| Hotline: 0983.970.780

Lao xao tiếng ai đồng nát

Thứ Hai 13/06/2011 , 11:58 (GMT+7)

Vỉa hè trưa nắng chang chang. Hơi nóng bốc lên từ đám bê tông ngùn ngụt như chảo lửa. Mấy người đàn bà đồng nát, đầu gối gốc cây, nón mê tụt quá mặt, mồm há ra, vẹo vọ ngủ.

Vỉa hè trưa nắng chang chang. Hơi nóng bốc lên từ đám bê tông ngùn ngụt như chảo lửa. Mấy người đàn bà, đầu gối gốc cây, nón mê tụt quá mặt, mồm há ra, vẹo vọ ngủ. Ào! Một chậu nước gạo bất thần hất thẳng vào. Choàng tỉnh. Ngơ ngác. Tiếng ai đó lẹt xẹt: “Cút đi chỗ khác mà ngủ. Trước hàng quán người ta mà nằm thế này à? Hở cái là mất dép, mất nhôm nhựa với bọn đồng nát chúng mày”…

>> Thân em đánh dậm nuôi chồng
>> Thân cò vạc nhà quê

"Bàn là, quạt cháy, máy bơm... "

Những người đồng nát nhẫn nhục, vuốt mặt, dựng xe, nhanh chóng rời khỏi cái bóng cây mát rượi. Tiếng chửi vẫn còn nhằng nhẵng bám theo như đỉa đói. Tất cả họ đều có nguồn gốc từ làng Liễu Đê (Tân Liễu, Yên Dũng, Bắc Giang). Chị Đào Thị Phục, Chi hội phụ nữ Liễu Đê, thống kê làng có 260 hộ thì hầu như nhà nào cũng có người đi đồng nát. Lắm nhà còn hai, ba người tham gia, hai ba thế hệ mẹ chồng, mẹ đẻ, bà, cháu cùng góp mặt. Cách đây chừng trên 40 năm, chỉ vài người làng là bà Tre, bà Thắm, bà Gấm khởi nghiệp đồng nát… Bận cuối thập niên 80 (TK XX), năm nào Liễu Đê cũng bị lụt. Hết vỡ đê lại mất mùa, đói kém nên chẳng ai bảo ai cả làng nhao nhao quang gánh lên đường. Lúc đầu họ chỉ đổi kẹo kéo, kẹo nha, dây chun, bao diêm…lấy giẻ rách, mũi cày hỏng, xoong nồi bẹp, giờ mọi thứ đều quy về tiền hết.

Thế hệ đồng nát lão thành như bà Tre, bà Thắm, bà Nhều đều con đàn cháu đống, tuổi ngoại bảy mươi vẫn còn kẽo kẹt quang gánh, vẫn còn thê thiết lời rao: “Ai đồng nát, dép rách, nhôm hỏng bán đê…”. Tiếng cuối cùng bao giờ cũng kéo dài, nhẹ bẫng như luễnh loãng vào thinh không. Đám thanh niên thì rao vần vè rằng: “Bàn là, quạt cháy, máy bơm. Tivi, tủ lạnh, nồi cơm, đầu màn. Côngtơ, catxet, bộ đàm. Hỏng không dùng nữa thành hàng bán đi...”.

Các bà trọ ở thành phố theo “hội nghề nghiệp” hàng tháng liền mới ghé thăm nhà một bận. Trẻ đi xe đạp, già quang gánh, chân trần, mỗi ngày cũng hai ba chục cây số. Mẹ chồng của chị Phục là bà Đặng Thị Tre năm nay 75 tuổi, 6 con, hơn 20 cháu, trên 10 chắt vẫn ngày ngày rong ruổi. Đầu khớp gối sưng tấy, mặt đất bằng bà vẫn dáng đi dập dềnh. Lúc nào trong bị bà cũng có chai dầu gió phòng thân. Bà Đào Thị Nhều dấn thân vào nghề đồng nát từ năm 30 tuổi nay 76 tuổi mới chịu giã từ nghề sau khi bị một tai nạn sụn lưng, nằm bệt bạt ba bốn tháng thâm giường, mốc chiếu.

Răng hạt na đen nháy, đầu chít khăn, hai lỗ tai bà chẳng có khuyên vàng, vòng bạc mà chỉ nhét hai cái vít sắt cho khỏi tịt vẫn cười vui nhẹ nhõm lạ thường. Một nách bà có bảy đứa con. Khắp đất Lạng Sơn rồi những thị trấn thuộc vùng sâu, vùng xa ở Bắc Giang như Chũ, Mẹt, Biển Động chân trần bà đều mòn dấu. Lúc son trẻ bà tiếc từng đồng tiền trọ nên tối ngủ ở hàng phản thịt hay chồng ghế quán, sáng ra mải mốt đi rao. Ế khách bà tranh thủ bòn từng mảnh chai, mảnh lọ, mẩu dây điện, cái túi nylon ở các bãi rác.

Nhiều bận mưa gió, nắng nôi cảm ngã quay lơ không còn biết trời đất, mấy bà cùng hội phải xốc về chỗ nghỉ, xoa dầu, cạo gió…Ngót 40 năm hành nghề, bà bảo chưa hề biết vị bát bún, bát phở thơm ngào, thơm ngạt ở phố thị nó ra sao, ly kem ốc quế mát lạnh chân răng quyến rũ đến mức nào. Ngót 40 năm hành nghề, bàn chân thô nhám của bà chỉ quen đi đất, giờ hễ xỏ dép là phạm chân, đau nhức phải tháo vội. Liễu Đê có cỡ chục lão bà đồng nát như vậy.

Ruộng làng một năm cấy được một vụ, còn lại mọi đồng rau, đồng muối, hộp sữa, cân đường cho con cho cháu đều từ tiền đồng nát mà ra. Một chiếc xe đạp rách loại “tồng tộc” không chắn bùn, chẳng phanh chuông, buộc một bên chiếc sọt sắt thế là đủ bộ đồ nghề. Sáng sáng, bến đò Liễu lại lao xao tiếng gọi. Một dạo đò phí tăng lên 3.000 đ cho hai lượt đi về, bà con nhất loạt chê đắt không đi đường tắt qua sông nữa mà vòng về đường đê đi dù xa hơn dăm bảy cây số về sau đò lại rút xuống 2.500đ mới chịu đi. Tôi lặng nhìn cái thân thể gầy mòn chỉ 38 kg của chị Phí Thị Phán đang tong teo trên chiếc xe đạp liêu xiêu trên đường đê một ngày lội. Những bữa cơm bụi dăm bảy ngàn, ế ẩm có khi chỉ dám dón dén ăn bát bún ba ngàn chấm với nước mắm không. Bụng toàn tống những thực phẩm hạ đẳng nhất. No vẫn tốc táo đạp xe. Chị Phán bị suy nhược cơ thể, dạ dày, tá tràng, đại tràng hành hạ triền miên. Đa số chị em Liễu Đê đều bị mắc các bệnh đường ruột như vậy.

"Cho một... cái, tao trả 3 cân bìa giấy"

Sắt vụn mua 8.000đ/kg, bán 8.500đ, giấy vụn mua 3.500đ/kg, bán 4.000đ, nhựa mua 9.000đ/kg bán 10.000đ. Lờ lãi mỏng như chính tấm thân gầy các chị. Phận đồng nát chỉ làm giàu cho các ông bà chủ. Vậy mà, chị Miến buộc dây vào cái xe đạp rồi tròng vào cổ chân để chợp mắt lúc buổi trưa cũng bị trộm nẫng mất. Chị Hoàn dựa xe vào cửa để vào nhà mua đồ, ngoảnh lại nghiện đã rinh tự lúc nào. 

Làng Nôm (Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên) có bà Phùng Thị Tám đã đi vào lịch sử đồng nát cả nước khi chỉ với đôi quang thúng, đòn gánh trên vai buôn đồng nát mà truyền nghề cho cả làng, làm giàu cho cả họ, được vua triều Nguyễn phong: “Tiết hạnh khả phong”. Bà Tạ Thị Mai buôn đồng nát mà mua được mấy dãy phố ở Hải Phòng, giàu vào hàng đệ nhất, vượt mặt cả nhiều tư sản Hoa kiều. Sau giải phóng, bà Mai đã hiến 36 gian nhà cho Nhà nước.

“Chó cắn áo rách” đã đành, còn lắm kẻ nhẫn tâm lừa cả đồng nát. Những cục đồng vàng ruộm bên trong là bê tông. Những cuộn dây điện to, hai đầu đồng đỏ au áu giữa lõi lèn đầy cát. Những chồng giấy bìa buộc thẳng thớm ở giữa lót gạch men vỡ. Những bao tải đồ nhựa bị nhét khéo vài chai òng õng nước. Mới đây bà Xuân ở làng Tân Độ bị một người lừa chỉ đống sắt vụn của người khác mà nói rằng của mình rồi gạ bán với giá 1,5 triệu. Thấy người ta ăn mặc đàng hoàng, đi chợ về còn gửi mình 5 củ su hào làm tin, bà vét sạch tiền trong túi chưa đủ còn phải vay thêm đại lý để mua.

Bà Xuân cứ ôm mớ su hào đó từ trưa đến sẩm tối, khi biết bị lừa thì òa khóc vật, khóc vã. Đồng nát lang thang, va đủ hạng người, chạm đủ tệ nạn. Mới đây Đỗ Thị Thà 23 tuổi lúc mua đồng nát bị lão bằng tuổi bố cười hềnh hệch gạ: “Cho một…cái, tao trả bằng ba cân giấy bìa”, hãi quá phá mà chạy. Giá mỗi cân giấy bìa 2.000đ. Đào Thị Cải 25 tuổi bị lừa lên tầng ba một nhà để gom đồng nát nhưng leo đến nơi bị chủ nhà lôi tuột vào giường. Huỳnh huỵch giằng co. Một phen khiếp đảm mới thoát…

Những người như Thà, như Cải… cả ngày vắt kiệt sức mình, tối về nhà mệt nhoài, cơm nước xong, tám chín giờ là lăn ra ngủ. Không xem ti vi. Không đọc báo. Không nghe đài. Cả làng có mỗi tờ báo tỉnh được phát không cho ông trưởng thôn nhưng cũng chẳng mấy ai đến đọc. Thà thật thà bảo tôi rằng em chỉ biết đến phấn son mỗi dịp dự hát thiếu nhi trên huyện cách đây cả chục năm và đợt lấy chồng. Gái làng Liễu Đê cứ hết cấp hai là lũ lượt bỏ học, đèo sọt ra đi. Hỏi dự định, ước mơ, họ lắc đầu bảo: “Không nghĩ đến, chỉ lo sao kiếm mỗi ngày dăm bảy chục”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm