| Hotline: 0983.970.780

"Đứa con đầu lòng" của điện ảnh Việt

Thứ Ba 21/10/2014 , 13:10 (GMT+7)

Năm 1959, bộ phim nhựa đầu tiên mang tên “Chung một dòng sông” ra đời. “Chung một dòng sông” vốn là kịch bản mang tên “Tình không giới tuyến”.

Mặc dù trước đó 6 năm, ngày 15/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”, đánh dấu sự ra đời của nền điện ảnh Cách mạng nước nhà.

Người cao số nhất

Những người trong đoàn làm “bộ phim nhựa Việt Nam đầu tiên” ấy hầu hết đã thành người thiên cổ. Có lẽ, người duy nhất còn sống là ông Phạm Việt Tùng, phụ trách ánh sáng.

Mặc dù đã gần tuổi 80, nhưng khi nhắc đến bộ phim có giá trị lịch sử của điện ảnh nước nhà ông rất ngậm ngùi: “Hóa ra tôi là người cao số nhất đoàn làm phim. Ở tuổi này còn được ngồi nói chuyện về bộ phim đặc biệt ấy cũng là điều hiếm có”.

Ngày ấy, Phạm Việt Tùng vốn là một anh lính có biệt danh là Tùng "ghi ta". Giống như nhiều người khác trong đoàn làm phim “Chung một dòng sông”, Tùng "ghi ta" là tay ngang và bộ phim được họ coi là “mối tình đầu” với điện ảnh. Không nhiều người tin tưởng khả năng của những “tay ngang” ấy. Ông Tùng bảo, chúng tôi làm bằng chỉ bằng sự... hồn nhiên.

Ông kể: Muốn có những thước phim đẹp (đúng sáng) thì phải có đủ nguồn sáng. Lúc đó, độ nhạy của phim (ASA) rất yếu, nên phần ánh sáng lại là yếu tố quyết định, càng phải đảm bảo. Đấy là vào tháng 3/1959, cả đoàn làm phim từ Hà Nội vào Quảng Bình, sang bán đảo Bảo Ninh (TX. Đồng Hới) để quay cho giống với bối cảnh đôi bờ Bến Hải.

Vật tư cho phim rất thiếu thốn, nhưng đoàn phải ưu tiên hẳn một cái ô tô để chở... đèn. Khổ nỗi, đèn đóm thô sơ lắm. Khi đặt đèn thấp chiếu lên khuôn mặt diễn viên trở nên dữ tướng, đặt đèn lên cao thì đôi mắt diễn viên bị sâu, buồn. Suốt mấy ngày các cảnh quay đều hỏng do không đủ ánh sáng. Cả đoàn mất ăn mất ngủ. Tự nhiên tôi nghĩ ra cách dùng gỗ đóng thành những cái bục để điều chỉnh độ sáng của đèn. Không ngờ thành công. Tôi được đổi biệt danh thành Tùng "bục" nhờ sáng kiến rất nghiệp dư ấy.

Ông Phạm Việt Tùng bảo, bốn tháng quay “Chung một dòng sông” là quãng thời gian đẹp nhất trong nghiệp “cầm đèn” của ông dù thiếu thốn, cơ cực đủ bề. Nhưng thời tiết ở xứ gió Lào cát trắng mới là thứ ám ảnh ông cho đến tận bây giờ. Muốn có những thước phim đạt chất lượng, đoàn làm phim đã phải vật lộn với cái nóng đổ lửa. Có những cảnh quay xong thì trời đã quá trưa, cát nóng tạt vào mặt, vào người bỏng rát. Có người phải cởi áo bọc chân để đi, sau đó người dân địa phương bày cho cách chạy men theo mép biển có nước sẽ đỡ nóng hơn.

bctung1151003492
NSƯT Việt Tùng tác nghiệp trong phim “Chung một dòng sông”

“Ngày đầu tiên chiếu bộ phim, mỗi người trong tổ chế tác được phát 2 cái vé. Tôi rủ mẹ đi xem. Mới nghe nhân vật cất câu thoại đầu tiên, mẹ tôi òa khóc. Hỏi lí do, cụ nghẹn ngào “lần đầu tiên người Việt Nam mình được nghe tiếng mẹ đẻ trên phim, không khóc sao được”. Và trong rạp chiếu ngày hôm ấy cũng không phải chỉ mình mẹ tôi khóc...”. Những chi tiết ấy vẫn theo ông cho đến tận bây giờ.

Cả làng đóng phim

Địa điểm quay của “Chung một dòng sông” là làng biển Bảo Ninh, quê hương Mẹ Suốt (nay thuộc TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Không nhiều người còn nhớ đến địa danh lịch sử của nền điện ảnh Việt Nam này.

Chúng tôi may mắn được ông Hồ Ngọc Diệp (nguyên Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, một người con của làng biển Bảo Ninh) kể cho nghe những kỷ niệm thời kỳ lịch sử ấy.

“Bấy giờ, tôi là một cậu bé 14 tuổi. Một hôm, cùng gần chục đứa bạn nữa, trèo lên một cây me trên đồi xem quay phim. Đột nhiên thấy ống kính hướng về phía chúng tôi, có người cất tiếng: Này, các cháu, chú quay phim đấy nhé. Các cháu chỉ trỏ tự nhiên, xem như mình là các thiếu nhi ở bờ Nam sông Bến Hải hướng về bờ Bắc trong ngày Quốc khánh. Cảnh quay tình cờ mà hóa thật”, ông Diệp kể.

“Chung một dòng sông” vốn là kịch bản mang tên “Tình không giới tuyến” của tác giả Cao Đình Báu, nói về mối tình bị chia cắt giữa hai nhân vật bên bờ sông Bến Hải. Hai nhà biên kịch Cao Đình Báu và Đào Xuân Tùng cùng hoàn thiện kịch bản, đổi tên thành “Chung một dòng sông”.
Tháng 2/1959, bộ phim chính thức khởi quay bởi cặp đạo diễn gạo cội Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân (tức Phạm Kỳ Nam), quay phim Nguyễn Đắc, họa sĩ thiết kế Đào Đức... Với vai trò và giá trị đặc biệt của mình, phim đã được trao tặng Giải thưởng Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ II năm 1973.

Ông cũng kể thêm rằng, cả làng Bảo Ninh rất hồ hởi tham gia đóng bộ phim này dù chỉ với tư cách là những diễn viên “rất phụ”. Cảm phục tấm lòng hết mình vì nhiệm vụ của đoàn làm phim, người dân làng Bảo Ninh đã nghiêm túc xem “vai diễn” của mình như là nhiệm vụ cách mạng.

“Tôi còn nhớ, cảnh đoàn thuyền đánh cá ngoài khơi trở về, một nửa về Bắc, một nửa sang Nam... Các lão ngư làng biển thuần phác quê tôi lần đầu tiên nhận lời đóng phim, hồ hởi và nghiêm túc như họ đã từng nhận mệnh lệnh, chỉ thị hành động của cách mạng thời kỳ chống Pháp.

Hôm đó, từ ngoài khơi về họ buông neo đợi nhau ngoài cửa biển, chờ pháo lệnh từ giàn quay đặt trên một chiếc thuyền ở cửa sông Nhật Lệ bắn lên, tất cả đồng loạt nhổ neo, căng buồm lướt vào bờ. Đoàn theo hướng Bắc, đoàn theo hướng Nam. Một lần và duy chỉ một lần, cảnh quay không lặp lại. Thế mà khi phim chiếu lên, cảnh thật sinh động và hoành tráng”.

Người dân làng biển Bảo Ninh vui đến chảy nước mắt, vì thấy thuyền biển quê mình "nhập vai như thật”. Những kỷ niệm tuôn về như thể mới hôm qua. Rồi ông Diệp gần như muốn khóc. Đó là khi ông nhớ cảnh quay về một em bé bờ Nam ôm gốc cây hát "Quốc ca" ở bờ Bắc ngày 2/9. Ông bảo đấy là người bạn thân thời niên thiếu của mình tên là Phạm Chính.

“Năm 1968, tôi nghe tin Phạm Chính đã hy sinh khi anh là Tiểu đội trưởng trong Đại đội pháo C300 của Thị đội Đồng Hới. Mộ của cậu bé hát "Quốc ca" bên bờ Nam sông Bến Hải hướng ra bờ Bắc trong bộ phim "Chung một dòng sông" năm xưa được gia đình và dân làng đặt ở một trảng cát rộng, trên đồi. Đứng trước mộ anh tôi đã khóc. Cùng được lên phim, nhưng bây giờ, một người đứng đây, một người nằm dưới mộ”, ông Diệp xúc động nhớ lại.

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Quảng Trị Marathon 2024: Chốt phương án bảo đảm an toàn cho vận động viên

Sau khi thực địa đường chạy, Ban tổ chức Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa đã thống nhất các phương án đảm bảo an toàn cho vận động viên.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất