Sụt lún đang đe dọa sinh kế hàng triệu nông dân ĐBSCL là thông điệp các nhà khoa học đưa ra tại hội thảo “Vấn đề sụt lún ở ĐBSCL thách thức và giải pháp tương lai” vừa tổ chức ở Cần Thơ trong lúc đời sống người dân đồng bằng cũng đang bị thụt lùi so với các nơi khác.
Đất chìm và nguy cơ tan rã
Hội thảo quốc tế “Vấn đề sụt lún ở ĐBSCL thách thức và cơ hội trong tương lai” do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Trường Đại học Utrecht (Hà Lan) tổ chức, có hơn 100 nhà khoa học trong và ngoài nước dự. PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung ở Trường Đại học Cần Thơ mở đầu hội thảo: “Đây không phải là vấn đề mới nhưng gần đây đã trở nên rất nóng vì tốc độ sụt lún tăng lên rất nhiều”.
Sóng biển phá đê bê tông, đe dọa tương lai ở tỉnh Bạc Liêu đầu năm nay (Ảnh: Hồng Hiếu) |
Vùng ĐBSCL có nơi sụt lún một năm 20-40 mm, nhất là vùng ven biển nuôi trồng thủy sản, gấp chục lần biến đổi khí hậu nước biển dâng. Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ TN&MT vừa công bố, số liệu ghi nhận trong thời gian 1993-2014 ở ĐBSCL, nước biển dâng mỗi năm 3,34 mm theo các trạm đo ven biển, còn theo vệ tinh là 4,2 mm. Sụt lún đất hơn cả biến đổi khí hậu nước biển dâng, chủ yếu do khai thác nước ngầm quá mức.
Một nguyên nhân làm đất sụt lún nữa là khai thác cát quá mức ở các lòng sông. TS Dương Văn Ni của Trường Đại học Cần Thơ phân tích, cát ở đáy các dòng sông là nền móng của châu thổ ĐBSCL, hình thành từ lâu đời. Gần đây, cát đáy sông bị nạo nét không kiểm soát, đang phá vỡ nền móng ấy.
“Như một tòa nhà, khi nền móng bị khoét rỗng thì điều gì xảy ra có thể dự đoán được rồi nên những năm gần đây, mỗi mùa gió chướng sau Tết Nguyên đán là bờ biển ĐBSCL bị sóng đánh xói lở lớn, nhiều nơi xói lở sâu vào hàng trăm mét, đê bê tông cũng vỡ. Con người là cái bóng của thiên nhiên, nương theo thiên nhiên mới yên lành, còn chọc giận thiên nhiên là sẽ lãnh hậu quả khó lường", TS Ni bày tỏ.
Vùng ĐBSCL vốn có năng lượng thủy triều rất lớn, một trong những nơi lớn nhất thế giới, vì chênh lệch mực nước đến 4 m. Thế nhưng, thủy triều vẫn thua năng lượng của dòng sông Mê Kông có lượng phù sa khổng lồ, đã bồi đắp nên ĐBSCL qua mấy nghìn năm. Khía cạnh lại xuất hiện nguy cơ lớn nữa là việc đập thủy điện chặn dòng chính trên thượng nguồn, làm giảm lượng phù sa.
TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ, cho biết, đo đạc nơi sông Mê Kông chảy vào đầu nước Lào, trong chục năm qua, khi Trung Quốc đắp đập thủy điện, lượng phù sa một năm từ 160 triệu tấn giảm xuống còn 75 triệu tấn.
Lượng phù sa ấy lắng bớt dọc đường khi vào nước ta, tuy nhiên cũng được bổ sung phù sa của nhiều sông nhánh. Đáng tiếc, sông nhánh trong lưu vực ở Lào, Thái Lan cũng bị đắp đập làm thủy điện, riêng Lào đã có khoảng 400 đập.
“Chục năm qua, lượng phù sa về nước ta một năm từ khoảng 100 triệu tấn, chỉ còn khoảng 40 triệu tấn”, TS Tuấn nói.
Trong khi hiện nay lại có thêm nhiều đập thủy điện ngăn dòng chính sông Mê Kông ở Lào sắp hoàn thành hoặc chuẩn bị xây dựng, Campuchia cũng dự kiến xây con đập khổng lồ, dài hàng chục cây số. “Nếu không còn phù sa, ĐBSCL sẽ bị thủy triều đánh tan rã. Hình thành qua 6.000 năm nhưng xói lở mất có khi chỉ vài trăm năm”, chuyên gia nghiên cứu ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện nhận xét.
Kém phát triển, người dân rời quê
Tại cuộc họp của Chính phủ về lúa gạo hôm 15/3, ở tỉnh An Giang, Bộ NN-PTNT cho biết, nông dân trồng lúa ĐBSCL chỉ có bình quân 1 ha nên thu nhập thấp hơn 4 lần so với Trung Quốc; 2,7 lần so với Thái Lan; 1,5 lần so với Indonesia và Philippines. Cánh đồng lớn nay mới chiếm dưới 5% diện tích canh tác lúa. Liên kết nông dân với doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa chưa đến 4% tổng sản lượng lúa thu hoạch hàng năm.
Vợ chồng anh Lê Văn Minh và chị Mai Thị Bé Tư đi xa làm thuê, để con trai Lê Trường Anh 11 tuổi, ở với bà ngoại trong căn nhà lá rách nát (Ảnh: Thụy Vũ) |
Lực lượng doanh nghiệp ở ĐBSCL chưa mạnh. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, trong 3 tháng đầu năm 2017, số doanh nghiệp thành lập mới ở ĐBSCL chỉ chiếm 17,3% cả nước. Chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, vốn của mỗi doanh nghiệp chỉ 2-3 tỷ đồng.
Còn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào ĐBSCL so với cả nước cũng trong 3 tháng đầu năm nay, số dự án mới chỉ chiếm 5,5%; số vốn đăng ký 3,55%. Đầu tư trực tiếp vào ĐBSCL cao nhất vào năm 2008 với 41 triệu USD, sau đó đi xuống đến năm 2016 chỉ còn hơn 8 triệu USD.
Nghịch lý đang diễn ra ở ĐBSCL, nhiều địa phương cải thiện nhanh chỉ số cạnh tranh nhưng thu hút đầu tư vẫn thấp. Năm 2016, có 5 tỉnh ĐBSCL đứng đầu cả nước trong 10 chỉ số thành phần. Các chuyên gia cho rằng do hạ tầng kỹ thuật và xã hội yếu kém.
Về đào tạo lao động, 8 tỉnh ĐBSCL nằm trong số 15 tỉnh thấp nhất cả nước. Đặc biệt, cả 13 tỉnh và thành phố ĐBSCL trong 25 tỉnh có tỷ lệ thấp nhất về lao động tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề.
Nên làn sóng người dân rời quê đi kiếm việc làm ở ĐBSCL ngày càng nhiều, chủ yếu làm thuê nên không thoát được nghèo. Điển hình như gia cảnh vợ chồng anh Lê Văn Minh và chị Mai Thị Bé Tư ở ấp Lung Đen, xã Kế An (Kế Sách, Sóc Trăng). Anh Minh sinh năm 1969, con của liệt sĩ Lê Văn Bông, lớn lên với bà nội là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hai.
Bà nội qua đời, để lại cho anh căn nhà tình nghĩa cũ kỹ với một công vườn tạp và hai công ruộng phèn. Năm 1996 anh lấy chị Tư. Làm nông không có ăn nên vợ chồng anh bán hai công ruộng, gửi con trai cho bà ngoại già yếu, lên TP.HCM làm thuê.
Không vốn liếng, ít học nên vợ chồng anh phải làm đủ việc nặng nhọc từ phụ hồ đến rửa bát thuê các quán ăn. Cũng ở ấp Lung Đen, bà Lê Thị Láng năm nay tròn 80 tuổi, có gần chục người con đã rời quê đi làm thuê tứ xứ.
Bà kể: “Ở đây chỉ làm ruộng, nuôi cá, nghề nông bây giờ ăn trước trả sau, không sống nổi nên con cháu phải kéo nhau đi hết cả, để lại mình tôi với căn nhà trống trơn”.
Người có của ăn của để, mở việc kinh doanh cũng không khá nổi như ông Nguyễn Văn Ổi ở xã Nhơn Mỹ, chủ quán ăn du lịch miệt vườn. Ông kể, chủ trương của huyện Kế Sách và tỉnh Sóc Trăng khai thác thế mạnh du lịch miệt vườn cù lao Mỹ Phước, vợ chồng ông giỏi nấu ăn nên mở quán. Vốn liếng dồn vô hơn 400 triệu đồng, lời mỗi tháng chỉ khoảng 1,5 triệu đồng.
“Do thanh niên địa phương đã rời quê đi làm thuê, còn khách du lịch lại chưa biết đến vùng đất này. Con gái tôi cũng đi xa làm thuê rồi, không khéo rồi đây vợ chồng tôi đi theo”, ông Ổi nói như khóc.
Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ, ông Trần Văn Chên, trăn trở, xã có 3.215 hộ với 13.199 nhân khẩu, trên 50% số người trong tuổi lao động đã tha phương cầu thực. “Nhà nào quá nghèo, không đất đai ruộng vườn thì đi luôn nguyên hộ. Nhà có ruộng vườn thì để người già, đàn bà, trẻ con ở lại”, Phó chủ tịch Chên nói.