Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu chủ trì cuộc họp. |
Tại cuộc họp, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã đề nghị các ngư dân có tàu đóng mới bị đánh tráo vật liệu thép làm đơn khởi kiện Cty TNHH Đại Nguyên Dương (viết tắt Cty Đại Nguyên Dương), đồng thời đề nghị Công an tỉnh Bình Định lập hồ sơ báo cáo Bộ Công an truy cứu trách nhiệm đối với đơn vị đóng tàu này.
Cty Nam Triệu nhận trách nhiệm
Sau khi nghe ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định kiêm Tổ tưởng tổ kiểm định báo cáo kết luận về những tàu cá vỏ thép đóng mới theo NĐ 67 kém chất lượng, ông Nguyễn Hữu Hào, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Bình Định, tỏ ra hết sức bức xúc. Theo ông Hào, kết luận đã chỉ ra các bằng chứng cho thấy sự gian dối của các đơn vị đóng tàu.
“Bằng chứng đã rõ, nhưng bây giờ phải giải quyết như thế nào mới là vấn đề, nhất là những tàu bị đánh tráo vật liệu thép. Nếu thay vật liệu thép đúng theo hợp đồng thì ắt sẽ ảnh hưởng đến mùa vụ đánh bắt của ngư dân, bởi vậy UBND tỉnh phải đề nghị các đơn vị đóng tàu phải bồi hoàn khoản thiệt hại này cho ngư dân. Đặc biệt, trong quá trình sửa chữa lại tàu, giữa ngư dân và các đơn vị đóng tàu phải ký kết hợp đồng thật cụ thể, kể cả cam kết về thời gian”, ông Hào đề nghị.
Tại cuộc họp, ông Trần Châu đã ngỏ lời cám ơn báo chí trong suốt thời gian qua đã đồng hành cùng ngư dân và chính quyền tỉnh trong vụ tàu vỏ thép 67 kém chất lượng. Trước kết luận của tổ kiểm định, ông Châu kiên quyết buộc các đơn vị đóng tàu phải “tăng tốc” trong việc sửa chữa tàu, bảo đảm cả về chất lượng lẫn thời gian để ngư dân nhanh vươn khơi đánh bắt. Ông Châu đề nghị sau cuộc họp này, ngay ngày 27/6, các cơ sở đóng tàu và ngư dân cần có cuộc trao đổi, Sở NN-PTNT tham gia, để thống kê chi tiết hư hỏng từng con tàu đưa vào biên bản để thực hiện.
“Những con tàu hư hỏng phải được sửa chữa hoàn thiện 100% như hợp đồng kinh tế đã ký kết. Con tàu nào đóng đúng vật liệu thép mà gỉ sét thì phải nạo ra sơn lại loại sơn chất lượng tốt có thể chịu được nước biển, con tàu nào bị đánh tráo vật liệu thép thì phải tháo ra, đóng trả lại đúng vật liệu thép. Những con tàu bị lắp máy không đồng bộ phải tháo hết ra, thay lại toàn bộ máy mới chính hãng như hợp đồng”, ông Châu kiên quyết.
Có mặt tại cuộc họp, ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng GĐ Cty TNHH MTV Nam Triệu (viết tắt Cty Nam Triệu), đã thừa nhận trách nhiệm và cho biết: “Công ty chúng tôi đã chuẩn bị 11 chiếc máy thủy mới hiệu Mitsubishi chính hãng, nguyên đai nguyên kiện, để thay vào những tàu vỏ thép của ngư dân trước đó được lắp những máy thủy không đồng bộ trong thời gian sớm nhất”.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, đề nghị thành lập lại tổ thẩm định để trong quá trình Cty Nam Triệu thay máy mới cho ngư dân, thành viên tổ này sẽ kiểm định xem có phải là máy mới, chính hãng, nguyên đai nguyên kiện hay không. Và khi các con tàu lên đà để sửa chữa vỏ thép cần phải có tư vấn giám sát thẩm định chất lượng thép được thay.
Liên quan vấn đề này, ông Trần Châu đề nghị Cty Nam Triệu phải chịu chi phí thành lập tổ kiểm định giao Chi cục Thủy sản Bình Định chủ trì, phối hợp với UBND các huyện có tham gia đóng tàu vỏ thép 67 kiểm định lại toàn bộ vật liệu thép các tàu do công ty này đóng.
Đề nghị truy cứu Cty Đại Nguyên Dương
Tại cuộc họp, ông Đặng Thành Thái, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bình Định, nêu ý kiến: Các đơn vị đóng tàu phải có trách nhiệm dân sự về những hư hỏng của những con tàu do đơn vị mình đóng trong thời gian còn bảo hành. “Nếu vụ này không giải quyết rốt ráo thì ảnh hưởng sâu sắc đến NĐ 67, đến nền kinh tế biển của cả nước. Vụ tàu vỏ thép 67 kém chất lượng là bước ngoặt lớn, nếu các ngành chức năng không mạnh tay xử lý theo quy định của pháp luật thì tình trạng này sẽ còn tái diễn”, ông Thái nói.
Đại tá Trần Huy Giáp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định cho rằng, vụ tàu vỏ thép 67 kém chất lượng đã khiến dư luận rất bất bình, ảnh hưởng xấu đến tiến độ triển khai NĐ 67 của Chính phủ. “Thực tế cho thấy Bình Định đã phê duyệt đến 256 hồ sơ đủ điều kiện vay tiền đóng tàu vỏ thép theo NĐ 67, nhưng đến nay chỉ mới có 49 tàu được đóng và đi vào hoạt động. Sau sự cố này các ngân hàng thương mại càng thêm ngại cho ngư dân vay đóng tàu vỏ thép, tiến độ thực hiện NĐ 67 trên địa bàn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”, ông Giáp nhận định.
Đại tá Trần Huy Giáp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, phát biểu tại cuộc họp. |
Cũng theo Đại tá Trần Huy Giáp, qua nghiên cứu các hợp đồng kinh tế giữa ngư dân và các đơn vị đóng tàu, thì các điều khoản thể hiện trong hợp đồng rất chặt chẽ. Vấn đề những con tàu vỏ thép mới đóng mà đã hư hỏng, không đảm bảo chất lượng như hợp đồng cho thấy các đơn vị đóng tàu có dấu hiệu sai phạm.
“Do đó, các đơn vị đóng tàu phải khắc phục toàn diện những hư hỏng của các con tàu trong thời gian nhanh nhất để giảm thiệt hại về kinh tế, ngư dân sớm ổn định cuộc sống. “Sai phạm thuộc phần ai đã rõ, chúng tôi đề nghị phải xử lý những cá nhân liên quan. Chúng tôi sẽ phối hợp với Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn để tiếp tục điều tra thêm những diễn biến liên quan”, Đại tá Giáp cho biết tại cuộc họp.
Trong những cuộc họp gần đây UBND tỉnh Bình Định và ngành chức năng tổ chức để giải quyết những vấn đề liên quan đến tàu vỏ thép 67 kém chất lượng, Cty Đại Nguyên Dương không 1 lần tham gia. Cả cuộc họp quan trọng chiều 26/6 đơn vị đóng tàu này cũng vắng mặt. Sự thể này đã khiến những ngư dân là chủ những tàu vỏ thép đóng tại Cty Đại Nguyên Dương bị đánh tráo vật liệu từ thép Hàn Quốc, Nhật Bản sang thép Trung Quốc đang gỉ sét nghiêm trọng vô cùng lo lắng.
Tham dự cuộc họp, ngư dân Nguyễn Văn Lý ở xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99004 TS (811 CV) đóng tại Cty Đại Nguyên Dương mang gương mặt lo lắng đến thất thần. Ông Lý tâm sự với phóng viên: “Lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng đưa ra những hướng xử lý xác đáng khiến ngư dân bọn tui rất vui. Nhưng không có Cty Đại Nguyên Dương ở đây thì họ biết gì đâu mà thực hiện. Hôm nay liên lạc điện thoại miết mà họ đâu có nói gì đến chuyện sửa chữa tàu. Ngay ngày mai tui phải lên UBND huyện nhờ hướng dẫn làm đơn khởi kiện Cty Đại Nguyên Dương”.
“Cty Đại Nguyên Dương không hợp tác với Bình Định để giải quyết hậu quả những tàu vỏ thép 67 đóng tại công ty này bị đánh tráo vật liệu thép là có vấn đề. Tôi chính thức đề nghị các ngư dân và chính quyền các địa phương có tàu vỏ thép tại Cty Đại Nguyên Dương làm đơn khởi kiện đơn vị đóng tàu này. Tôi đề nghị Sở NN-PTNT phối hợp với Công an tỉnh Bình Định nắm bắt thông tin về đơn vị đóng tàu này, đồng thời đề nghị Công an tỉnh lập hồ sơ báo cáo Bộ Công an truy cứu về hành vi gian dối của Cty Đại Nguyên Dương trong vụ đánh tráo vật liệu thép không đúng như hợp đồng đã ký kết với ngư dân”, ông Trần Châu cho hay. |