| Hotline: 0983.970.780

Dân kêu trời!

Thứ Năm 06/06/2013 , 09:52 (GMT+7)

Nhiều người lo lắng từ Quý III/2013 khi đoàn xe “khủng” chở bauxite rầm rộ đi qua, cuộc sống sẽ đảo lộn vì... không dám ra đường!

Hơn 1 năm nay, người dân  dọc Quốc lộ 20 – huyết mạch chính phục vụ vận chuyển bauxite từ nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng) về cảng Gò Dầu (Đồng Nai) than trời vì việc cải tạo con đường đang hết sức chậm trễ, nguy cơ tai nạn luôn rình rập. Nhiều người lo lắng từ Quý III/2013 khi đoàn xe “khủng” chở bauxite rầm rộ đi qua đây, cuộc sống của họ sẽ đảo lộn vì... không dám ra đường!

RA ĐƯỜNG: TAI NẠN

Chúng tôi đến ngã ba Dầu Giây (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) rẽ vào Quốc lộ 20 chạy thẳng lên hướng TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) dài 120 km. Hàng ngày, con đường “nhàu nhĩ” chằng chịt ổ voi, ổ gà với chiều rộng chưa đến chục mét phải gồng mình chịu đựng hàng chục nghìn lượt xe chở khách và xe tải nặng chở nông sản cho hai trung tâm kinh tế, du lịch lớn là TP.HCM và Đà Lạt. Kể từ ngày Công ty CP BT20 Cửu Long và Công ty TNHH Đông Mê Kông về đây triển khai nâng cấp tuyến đường này (cuối năm 2011), con đường càng trở thành nỗi ám ảnh cho hàng nghìn hộ dân sống ven quốc lộ.

Tại khu vực thuộc các xã Gia Kiệm, Quang Trung, Gia Tân 1&2 (huyện Thống Nhất) đang thi công nham nhở hệ thống cống thoát nước, đất đá tràn ra phần đường lồi lõm còn lại (chiều rộng chỉ còn 5 – 6 mét) khiến việc lưu thông vô cùng nguy hiểm. Bản thân PV cũng suýt đâm vào phần đuôi chiếc xe xúc đất đang choán ngang nửa con đường, liên tục cạp đất và xoay 90 độ đổ đất lên thùng xe ben. Quan sát xung quanh, đơn vị thi công không hề đặt cọc tiêu biển báo, không che chắn công trình và cũng chẳng có ai ra hướng dẫn giao thông tại các khu vực “nút thắt cổ chai” chỉ lọt vừa một chiếc xe ô tô. Đặc biệt, phía trước cửa nhiều hộ dân đang đào hệ thống cống sâu trên dưới 2 mét, nhưng không hề được che chắn đã trở thành cái bẫy nguy hiểm khi trời tối hay mưa to gió lớn.


Thi công cống thoát nước không có biển cảnh báo nguy hiểm cho người dân

Chú Nguyễn Văn Dương (ngụ ấp Bạch Lâm, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) cho biết: “Tối hôm trước trời mưa to, đường sình lầy trơn trượt khiến một phụ nữ rớt xuống cái hố gần nhà tôi. May mà dưới đó có nước nên chỉ bị xây xát, nhưng tinh thần hoảng loạn vì sợ!”. Chú Dương cũng cho biết, các loại xe ben, xe khách, xe nông sản hàng ngày chạy rầm rập, phóng rất nhanh, trong khi đường lại bị thu hẹp, lồi lõm nên tai nạn xảy ra thường xuyên hơn. “Dân ở đây lo lắng lắm, ai đi xe máy ra đường cũng có thể mất mạng như chơi!”. Tương tự, anh Thanh Sơn ngụ ấp Đức Long 1, có nhà ngay gần hố sâu công trình nói: “Có hôm trời mưa to, nước ngập lênh láng không biết đâu là cống, đâu là đường. Sợ quá tôi cứ phải dặn vợ con cảnh giác kẻo bùn đất trơn trượt rất dễ rơi xuống hố sâu”. Sở dĩ người dân ở đây hết sức bất an vì trước đã có hai cháu bé 3 tuổi và 7 tuổi (ngụ xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) bị lọt xuống hệ thống mương thoát nước dọc quốc lộ 20 chết thảm.

Để đảm bảo an toàn cho gia đình, nhiều hộ dân đã tự bỏ tiền ra mua đá về đổ dặm trước nhà vì nhiều đoạn bị sụt lún nghiêm trọng. Anh Hoàng Thái Vinh ngụ ấp Bạch Lâm vừa bỏ gần 1 triệu đồng thuê xe đổ đá ngay cửa nhà; kế bên, anh Khoái cũng bỏ ra gần 2 triệu đồng mua đá dặm vá mặt tiền. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, tình hình chẳng cải thiện bao nhiêu, chỉ cần một trận mưa lớn đêm hôm trước đã làm toàn bộ khu vực trước cửa nhà anh Vinh và anh Khoái sụt thêm cả gang tay!

CHỦ ĐẦU TƯ THIẾU VỐN NGHIÊM TRỌNG?

Theo tìm hiểu của NNVN, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 20 (thành phần 1) có điểm đầu từ ngã ba Dầu Giây, huyện Thống Nhất, Đồng Nai và điểm cuối giao giữa QL20 và tỉnh lộ 725 thuộc TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến 123 km, trong đó chiều dài tuyến cần khôi phục, nâng cấp cải tạo là 110 km, xây mới 6 cầu (1 cầu lớn, 3 cầu trung và 2 cầu nhỏ); còn lại là 13,55 km đã xây dựng. Tổng mức đầu tư là 4.466 tỷ đồng theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao). Đây là công trình đặc biệt quan trọng phục vụ việc vận chuyển sản phẩm cho các nhà máy bauxite và đáp ứng nhu cầu giao thông của cả vùng.


San lấp mặt đường cẩu thả, gây sụt lún nghiêm trọng

Tuy nhiên, dù Bộ GTVT từng yêu cầu dự án này phải hoàn thành trong năm 2014, nhưng đến nay mọi công việc đều trong tình trạng dang dở, thi công hết sức ì ạch vì lý do thiếu vốn. Theo quan sát, hầu như toàn tuyến vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, dặm vá ổ voi, ổ gà và một số đoạn đang được đào xới nham nhở để làm cống thoát nước.

Số phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 20 trung bình mỗi ngày từ 20.000 - 30.000 lượt đã khiến tuyến đường xuất hiện hàng chục “điểm đen” về TNGT, như: đoạn km38+800, km30, km42, km52+300, km600+200… Nhiều người dân khẳng định, họ ở đây hàng chục năm nhưng chưa bao giờ cảm thấy Quốc lộ 20 trở nên nguy hiểm như hiện nay. “Từ tháng 7 tới, đoàn xe chở bauxite sẽ rầm rập đi qua đây, chắc cả nhà tôi chẳng dám ra đường nữa vì sợ tai nạn giao thông!” – một người dân ngao ngán nói.

Trong quá trình tìm hiểu, PV khá bất ngờ khi gặp ông Đỗ Công Toàn - một doanh nghiệp tại xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất liên tục than vãn vì bị dự án trả chậm số tiền 300 triệu đồng. “Bên dự án họ hứa cứ đổ xong 4.500 khối đất sẽ trả tiền một lần, nhưng mấy tuần nay chẳng thấy tiền đâu, trong khi đó tôi vẫn phải trả tiền công cho tài xế và 7 chiếc xe ben chở đất mất hơn 60 triệu đồng rồi!”. Ông Toàn cũng cho biết, số tiền này so với kinh phí “khủng” lên tới hàng nghìn tỷ đồng của dự án chẳng đáng là bao nhưng cũng bị nợ đọng, chắc chắn là họ đang thiếu vốn nghiêm trọng. Vì thế, mấy ngày nay ông Toàn đã dừng đổ đất để chờ dự án trả tiền sòng phẳng, tránh bị thiệt hại thêm.

Để tìm hiểu về tình trạng thiếu vốn của nhà đầu tư, PV đã nhiều lần gọi vào máy điện thoại của ông Chủ tịch HĐQT Cty CP BT20 Cửu Long hẹn gặp, nhưng không liên lạc được. Tuy nhiên, theo một nguồn tin riêng, thời gian qua Cty CP BT20 Cửu Long cùng với Bộ GTVT đang đàm phán vay 250 triệu USD từ Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), tuy nhiên đến nay vẫn chưa có tiền giải ngân. Vì thế, tiến độ cải tạo Quốc lộ 20 đang trông chờ chủ yếu vào các nguồn vay nhỏ lẻ từ các ngân hàng trong nước, vốn “lận lưng” cho dự án vì thế luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.

Bình luận mới nhất