| Hotline: 0983.970.780

La Victorine! Thiên đường nhỏ xứ Dijon (Tiếp)

Thứ Ba 14/01/2014 , 10:43 (GMT+7)

Tôi bỗng nhận ra đã may mắn như thế nào khi bước qua ngưỡng cửa La Victorine. Bởi tôi biết chắc người yêu cỏ hoa như Lydia và Christian chỉ có thể làm người tử tế.

4. Và ánh sáng rực lên khi Lydia - bà chủ La Victorine bước ra từ khu vườn cổ kính của những năm 1925.

>> La Victorine! Thiên đường nhỏ xứ Dijon

Áo hoa chui bó, xẻ ngực, in hoa, quần bó ống, mái tóc màu lúa mì chín quá nắng sáng trắng, để phom kiểu nam trông trẻ và mạnh mẽ, đôi mắt xanh sáng như biển Adriatic hắt bóng những cánh rừng nguyên sinh xứ  Slovenia xa xôi mà bà thừa hưởng từ người cha, trốn chạy chế độ độc tài Tito lang bạt đến Pháp… Nụ cười biểu cảm, chia sẻ cho người đối thoại sự ấm áp và cả sự đau khổ ẩn tàng… hẳn là từ người mẹ, một thiếu nữ I-ta-li-a.

Người chồng - ánh mắt điễm tĩnh qua cặp kính, tóc hoa râm cắt sát, thoải mái trong áo pull đen quần sooc lửng, dép đế mềm xuất hiện phía sau Lydia như một điểm tựa, một bức tường che. Với cái tuổi 62 thì ông quá trẻ so với cả người Á cùng độ. Kiểm tra an toàn cho các đoàn tàu TGV của Cty Alstom, ấy là công việc cách đây hai năm trước - thuộc tổ chức công đoàn. Hiện giờ ông là thành viên hiệp hội Ẩm thực của vùng. Chuyên gia nếm thức ăn. Trong sân chiếc xe máy BMW  và chiếc Land Rover Diesel màu rêu dãi dầu… tư thế sẵn sàng lăn bánh theo ông chủ, đủ biết công việc sau khi về hưu của ông cũng phải thường xuyên vắng nhà…

Họ là một cặp đẹp từ trẻ và bây giờ và mãi về sau vẫn là một cặp đẹp.

Họ quấn quýt bên nhau, cùng nhau nương bước khách giới thiệu khu vườn. Với họ khu vườn là một thực thể sống.  Tôi cảm nhận tình yêu thiên nhiên từ cách họ chìa tay về mỗi bông hoa, mỗi mầm cây là một đứa trẻ hoặc một ông già lẩm cẩm khó tính hoặc khóm hoa yểu điệu kiêu kỳ bắc bậc làm cao, với nụ cười luôn sáng. Mỗi bước đi là một bước tôi đánh thức trí nhớ của họ rằng họ đã vất vả chăm lo tạo dựng khu vườn như thế nào.


Khung cảnh ở Dijon

Tôi bỗng nhận ra đã may mắn như thế nào khi bước qua ngưỡng cửa La Victorine. Bởi tôi biết chắc người yêu cỏ hoa như Lydia và Christian chỉ có thể làm người tử tế. Tôi tin ông bà sẽ là người tôi có thể tìm đến trao gửi nỗi niềm, rủi lỡ khi gặp khó ở đất nước này. Người ta bảo rằng, có thể thấu tỏ về một người khi nghe người ấy nói về những bông hoa.

Giờ thì tôi ít nhiều đã thấm điều chân xác ấy cho riêng.

Ngọn giả sơn um tùm dây trường xuân chồi lên bên lối sỏi làm điểm nhấn trung tâm của khu vườn. Ba chiếc chuông nhỏ treo lưng chừng ẩn trong sắc lá đang sắp ngân lên những chùm âm ánh sáng. Vòi nước ro re lưng vách núi, đổ xuống hồ nước rong rêu ẩn hiện bóng cá chép Nhật, đớp bóng dưới rễ bèo cái và lục bình lẩn vẩn vòng sóng đâu đó ở trước cửa thư phòng các cụ đồ Việt.

Lydia khẽ búng vào chiếc chuông bật mí: Đây là một trong những chiếc chuông tình cờ cha tôi có được của Gustave Eiffel nhưng chúng tôi phải giấu nhẹm không thì chính quyền Dijon sẽ ngay lập tức thu giữ đưa vào bảo tàng… Nụ cười viên mãn thắm môi thiếu phụ. Bà chỉ tay sang vượt qua khu vườn:

- Ngôi nhà thiếu thời Gustave Eiffel đã sống cũng không xa đây lắm. Ông có thể dạo bộ đến đó ngay trước buổi chiều nay…

Khu vườn, một điểm hẹn phong cách văn hóa vườn của nhiều nước khác nhau từ xén tỉa đến hoang dã tự nhiên, những loài hoa và các loại cây vừa là cảnh sắc vừa làm chất phụ gia, hương liệu cho thực phẩm nhưng được trồng và chăm bẵm, nâng niu. Nào cerise, mận, phúc bồn tử, dâu...

Riêng trái cassis, tựa như trái mồng tơi chín nhưng có hương vị đặc biệt, đã hiến cho văn hóa ẩm thức của Dijon một loại chất vừa làm rượu vừa làm phụ gia pha rượu, pha nước hoa… Những thức rượu, nước hoa được kết hợp với các phân tử cassis sẽ thăng hoa bội phần tốt đẹp sẵn có của sản phẩm mà còn thêm biệt hương lưu luyến của cassis.Tinh chất cassis góp phần làm mọi đồ uống của Bourgogne có linh hồn. Người ta đã dựng cả một bảo tàng Cassissium bên những lò chưng cất cassis, gọi mời du khách.

Vị chuyên gia nếm thức ăn, ngắt chùm quả cassis trong vườn nheo mắt cười, đẩy cặp kính:

- Trên đường đến Cassissium, ông có thể dừng xe vào bất cứ trang trại nào thưởng thức thú nếm rượu. Miễn là thấy trên chiếc thùng tono gỗ sồi có treo một chiếc chai rỗng…nhé!

Và đôi cây cọ lênh khênh giữa vườn hẳn là của độc không chỉ riêng La Victorine mà của cả Dijon. Lydia kiêu hãnh kể câu chuyện về cọ, nỗi nhọc giữ ấm cho cọ mùa đông, về hàng trúc quân tử mọc dưới chân tường đá, những khóm hoa từ lúc nở đến lúc tàn… Rằng tất cả từ bông hoa li ti không tên dưới chân chiếc ghế bong sơn cũng chẳng phải vô tình mọc. Hạt hoa dại đã được gieo từ tháng cuối đông.

Tôi cũng có câu chuyện những khu vườn của mình để nói với bà nhưng chưa có cơ hội. Một ngôi vườn thường xanh thuở thiếu thời vì những lý do dâu bể đã không còn. Và bà tưởng đã  mất cả đất nước Slovenia mà rồi lịch sử lọc sàng trả về nguyên vẹn phẩm giá cho núi sông của người cha phiêu bạt. 

Bất ngờ, bà thổ lộ rằng mình là cựu viên chức phục vụ ngành giáo dục. Một công việc bảo đảm hậu cần cho các trường học. Nhưng tiếc thay bà phải xin hưu sớm, vì cần thời gian ở nhà chăm sóc đứa con nuôi 17 tuổi gốc Hàn gặp vấn đề về sức khỏe và phần nào cũng để thực ước mơ riêng với khu vườn.

Người ta không một lúc bơi trên hai chiếc thuyền, phải không ông? Dù sao thì việc rời bỏ một công việc đã từng làm nên ý nghĩa của cuộc đời mình, làm sao mà không cảm thấy mất mát. Ngày vinh dự nhận tấm bằng khen của chính phủ Pháp về những cống hiến cho ngành giáo dục, Lydia đã đề nghị mời một phụ nữ lao công lên trao tấm bằng khen đó cho mình và từ chối nhận từ tay quan chức tên tuổi…

Trong chuỗi hồi nhớ chộn rộn, Lydia đã khóc khi nhớ về người chú bị tra tấn chết gục trong bồn tắm. Những giọt nước mắt đã lăn rơi trên tay, trên tấm bằng khen…Một khoảng lặng trầm luân của buồi chiều Dijon cả gió.  Khi nụ cười trở lại thì ông bà bỗng nhớ ra là phải mời chúng tôi một chút gì đó. Hào phóng, ông mở nắp hầm rượu. Một chốn riêng tư của nhạc và rượu. Cả một dàn nhạc với đầy đủ bộ gõ, ghi ta, ampli, loa nén, loa thùng bản phổ mở nửa chừng trên giá nhạc…Và cả những chiếc đĩa CD vừa mới ghi những tác phẩm chủ nhân trình tấu. Đẩy tiếp cánh cửa thì là thế giới của những chai rượu đặc sắc đã sưu tập trong nhiều năm.

Thịt xông khói, giăm-bông cắt vuông bày  trên chiếc thớt gỗ sồi đã ba chục năm tuổi và một chai vang cũng xấp xỉ từng ấy năm. Chiếc thớt, con dao cũng là đồ vật của người cha truyền lại. Dĩ nhiên là không thể thiếu vị rượu cassis pha vang trắng được gọi là kir tươi như sắc hồng ngọc để cho tôi bối rối không thể chối từ và cũng không thể tiếp tục nâng thêm ly…

5. Dường như ở Dijon tôi đã không ngủ. Đêm Dijon thổn thức giao tình cùng tôi bằng hương thơm, mê dịu, bằng những cơn gió thì thào ngoài khung cửa áp mái, bằng ánh sáng đèn trong khu vườn ánh ướt sương, bằng cả trằn trọc đẫm mồ hôi, bằng cả trời sao kim cương nhấp nháy tò mò, đồng lõa…

Thưa Chị! Xin cảm ơn Em có tên là định mệnh đã chắp cánh cho tôi vượt bầu khí quyển, để đặt bước xuống Dijon tận hưởng cảm giác thiên đường một buổi ngậm ngùi…


Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế tại Dijon

Tấm khăn trải bàn cánh sen đằm dịu, khăn giấy in hoa thủ công chờ âu yếm bàn tay, giỏ hoa tươi phụng phịu bên bữa sáng miên man các loại mứt vườn nhà, trong các cốc thủy tinh xinh xinh. Bình nước cam Tây Ban Nha sánh vàng nức tinh dầu. Bánh mì épice đậm hương hồi chẳng đâu ở Pháp ngon hơn Dijon. Bánh mỳ vuông, vỏ cứng, ruột đen. Mật ong hoa oải hương sền sệt trắng màu sữa chua… Thêm cảm giác đại ngàn Tây Nguyên ở bên khi ly cà phê Việt tôi mang theo bâng khuâng khói ấm làm điểm tựa đối trọng ẩm thực đã chinh phục chủ nhân La Victorine. Và thế là tất cả một Dijon đã biến tôi thành đứa trẻ ngỡ ngàng trong phút chốc sớm mai.

Giờ thì đã xa lắm Dijon!

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm