| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp vận chuyển rác bị dồn vào chân tường!

Thứ Năm 20/03/2014 , 13:13 (GMT+7)

Gần một nửa lượng rác mỗi ngày tại Hà Nội có nguy cơ ùn ứ do văn bản của Sở Xây dựng Hà Nội cấm các loại xe không có bộ phận cuốn ép vận chuyển rác về Nam Sơn.

Theo Văn bản số 622/SXD-MT của Sở Xây dựng Hà Nội, bắt đầu từ ngày 1/4/2014, tất cả các loại xe không có bộ phận cuốn ép (kể cả xe chuyên dùng chở rác nhập khẩu) sẽ không được tham gia vận chuyển rác về các khu xử lý rác thải tập trung tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Nếu thực hiện đúng như vậy, gần một nửa lượng rác mỗi ngày tại Hà Nội sẽ bị ùn ứ vì không có xe vận chuyển.

KHÔNG QUẢN ĐƯỢC LÀ CẤM?

Hiện nay, mỗi ngày TP Hà Nội thải ra khoảng 5.000 tấn rác thải sinh hoạt các loại. Với khối lượng rác khổng lồ như vậy, từ nhiều năm qua TP Hà Nội đã thực hiện rất mạnh mẽ công tác xã hội hóa công tác môi trường, đô thị.

Ngoài Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) là đơn vị có 100% vốn nhà nước phụ trách 4 quận trung tâm là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa thì các quận, huyện còn lại công tác vệ sinh môi trường đều được xã hội hóa với hàng chục DN tham gia.

Với những DN lớn như URENCO, lại phụ trách địa bàn đặc thù gần như tất cả các đầu xe chở rác của đơn vị này là xe cuốn ép. Tuy nhiên, với những DN được xã hội hóa thì ngoài xe cuốn ép chuyên dùng, họ còn nhập khẩu, cải tiến rất nhiều xe chuyên dùng khác để công tác thu gom và chở rác tốt và tiết kiệm hơn, trong đó nổi bật lên là dòng xe Hooklift và xe ben cải tiến.

Chuyện bắt đầu khi xảy ra việc người dân sống xung quanh bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn - Hà Nội) bức xúc trước việc quá tải của bãi rác do lượng xe ra vào mỗi đêm quá lớn (bình quân 400 - 500 lượt xe mỗi đêm) cộng việc đường sá, hạ tầng tại đây đã xuống cấp trầm trọng nên tiến hành chặn xe chở rác không cho vào bãi.

Trước bức xúc chính đáng của người dân, lãnh đạo huyện Sóc Sơn kiến nghị lên Sở Xây dựng và UBND TP Hà Nội. Cho rằng các xe Hooklift và xe ben cải tiến là thủ phạm vì không có ngăn đựng nước rác, Sở Xây dựng Hà Nội ra văn bản số 622 cấm không cho 2 loại phương tiện này tham gia chở rác vào bãi Nam Sơn.

Lãnh đạo Cty CP Dịch vụ Môi trường Thăng Long bức xúc, lấy lí do cho rằng xe Hooklift là một trong những thủ phạm làm chảy nước rác ra đường, nhưng khi các DN đề nghị Sở Xây dựng chứng minh thì không thấy ai chứng minh được.

Thực tế, các xe Hooklift và xe ben cải tiến đều được các đơn vị thiết kế, sáng tạo thêm các thành và gioăng chắn nước nên không có chuyện xe chảy nước như Sở Xây dựng quy chụp. Qua đó, vị lãnh đạo này đặt dấu hỏi với văn bản có vẻ “trên trời” của Sở Xây dựng.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một đơn vị tham gia công tác thu gom, vận chuyển rác bức xúc cho biết: Thay vì ra quân xử phạt, chấn chỉnh lại tình trạng xe chở rác chạy ẩu, chở quá tải thì Sở Xây dựng Hà Nội ra ngay văn bản cấm. Trước quyết định có vẻ vội vàng này của Sở Xây dựng Hà Nội, hàng loạt DN môi trường và đô thị trên địa bàn phản ứng dữ dội vì cho rằng, nó bất hợp lí, đi ngược lại chủ trương của thành phố và dồn DN tham gia xã hội hóa công tác chở rác vào chân tường.

Theo các DN có hợp đồng thu gom, vận chuyển rác với TP Hà Nội, nếu văn bản số 622 được thực thi vào đúng ngày 1/4 thì mỗi ngày Hà Nội sẽ bị dồn ứ khoảng 2.000 tấn rác vì không có đủ xe cuốn ép chuyên chở. Khi đó, sự việc sẽ vượt qua tầm kiểm soát rất nguy hiểm.

DN THIỆT ĐƠN THIỆT KÉP

Tham gia xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lí rác thải là việc làm được TP Hà Nội rất quan tâm và khuyến khích, trong những năm qua thành phố dành rất nhiều chính sách ưu tiên cho công tác này. Tuy nhiên, đứng trước ngưỡng cửa văn bản 622 có hiệu lực, hầu hết các DN thu gom rác thải sinh hoạt đều không đồng tình và cam tâm bởi nó không thuyết phục, thiếu hợp lý và gây thiệt hại quá lớn cho các DN tham gia công tác vệ sinh môi trường.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Cty CP Dịch vụ Môi trường Thăng Long lo lắng cho hay, trong năm 2013 đơn vị tiến hành nhập khẩu trên 10 chiếc xe Hooklift chuyên dùng cho chở rác trị giá trên 20 tỉ đồng.

Nay, nếu Sở Xây dựng cấm không cho Hooklift thực hiện chuyên chở rác thì 10 chiếc xe mới mua về không biết để làm gì, mà để đảm bảo việc thu gom rác phải mua mới 10 chiếc xe cuốn ép khác, giá mỗi chiếc trên dưới 2 tỉ đồng thì vị lãnh đạo này nói thật không biết lấy tiền ở đâu ra mà đầu tư nữa.

Có cùng chung quan điểm, Giám đốc Cty Môi trường Đô thị Hà Đông Đinh Văn Tiến khẳng định, Sở Xây dựng Hà Nội có thể phạt thật nặng, thậm chí rút giấy phép kinh doanh nếu phát hiện ra DN nào chở quá tải, để xe chở rác chảy nước ra đường… các DN buộc chấp hành nghiêm chỉnh. Đằng này, Sở Xây dựng ra văn bản cấm tiệt những loại xe không phải là xe cuốn ép thì hơi quá.

Theo ông Tiến, chính những xe cuốn ép mới là thủ phạm gây chảy nước rác trên đường vì mặc dù có ngăn đựng nước thải, song do luôn trong tình trạng đầy và đường không bằng phẳng nên quá trình xe di chuyển nước rác tràn ra ngoài đường.

13-24-58_wp_20140317_010
Không thể đổ hết lỗi cho xe Hooklift và xe ben cải tiến chuyên dùng là thủ phạm gây chảy nước rác ra đường

“Bình quân mỗi ngày quận Hà Đông thải ra khoảng 250 tấn rác sinh hoạt. Với lượng rác này chúng tôi phải dùng tới 5 xe cuốn ép và 10 xe ben cải tiến chạy 2 chuyến/ngày mới vận chuyển hết. Nếu bây giờ cấm không cho xe chuyên dùng khác ngoài xe cuốn ép chuyên chở, DN chúng tôi chỉ chở được 1/3 sản lượng rác của Hà Đông hiện nay.

Theo chia sẻ của các DN làm công tác môi trường, đô thị tại Hà Nội, các nước phát triển trước chúng ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hiện nay cũng đang dùng các xe Hooklift để vận chuyển rác vì tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế tắc đường. Tại Việt Nam có TP Đà Nẵng và TP.HCM cũng đang dùng rất nhiều xe Hooklift, chỉ có riêng TP Hà Nội là đi ngược lại với xu thế khi cấm không cho xe Hooklift vận chuyển rác.

Chúng tôi kiến nghị Sở Xây dựng và UBND TP Hà Nội tạo mở lối thoát cho các DN chứ bây giờ đem bỏ hết xe cũ để sắm xe cuốn ép tôi chắc chắn không DN nào có đủ tiềm lực tài chính để thực hiện trong thời gian ngắn như vậy”, ông Tiến lo lắng.

Ông Phạm Thiện Tài - Chủ nhiệm HTX Thành Công cho biết, nếu cấm xe Hooklift và xe ben cải tiến sẽ dẫn tới nguy cơ lãng phí hàng chục tỉ đồng tiền ngân sách Nhà nước bỏ ra đầu tư các trạm trung chuyển rác tại các huyện ngoại thành.

Theo Quyết định số 50/2010/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc “đầu tư xây dựng các điểm tập kết rác thải tập trung của xã và đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo điểm xử lý chôn lấp rác thải hợp vệ sinh tập trung của các huyện,” ngân sách thành phố hỗ trợ xây dựng các điểm tập kết rác thải tập trung với số tiền 200 triệu đồng/xã, phần còn thiếu ngân sách huyện, xã tự cân đối, hiện đã có hàng trăm bãi rác như vậy đã được xây.

Với các điểm trung chuyển này, chỉ phù hợp để vận chuyển bằng xe Hooklift hoặc xe ben cải tiến chuyên dùng vì tiết kiệm và hợp lí. Nếu chiếu theo Văn bản số 622 của Sở Xây dựng, các điểm này sẽ phải đắp chiếu một cách vô cùng lãng phí vì xe cuốn ép không thể chạy lòng vòng khắp làng để thu gom rác được.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm