| Hotline: 0983.970.780

Không quá lo ngại sản lượng lúa thiếu hụt

Thứ Ba 12/04/2016 , 13:15 (GMT+7)

TS Lê Hưng Quốc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, ảnh hưởng của hạn, mặn tới sản lượng lúa ĐBSCL trong năm nay là không quá lo ngại, và hoàn toàn có thể bù đắp được bằng một số giải pháp.

Đối với các tỉnh ĐBSCL, vấn đề hạn mặn không chỉ năm nay mới có mà gần như năm nào cũng xảy ra, chỉ có điều năm nay tình hình hạn mặn khốc liệt hơn mà thôi.

Theo dự báo, do hạn mặn nên diện tích lúa hè thu ĐBSCL có khả năng sẽ giảm khoảng 400 - 500 nghìn ha so với mọi năm. Con số 400 - 500 nghìn ha lúa bị giảm, nếu là ở miền Bắc hay miền Trung sẽ là vấn đề lớn. Tuy nhiên đối với ĐBSCL thì con số này không quá lo ngại, hoàn toàn có thể bù đắp được bằng mấy giải pháp.

Đối với lịch xuống giống vụ hè thu, chủ trương hiện nay là lùi lại so với các năm, thậm chí lùi tới tháng 6, hoặc có quan điểm chỉ xuống giống khi có mưa. Tuy nhiên, không nên lùi lịch thời vụ vì mấy lí do:

Một là, đặc điểm của ĐBSCL nước vào và ra liên tục do không phải nơi nào cũng có cống giữ được nước. Vì vậy tập quán lâu nay của bà con ĐBSCL là nước về tới đâu, gieo sạ vụ hè thu tới đó. Dù có khuyến cáo lùi lịch đi nữa, cũng khó mà ngăn được việc nông dân xuống giống khi có nước về.

Thứ hai, lúa hè thu ĐBSCL chất lượng tốt nhất phải là gieo vào tháng 4, đầu tháng 5 hàng năm. Nếu gieo quá muộn vào tháng 6, thời điểm thu hoạch lúa hè thu sẽ rơi vào tháng 8, đúng vào mùa chính lũ ĐBSCL nên sẽ rất phức tạp cho việc thu hoạch.

Đặc biệt năm nay, theo dự báo nhiều khả năng kết thúc El Nino sẽ là La Nina, mưa lớn có khả năng xảy ra vào giai đoạn nửa cuối năm. Về mặt nào đó, dự báo khí tượng hiện nay hạn ngắn thì chính xác rồi, nhưng hạn dài đã không còn chính xác trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Vì vậy chúng ta cũng khó mà có thể lường được diễn biến thời tiết sẽ thế nào trong những tháng tới, có thể hạn sẽ tiếp tục gay gắt, cũng có thể kết thúc sớm, mưa sẽ tới sớm? Ngay như vụ ĐX ở miền Bắc, đầu năm chúng ta dự báo nắng nóng gay gắt sẽ đến rất sớm, nhưng thực tế đến nay đã giữa tháng 4, trời vẫn âm u, mưa phùn.

Tóm lại, hiện nguồn nước ngọt đã về ĐBSCL nên đối với các vùng chắc chắn không có mặn, cần gieo sạ vụ hè thu đúng lịch. Đối với khu vực vành đai giáp ranh giữa vùng ngọt và vùng mặn, cần trang bị máy đo mặn cho người dân cũng như cập nhật dự báo từng ngày để quyết định thời điểm nào có thể xuống giống, không nên lùi lịch thời vụ quá sâu.

Đối với giải pháp kỹ thuật, ĐBSCL hiện cơ bản có 2 vụ. Vụ ĐX có 1,5 triệu ha, năng suất trung bình 6,8 tấn/ha, sản lượng khoảng 10 triệu tấn; vụ hè thu với khoảng 1,6 triệu ha, năng suất chỉ có 5,5 tấn/ha, sản lượng 9 triệu tấn.

"Tôi cho rằng, nhiều khả năng vụ xuân 2016 ở phía Bắc sẽ cơ bản được mùa để bù đắp cho khó khăn ở các tỉnh phía Nam. Vấn đề đáng chú ý nhất hiện nay đó là tình trạng mưa phùn, thời tiết âm u kéo dài từ đầu tháng 3 đến nay. Tuy nhiên, thường thì mọi năm vẫn có khoảng 1 tháng mưa phùn tương tự như năm nay nên cần phải rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo phòng chống sâu bệnh, nhất là các bệnh dễ phát sinh trong điều kiện thời tiết ẩm như đạo ôn". -TS Lê Hưng Quốc.

Lúa hè thu nòng cốt vẫn là tập trung ở vùng chắc chắn ngọt ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên với khoảng 1 triệu ha (trong tổng số 1,8 triệu ha lúa của ĐBSCL). Đây cũng là vùng tập trung đa số các giống lúa ngắn ngày (từ 100 - 105 ngày), lúa hạt dài trên 7mm, là khu vực cung cấp nguồn gạo XK chất lượng cao (trên 600 USD/tấn).

Vì vậy có thể nói khu vực này mới là quyết định tới ngành lúa gạo ĐBSCL. Tuy nhiên, năng suất lúa hè thu khu vực này hiện tại mới chỉ khoảng 5,5 tấn/ha. Trong điều kiện vụ ĐX đã bị thiệt hại, vụ hè thu có nguy cơ giảm diện tích, cần phải tập trung tối đa thâm canh cho lúa hè thu ở khu vực này, cố gắng nâng được năng suất trung bình lên trên 6 tấn/ha thì có thể yên tâm.

Bên cạnh đó, diện tích lúa thu đông (vụ 3) của ĐBSCL có thể lên tới 800 nghìn ha, năng suất 5,4 tấn/ha. Nếu vụ thu đông tới, chỉ cần đạt 500 nghìn ha lúa, chúng ta sẽ có trên 300 nghìn tấn thóc, đủ bù đắp cho số thiếu hụt của vụ hè thu do diện tích giảm.

Việc mở rộng diện tích lúa vụ 3 của ĐBSCL không phải khó. Hiện nay, giá lúa đang lên cao hơn so với năm ngoái 1.000 đ/kg. Đây là điều kiện rất tốt để nông dân mở rộng diện tích lúa vụ 3.

Đối với các vùng ven biển có xâm nhập mặn nặng hoặc vùng giáp ranh mặn - ngọt, gồm cả vùng bán đảo Cà Mau hiện tập trung khoảng 800 nghìn ha lúa, cần phải tiếp tục thay đổi cơ cấu SX. Có thể nói ảnh hưởng của hạn, mặn năm nay cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi cơ cấu SX cho linh hoạt, phá thế độc canh cây lúa.

Ở vùng này, cần căn cứ vào tình hình cụ thể cho các khu vực để có giải pháp thích hợp. Chẳng hạn nơi nào nên chuyển sang chuyên thủy sản nước lợ, nơi nào chuyên thủy sản nước mặn, nơi nào xen canh tôm - lúa, nơi nào một vụ tôm, một vụ lúa…

Một số vùng giáp ranh mặn - ngọt, theo tôi là nên chuyển đổi sang mô hình một vụ tôm, một vụ lúa. Một số địa phương vùng bán đảo Cà Mau cũng đã rất thành công với mô hình này, thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/vụ, chứ không nhất thiết phải trồng lúa 2 vụ nữa.

Thậm chí đối với các khu vực trước đây chúng ta đã ngọt hóa để trồng lúa như vùng Gò Công, Xáng Xà No, Mang Thít…, tới đây cũng cần phải thay đổi tư duy để chuyển đổi linh hoạt sang thủy sản, hoặc kết hợp thủy sản với lúa. Xu hướng phải là từng bước sống chung với mặn. Nơi nào trồng lúa thì phải tập trung thâm canh, nâng cao giá trị, nơi nào không có điều kiện thuận lợi nhất cho trồng lúa thì nên thay đổi, không nhất thiết phải trồng lúa nữa.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất