| Hotline: 0983.970.780

Khoa học đánh thức nuôi trồng thủy sản miền Trung

Thứ Hai 01/01/2018 , 09:01 (GMT+7)

Ngoài nghiên cứu thành công về cá giống bố mẹ, gần đây Viện III đã tiến hành nghiên cứu sản xuất giống các đối tượng nhuyễn thể như trai ngọc nữ, trai tai tượng…

Những năm gần đây, với nhiều công trình nghiên cứu khoa học công nghệ nổi bật có ứng dụng cao trong thực tiễn, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã giới thiệu những giống mới, quy trình kỹ thuật nuôi mới giúp các doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ngày một đa dạng hơn về đối tượng nuôi.
 

Tiến bộ trong sản xuất thức ăn

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS III (Viện III) cho biết, khu vực các tỉnh miền Trung (từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận) hiện có diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên 60.000ha với điều kiện thiên nhiên ưu đãi (độ mặn cao và ổn định quanh năm). Các loại hình thủy vực, đối tượng nuôi, hình thức nuôi khu vực này đang ngày một đa dạng hơn, tuy vậy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn nơi đây.

10-43-46_chm_soc_con_giongjpg
Chăm sóc con giống

Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường về sản phẩm hải sản ngày càng tăng cao, nghề nuôi hải sản ở nước ta đang có xu hướng phát triển nhanh chóng. Trong đó hình thức nuôi công nghiệp đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm định hướng đầu tư, mở rộng diện tích nuôi hải sản công nghiệp ở các địa phương. Do vậy, nhu cầu thức ăn công nghiệp cho nuôi hải sản với số lượng lớn là xu thế tất yếu trong thời gian trước mắt và tương lai.

Mới đây, Viện đã nghiên cứu thành công đề tài “Công nghệ sản xuất thức ăn ương nuôi cá chình” góp phần đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp trong các doanh nghiệp nuôi lớn và một phần sẽ cung cấp thức ăn cho các trang trại có quy mô nhỏ ở các địa phương.

Hiện nay việc nuôi cá chình chủ yếu dựa vào thức ăn tươi, cá tạp tự chế biến (ước tính 100.000 tấn/năm) mang lại tác động xấu đến môi trường cũng như hiệu quả kinh tế. Một số trang trại tiến hành nhập khẩu thức ăn công nghiệp từ nước ngoài, tuy nhiên giá thành cao, thủ tục phức tạp và không chủ động nguồn thức ăn.

Theo ông Ninh, việc nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn nuôi cá chình từ enzyme và một số nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam là một tiến bộ mới, là bước đột phá trong việc ứng dụng, phát triển ngành sản xuất thức ăn nuôi thủy sản nói chung và lĩnh vực chế biến thức ăn cá chình nói riêng. Do từ trước đến nay chưa có nghiên cứu ứng dụng, công ty hoặc cơ sở nào sản xuất thức ăn cho cá chình từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước có bổ sung enzyme.

Ứng dụng enzyme để sản xuất thức ăn tổng hợp góp phần đảm bảo nghề nuôi phát triển bền vững. Sử dụng nguyên liệu sẵn có trong nước để sản xuất thức ăn, giảm sự phụ thuộc vào thức ăn nhập khẩu, tạo ra sản phẩm hàng hoá có tính cạnh tranh cao (giá thành thấp hơn 20 - 25% so với thức ăn nhập ngoại), làm tăng hiệu quả kinh tế, tăng lợi nhuận cho người nuôi, tiến tới thay thế thức ăn cá tạp nuôi cá chình, góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá chình ở nước ta phát triển theo hướng công nghiệp, bền vững.

Ngoài ra, Viện đã xây dựng được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất thức ăn nuôi cá chình, tạo ra được công thức thức ăn có hiệu quả kinh tế cao, hoàn thiện mô hình thiết bị dây chuyền sản xuất thức ăn công suất 500 kg/giờ, thay thế việc nhập máy móc từ nước ngoài.

Bên cạnh hiệu quả về nghiên cứu tạo ra thức ăn tổng hợp cho cá chình, mới đây Viện III đã xây dựng thành công quy trình nuôi thương phẩm tôm hùm bông bằng thức ăn công nghiệp trong hệ thống bể sử dụng nước tuần hoàn.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho hay, sau 2 năm thực hiện, Viện đã thiết kế và vận hành hiệu quả hệ thống nuôi gồm bể nuôi và bể lọc sinh học, và chọn lựa được các thiết bị phụ trợ như máy bơm, máy xử lý nước, máy ổn định nhiệt độ môi trường nuôi, máy cung cấp ô xy nguyên chất, thiết bị lọc…

Bể lọc sinh học sử dụng vật liệu sẵn có trong nước có hiệu suất lọc khá tốt, duy trì ổn định các yếu tố môi trường nuôi phù hợp cho tôm hùm bông phát triển, với tỉ lệ sống của tôm hùm bông nuôi trong bể đạt 70%.

Đến nay, nhóm tác giả bước đầu đã chủ động sản xuất được thức ăn công nghiệp dạng viên sử dụng 100% nguyên liệu sẵn có trong nước, thay thế hoàn thức ăn tươi. Chi phí thức ăn để sản xuất 1kg tôm hùm bông ước tính 300.000 - 400.000 đồng/kg tùy vào cỡ tôm.

Ông Ninh cho biết thêm, nuôi tôm hùm trong bể tuần hoàn nước bằng thức ăn công nghiệp là mô hình nuôi tiên tiến, chủ động kiểm soát chất lượng đầu vào (nước, thức ăn) do đó giúp giảm thiểu dịch bệnh và tạo sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mô hình nuôi trong bể giúp hạn chế được rủi ro như bão, lũ lụt, ô nhiễm môi trường, ít lệ thuộc vào thiên nhiên là hướng đi phù hợp để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm của Việt Nam.
 

Phát triển công nghệ di truyền và sản xuất giống

Bên cạnh việc nghiên cứu cải tiến các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất thức ăn, thì việc ứng dụng công nghệ trong di truyền chọn giống là rất cần thiết nhằm nâng cao tỷ lệ sống và độ tăng trưởng cho các loại thủy sản nuôi.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho biết, ở Việt Nam, từ thập niên 90 các nghiên cứu về sinh sản nhân tạo cá chẽm đã bắt đầu nghiên cứu, đến nay công nghệ sản xuất giống cá chẽm đã đạt những kết quả nhất định. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đang lưu giữ đàn cá bố mẹ là sản phẩm của đề tài di truyền chọn giống cá chẽm.

10-43-46_sn_xut_giong_c_chem_bo_mejpg
Sản xuất giống cá chẽm bố mẹ

Đàn cá này có tốc độ tăng trưởng nhanh so với đàn cá bố mẹ trước đây từ 10 - 15%, đã và đang được sử dụng cho việc sản xuất giống với công suất trại giống 2 - 3 triệu cá giống 3 - 5 cm/năm.

Bên cạnh sản xuất thành công giống cá chẽm, mới đây, Viện III đã hợp tác nghiên cứu với Philippines và Úc phát triển công nghệ sinh sản nhân tạo cá song vua (cá mú nghệ), với mục tiêu xây dựng quy trình sản xuất giống ổn định và đạt hiệu quả cao để góp phần phát triển bền vững nghề nuôi cá song vua tại Việt Nam.

Ông Ninh cho rằng, một trong những khó khăn trong việc phát triển nghề nuôi cá mú nghệ chủ yếu do số lượng con giống sản xuất ra trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi nên vẫn còn phụ thuộc vào nguồn giống nhập ngoại. Hiện nay, trong khu vực chỉ có Đài Loan có thể sản xuất giống đối tượng này với số lượng lớn và xuất giống đi các nước.

Đề tài phát triển công nghệ sinh sản nhân tạo cá song vua đã nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ. Cá bố mẹ đưa vào thuần dưỡng và nuôi vỗ có trọng lượng từ 20 - 35kg, tuổi cá từ 3 - 4 năm, được tuyển chọn từ đánh bắt ngoài tự nhiên. Thức ăn cho cá bố mẹ là các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao như cá tươi, mực, cua, ghẹ…

Ngoài nghiên cứu thành công về cá giống bố mẹ, gần đây Viện III đã tiến hành nghiên cứu sản xuất giống các đối tượng nhuyễn thể như trai ngọc nữ, trai tai tượng…

10-43-46_chuyen_gi_thuc_hien_ky_thut_cy_ngoc_vo_tri_ngoc_nujpg
Chuyên gia thực hiện kỹ thuật cấy ngọc vào trai ngọc nữ

Từ tháng 7/2017, trong khuôn khổ hợp tác với Úc, dự án phát triển nuôi trai cấy ngọc bán cầu tại bắt đầu thực hiện tại Viện III đã được các chuyên gia từ Úc và cán bộ Viện III tiến hành cho trai sinh sản. Kết quả thu được 5 triệu ấu trùng chữ D, và thu được 400 ngàn con giống điệp quạt với kích cỡ 1 - 3mm, hiện con giống đang được ương nuôi tại Viện III.

Ngoài ra, dự án cũng thử nghiệm cấy ngọc và thu được 71 viên ngọc bán cầu. Dự kiến trong năm 2018, dự án sẽ thực hiện việc ương giống, cấy ngọc quy mô lớn và chuyển giao công nghệ đến người dân và doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho biết, với những chức năng và nhiệm vụ chính như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, hợp tác quốc tế, tư vấn dịch vụ về bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, khai thác thủy sản, chế biến thủy sản… trong giai đoạn 2013 - 2016, Viện Nghiên cứu NTTS III đã chủ trì thực hiện 53 nhiệm vụ KHCN các cấp (11 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 18 cấp Bộ, 18 cấp Tỉnh và 6 nhiệm vụ nhánh) và 9 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Trong đó, tập trung vào các vấn đề chính như chọn giống, sản xuất giống, thức ăn trong nuôi trồng thủy sản…

 

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Lượng tiêu thụ tăng vọt, người trồng rau hối hả vào vụ Tết

HÀ TĨNH Giá rau vụ Tết tuy không nhỉnh hơn nhiều so với bình thường nhưng lượng tiêu thụ thường cao gấp 4 - 5 lần.