| Hotline: 0983.970.780

Dai dẳng nỗi đau miền sơn cước

Thứ Ba 01/06/2010 , 09:28 (GMT+7)

Chuyện tự tử hàng loạt không chỉ xảy ra ở huyện Vĩnh Thạnh mà là vấn nạn nhức nhối ở huyện An Lão...

Người thân của người chết vì tự tử khi đi đưa tang về phải được trừ tà

Bị vợ hoặc chồng nói nặng lời, tự tử. Bị hàng xóm láng giềng dè bỉu vì nhà mình nghèo, tự tử. Bị phụ tình, tự tử. Cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, bị cấp trên kiểm điểm, tự tử…

Tự tử vì... nghèo 

Giữa những ngày nóng như lửa đốt, chúng tôi về Vĩnh Thuận (Vĩnh Thạch, Bình Định) công tác. Bí thư Đảng ủy Vĩnh Thuận Đinh Phík nói: “Cúp điện rồi, cán bộ về địa phương làm việc trong thời gian này phải ráng chịu nóng thôi”. Thời tiết quả nhiên nóng nhưng không thể so với câu chuyện mà Bí thư Đinh Phík kể về cái chết tức tưởi của em Định Thị H. Thế nhưng, đó là với người lạ, còn với dân làng, đó lại là chuyện thường ở phố huyện.

H sinh năm 1991 ở làng 4, xã Vĩnh Thuận, vừa lấy chồng. Khi yêu nhau, cả 2 người không màng gì khác ngoài tình cảm dạt dào. Khi 2 người đã kết thành một gia đình, bên cạnh tình yêu, những bức bách về cuộc sống lập tức bủa vây đôi vợ chồng trẻ, nhất là khi gia đình này có mặt của 2 đứa con.

Xấu hổ vì không làm ra nhiều tiền như chúng bạn để nuôi vợ nuôi con, chồng H tìm đến với rượu hằng ngày để quên đi nỗi cơ cực. Nương rẫy phó mặc cho trời đất. Để kiếm lương thực nuôi con, một nách hai con, H đành phải cáng đáng việc nương việc rẫy thay chồng. Càng cơ cực, H càng giận chồng đã bỏ bê gia đình. Không biết giải tỏa cơn giận ngày càng dâng cao trong lòng,  H đã tự tìm đến cái chết để giải thoát sự uất ức khi chọn nhầm người mình hết mực yêu thương. Hai đứa con thơ dại của vợ chồng H đành phải lớn lên trong sự cô độc như cây sim, cây mua trong rừng.

Chuyện tự tử hàng loạt không chỉ xảy ra ở huyện Vĩnh Thạnh mà là vấn nạn nhức nhối ở huyện An Lão. Tại buổi làm việc với các tổ chức đoàn thể huyện An Lão, chúng tôi được nghe thêm nhiều trường hợp tự tử vì những lý do hết sức... vô lý. Có em học sinh nằng nặc vòi cha mẹ mua xe máy để vi vu cùng chúng bạn mà không nghĩ đến tình cảnh gia đình đang trong cảnh ăn buổi trưa lo chạy gạo buổi chiều. Cha mẹ không đáp ứng được, em học sinh này liền thắt cổ tự tử.

Một chàng trai Hrê lâm vào chuyện tình tay ba, không được lọt vào mắt xanh của cô gái mình yêu tha thiết nên tìm đến rượu để giải sầu. Đây lại là cái cớ để cho cô gái kia buông lời từ chối: “Mày uống rượu nhiều, tao không ưng đâu”. Vì chán nản, chàng trai Hrê kia không tìm đến rượu nữa mà lại tìm đến với thuốc trừ sâu. May mắn là được bà con bản làng phát hiện kịp thời nên được cứu sống. Oái ăm hơn, có người nguyên là lãnh đạo cấp xã, khi được bình bầu công tác thấy sự cống hiến của mình không sánh bằng thuộc cấp, xấu hổ quá liền tìm đến với cái chết để giải đi nỗi xấu hổ trong lòng.

Thời điểm 10 năm về trước là đỉnh điểm của vấn nạn tự tử trong cộng đồng các dân thiểu số ở các huyện miền núi tỉnh Bình Định. Có những địa phương rộ lên nạn tự tử hàng loạt như ở thôn Thuận An, xã An Tân (An Lão). Tại địa phương này, bình quân mỗi năm xảy ra 10 vụ tự tử mà đối tượng chủ yếu là học sinh.

Ông Đinh Hơ Nhao, cán bộ lãnh đạo xã Vĩnh Thuận cho biết: “Chuyện tự tử trong cộng đồng các dân tộc thiểu số vốn đã có từ xa xưa, nhưng chủ yếu rơi vào các trường hợp là người già, neo đơn không ai chăm sóc hoặc những người bị bệnh tật triền miên. Họ tìm đến với cái chết như một sự giải thoát. Thế nhưng thảng hoặc mới xảy ra một trường hợp chứ không trở nên phổ biến như hiện nay mà đối tượng chủ yếu lại là người đang rất khỏe mạnh, là lao động chính trong gia đình”.

Một góc rừng ma (nghĩa địa) của làng Balay Ruông Cuông ở xã An Vinh

Qua nhiều ngày thâm nhập đời sống thực tiễn của đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều địa phương, chúng tôi nhận ra chuyện tự tử đang có hiện tượng lây lan trong tâm lý cộng đồng giữa những mối quan hệ xã hội.

Hiện tượng này càng trở nên nghiêm trọng khi đặc tính của đồng bào các dân tộc thiểu số là sống khép kín, không biểu lộ cảm xúc dù buồn hay vui. Khi có những xung đột giữa những người trong gia đình thì họ lại càng im lặng không muốn bày tỏ cùng ai. Bức xúc dồn nén, khi đến đỉnh điểm của mâu thuẫn thì họ liền tìm đến cái chết để giải tỏa cõi lòng. 

Ban hành Chỉ thị ngăn tự tử 

Ông Đinh Yang Kinh, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Thạnh khẳng định: Rượu chính là một trong những tác nhân chính ảnh hưởng đến hành vi tự tìm đến cái chết của họ. Rượu với đồng bào các dân tộc miền núi bây giờ không chỉ có trong những dịp lễ hội hay những sinh hoạt truyền thống của mỗi bản làng. Rượu đang "ăn" vào đời sống bà con không chỉ với nam giới mà cả phụ nữ, thậm chí đến cả nhiều đứa trẻ cũng đã tiếp xúc với rượu hằng ngày như là một nhu cầu không thể thiếu. Người đồng bào dân tộc vốn tự ái cao, khi gặp chuyện “không ưng cái bụng” hoặc bị mlơu (xấu hổ) mà không giải quyết được, cộng với chất xúc tác của rượu họ liền nghĩ ngay đến cái chết.

Thực tế, hầu hết đồng bào các dân tộc thiểu số đều không đồng tình với những cái chết do tự tử. Bởi quan niệm những cái chết do tự tử luôn mang lại rủi ra cho cộng đồng bản làng. Thậm chí người thân của những người chết do tự tử sau khi đi đưa tang, trước khi rời “rừng ma” (nghĩa địa của người đồng bào dân tộc thiểu số) trở về nhà, ai cũng phải bước qua một cái vòm cổng làm bằng lá cây rừng, phía dưới cổng lá cây có xác một con gà chết rồi người ấy tiếp tục được các già làng  làm phép trừ tà bằng 2 cây đuốc rồi mới được bước vào làng.

Theo thống kê của Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định, từ đầu năm 2009 đến nay, tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 2 huyện miền núi An Lão và Vĩnh Thạnh đã xảy ra 41 vụ tự tử. Trong đó, có 25 vụ dẫn tới tử vong và 16 vụ nhờ phát hiện kịp thời nên nạn nhân được cứu sống. Đối tượng tự tử chủ yếu là người các dân tộc Bana và Hrê. Đây là hiện tượng tăng đột biến so với những năm về trước.

Ông Nguyễn Văn Phóng, Phó trưởng ban Dân vận Huyện ủy An Lão, bộc bạch: Từ năm 1998, nhận thấy vấn nạn tự tử tại địa phương đang có xu hướng ngày càng lan rộng và trở thành tập tục xấu cần ngăn chặn, Ban Thường vụ huyện ủy An Lão đã kịp thời ban hành hẳn Chỉ thị về việc “Đẩy mạnh công tác phòng ngừa và ngăn chặn nạn tự tử ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Với sự phối hợp gắn bó của cả hệ thống chính trị trong toàn huyện, những năm đầu thực hiện đã cho thấy những chuyển biến tích cực. Thế nhưng trong những năm gần tình trạng tự tử lại tái diễn phức tạp.

Cũng theo ông Phóng, hiện trên các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chính quyền các địa phương đang thực hiện nhiều chủ trương, phong trào một cách đồng thời. Nếu phối hợp lồng ghép giữa các phong trào như: Xây dựng và thực thi hương ước, xây dựng làng văn hóa, xây dựng nếp sống lành mạnh địa bàn khu dân cư, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, trợ giúp pháp lý đối với đồng bào dân tộc thiểu số... thì sẽ tạo được sức mạnh tổng hợp. Được như vậy sẽ khai thác triệt để các mặt tích cực của các luật tục giữa các quan hệ cộng đồng, quan hệ hôn nhân và gia đình, giữa các mâu thuẫn và xung đột ắt sẽ ngăn chặn hiệu quả vấn nạn tự tử.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm