu đền bù hơn 6,695 tỷ đồng; huyện Phù Cát có 7 tàu yêu cầu đền bù 10,420 tỷ đồng; huyện Phù Mỹ có 4 tàu yêu cầu đền bù hơn 2,723 tỷ đồng và huyện Hoài Nhơn có 6 tàu yêu cầu đền bù gần 17,1 tỷ đồng. “Trong đó bao gồm các khoản: Tàu vừa xuất xưởng đã hư hỏng, chủ tàu phải bỏ tiền túi khắc phục, sửa chữa và mua thêm trang thiết bị; đã thuê thuyền viên và sắm tổn ra khơi nhưng không đánh bắt được vì tàu hư hỏng; mất tiền thuê tàu lai dắt khi đang đánh bắt bị hư hỏng trên biển; hư hỏng sản phẩm; chi phí sinh hoạt gia đình, trả phí neo đậu trong thời gian tàu nằm bờ; thuê thuyền viên trong thời gian tàu nằm bờ chờ sửa chữa; nợ gốc và lãi ngân hàng; mất tiền hỗ trợ nhiên liệu theo QĐ 48 và tiền phí thiết kế tàu phải trả lại cho ngư dân”, ông Hổ cho biết.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Định, trong số 19 tàu vỏ thép 67 hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa nói trên có 17 chủ tàu nợ quá hạn với số tiền 17,844 tỷ đồng; trong đó nợ gốc là 8,015 tỷ đồng và lãi là 9,829 tỷ đồng.

Cty Đại Nguyên Dương “phủi” trách nhiệm phi lí!

Sau khi thông qua bảng tổng hợp thiệt hại của ngư dân, Sở NN-PTNT Bình Định kiến nghị 2 đơn vị đóng tàu và các chủ tàu bàn bạc, thống nhất để đi đến thống nhất kinh phí hỗ trợ cho các chủ tàu vỏ thép 67 bị hư hỏng theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định.

13-34-51_3
Ngư dân bức xúc khi bị Cty Đại Nguyên Dương “phủi” trách nhiệm đền bù

Tại cuộc họp, đại diện Cty Nam Triệu cam kết đến cuối tháng 12/2017 sẽ hoàn thành sửa chữa, bàn giao tàu cho ngư dân ra khơi; đồng thời hứa hẹn sẽ xem xét phương án đền bù, hỗ trợ các khoản chi phí tổn thất của các chủ tàu trong thời gian tàu nằm bờ sửa chữa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Cty Đại Nguyên Dương, cho rằng qua sự việc tàu vỏ thép 67 bị hư hỏng Cty đã bị ảnh hưởng uy tín rất lớn đồng thời bị thiệt hại nặng nề nên sẽ không đền bù các khoản chi phí mà các chủ tàu yêu cầu.

Sau phát biểu của GĐ Cty Đại Nguyên Dương, cuộc họp “nóng” lên với những bức xúc của ngư dân. “Ông giám đốc Cty Đại Nguyên Dương nói như vậy là không hợp lý, nếu đơn vị đóng tàu không gian dối, không thay đổi vật liệu thép và thiết bị trên tàu thì tàu chúng tôi đâu phải nằm bờ để sửa chữa, ngư dân đâu phải khốn đốn vì thất nghiệp. Nếu giải quyết không xong thì tui sẽ trả lại tàu, chứ ngư dân làm gì có tiền, có thời gian để theo hầu kiện. Tui cũng yêu cầu công ty phải khẩn trương sửa chữa tàu và đưa ra ngày bàn giao tàu cụ thể. Trước khi bàn giao tàu, công ty phải giải quyết đền bù cho ngư dân”, ngư dân Lê Văn Thãi bức xúc nói.

Ông Phan Trong Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định: “Sau cuộc họp này, đề nghị các chủ tàu liệt kê lại toàn bộ phần kinh phí đền bù hoặc hỗ trợ gửi gấp cho phòng Kinh tế, phòng NN-PTNT để gửi Sở NN-PTNT. Sở NN-PTNT sẽ có văn bản chính thức gửi cho 2 đơn vị đóng tàu, báo cáo UBND tỉnh Bình Định và Bộ NN-PTNT. Nếu các đơn vị đóng tàu không thỏa thuận đền bù và hỗ trợ thì đề nghị ngư dân đưa vấn đề này ra tòa kinh tế”.

Đầu tuần qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định, Thứ trưởng yêu cầu đến ngày 20/12, các DN phải hoàn thành sửa chữa và bàn giao tất cả các tàu, không để ngư dân phải chờ đợi thêm nữa.

“Về hỗ trợ thiệt hại cho ngư dân trong thời gian tàu bị hư hỏng nằm bờ, Bộ NN-PTNT chỉ đạo cơ quan đăng kiểm của Bộ cùng Sở NN-PTNT Bình Định tham mưu cho UBND tỉnh về cơ sở pháp lý, buộc 2 DN đóng tàu phải đền bù thiệt hại cho ngư dân. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh sẽ cùng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khoanh nợ, giãn nợ vay cho ngư dân”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Mavin nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Tập đoàn Mavin vừa vinh dự nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2022-2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm