| Hotline: 0983.970.780

"Kỳ nhân sách" xứ Đông

Thứ Tư 04/01/2012 , 10:15 (GMT+7)

Mức độ phát triển đáng kinh ngạc đã khiến làng Hạ (xã Tráng Liệt, huyện Bình Giang, Hải Dương), một ngôi làng nằm sát thị trấn Kẻ Sặt "hay da đổi thịt" từng ngày.

Một trong những cuốn sách quý ông Thiện đang sở hữu

Mức độ phát triển đáng kinh ngạc đã khiến làng Hạ (xã Tráng Liệt, huyện Bình Giang, Hải Dương), một ngôi làng nằm sát thị trấn Kẻ Sặt "hay da đổi thịt" từng ngày. Hàng loạt nhà nhiều tầng, kiến trúc tân kỳ ken sít nhau, bám sát hai bên trục chính của làng, đã biến làng thành một khu phố thực sự…

Chỉ duy nhất có một ngôi nhà cấp 4 rộng chừng hơn 20 m2, cũng bám mặt đường làng, là vẫn không thay đổi gì kể từ ngày nó được dựng lên (1980). Chủ nhân của nó, ông Phạm Chí Thiện, cũng chẳng quan tâm gì tới những chuyện làm ăn, buôn bán đang diễn ra như cơn lốc xoáy quanh mình. Ông bà sống tằn tiện bằng 4 sào ruộng được chia và một phản hàng nhỏ ở chợ Sặt do bà làm chủ.

Nhưng ngay cả những hàng xóm sát bên cũng không hề biết rằng ông là người rất giầu có, chỉ có điều là sự giầu có của ông theo một nghĩa khác (dưới mắt người đời, giầu nghĩa là phải có nhà lầu xe hơi, phải có tỷ này tỷ nọ): Ông đang sở hữu tới trên 2 vạn đầu sách, mà nếu kho sách này được khai thác một cách tích cực, thì hiệu quả của nó vô cùng lớn, không tiền bạc nào có thể đo đếm được.

Ông Thiện kể, ngay từ nhỏ, ông đã rất mê sách. Những năm 1959 - 1960, mới võ vẽ biết đọc, biết viết (ông sinh năm 1952), cầm những cuốn sách trên tay, ông đã ngắm chúng một cách say mê, dù chưa đủ sức hiểu những điều trong sách. Và hễ có dịp là cậu bé Phạm Chí Thiện "tót" ra hiệu sách nhân dân huyện, đứng hàng buổi để ngắm nhìn những cuốn sách bày trên giá. Niềm say mê sách lớn dần theo năm tháng, khi Thiện đọc được, hiểu được những điều chứa đựng trong những cuốn sách. 22 tuổi, Phạm Chí Thiện thi đỗ vào Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp (Hà Nội). Những năm học ấy, ông đã "xới tung" hàng chục thư viện, hàng trăm hiệu sách cả công lẫn tư ở Thủ đô để “săn lùng” những cuốn sách quý và tìm cách sở hữu chúng. Có lần, để có được một cuốn sách mà mình mê, ông đã không ngần ngại... cởi luôn chiếc áo bay đang mặc hay tháo luôn chiếc đồng hồ “pônzot” ở tay ra để đổi (những năm ấy, áo bay và đồng hồ Liên Xô là những thứ rất quý). Ra trường, về làm giáo viên dạy văn ở trường PTTH huyện Bình Giang, ông vẫn tận dụng mọi cơ hội để thỏa mãn niềm đam mê sách của mình, dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn. Năm 1984, vào Huế, nghe tin nhà sưu tầm cổ vật Trần Minh Vỹ có một cuốn sách quý, ông tìm đến xin được xem.

"Cuốn sách được viết bằng một thữ chữ mà tôi đoán là chữ Do Thái cổ. Nhiều nhà khoa học đã đến đây, đã xem cuốn sách đó nhưng cũng chưa ai đọc được. Ông Trần Minh Vỹ là nhà sưu tầm cổ vật nên ông ấy không quan tâm nhiều đến sách. Nhưng để có được cuốn sách này, tôi đã phải đổi cho ông một số vật dụng khác trị giá 7 chỉ vàng", ông Thiện nhớ lại.

Trong số những nhà khoa học đến đây có để danh thiếp lại, tôi thấy có Phó giám đốc Thư viện quốc gia, thạc sỹ Đặng Văn ức; PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam; GS.TS Đỗ Quang Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia; NGƯT - dịch giả Vũ Thế Khôi, Ủy viên Hội đồng Khoa hoạc Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây…

Năm 1990, để thỏa mãn niềm đam mê sách, ông Thiện xin nghỉ theo chế độ 176. Và từ đó, chắt chiu từng đồng, hễ có chút tiền dắt lưng là ông lại lên đường, tìm đến các nhà sưu tầm sách trên mọi miền đất nước, các bạn bè thời học đại học để giao lưu. Vào nhà ông, thấy tầng tầng lớp lớp toàn sách. Nhà không chứa hết, ông phải đóng tới 40 cái tủ để chưa sách rồi mang gửi ở những nhà thân quen. Sách được ông phân loại rất khoa học: Từ điển, Bách khoa thư, Sách hình, Sách Hán - Nôm, Sách địa danh - địa chí, Sách tôn giáo, Sách về các danh nhân… để cần là có thể lấy ra được ngay, hay khi nói đến tên cuốn sách nào là biết ngay nó ở tủ số mấy, đang gửi nhà ai…

Số phận kho sách của ông Thiện từng qua nhiều bước thăng trầm. Năm 1988, một trận ốm nặng suýt nữa thì khiến ông ngã quỵ. Rồi năm 2004, người con gái của ông bị tai nạn, mất rất nhiều tiền chữa chạy, rồi ngay cả những lúc nuôi con ăn học tốn kém nhất cũng vậy (trong số 3 người con của ông, một trai một gái đã tốt nghiệp đại học, cô thứ ba vừa mới thi đỗ vào trường Đại học Công đoàn).

Những lúc đó, có nhiều người sẵn sàng chìa tiền ra để được sở hữu những cuốn sách quý của ông nhưng ông cương quyết lắc đầu, khó khăn đến đâu cũng tìm cách khác khắc phục chứ nhất định không bán sách. Ngay cả gần đây, một “đại gia” ngỏ ý mua trọn số sách của ông với giá 3,5 tỷ nhưng ông cũng từ chối.

Trong số sách của ông, có nhiều cuốn hay bộ vô cùng quý hiếm, như bộ “Vĩnh Lạc Đại Điển” 70 tập, đây là bộ Bách khoa thư được biên soạn từ đời nhà Minh (Trung Quốc); bộ “Chiến tranh thế giới thứ II”, hơn 30 tập, do NXB quốc gia Mỹ ấn hành; Bộ “Bách khoa thư Nga Xô Viết”, 102 tập, đây là công sức của hơn 50 nhà khoa học hàng đầu của Liên Xô cũ, kéo dài suốt 35 năm; Bộ “Từ điển bách khoa thư sinh học” của Pháp, xuất bản từ năm 1864; “Bách khoa thư” của Pháp, xuất bản năm 1900... Đặc biệt nhất là bộ “Từ điển từ nguyên” của Trung Quốc, xuất bản năm 1742, bằng một thứ giấy đặc biệt mà theo theo ông thì khi lật giở từng trang, có tiếng kêu như tiếng kim loại:

- Đưa vào máy photo là dòng điện trong máy tự ngắt ngay.

- Nghe nói ông có đủ 60 số của Tạp chí Nam Phong và một bản Kiều rất quý, phải không?

- Tôi không quan tâm nhiều đến báo chí, nên ít để tâm sưu tầm. Nhưng 60 số của Tạp chí Nam Phong thì có. Còn bản Truyện Kiều, thì một số nhà nghiên cứu cho rằng nó có giá trị chỉ thua bản Kiều được khắc in năm Tự Đức thứ 19 (1866) thôi.

Ông Thiện tâm sự, hiện nay, ông đang rất quan tâm đến những cuốn sách về Khoa học quân sự, khoa học xã hội và tôn giáo do người Mỹ chuyển vào miền Nam Việt Nam từ năm 1954. Đó đều là những sách do các NXB danh tiếng của Mỹ ấn hành. Hiện ông đã có gần 1.000 cuốn, rất nhiều cuốn có đóng dấu “tuyệt mật” hoặc kèm theo ấn chỉ “bản sách đặc biệt” của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, và ông vẫn tiếp tục sưu tầm thêm, e rằng cùng với thời gian, những cuốn sách loại này sẽ bị mai một trong dân gian.

Đã có hàng ngàn độc giả, nhiều nhất là giới nghiên cứu và sinh viên các trường đại học, tới nhà ông để xin ông cho phép khai thác kho tư liệu vô cùng quý giá này, và ông chưa từng từ chối một ai. Bởi vì: "Một mình tôi không thể nào khai thác hết được giá trị của những cuốn sách đó. Vì vậy, cần có sự góp sức của rất nhiều người. Có như vậy, chúng mới thực sự mang lại lợi ích cho xã hội".

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm