| Hotline: 0983.970.780

Ông Phạm Văn Hà, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng

Lập ngân hàng đất nông nghiệp, cần 'xé rào' cơ chế!

Thứ Hai 19/03/2018 , 14:05 (GMT+7)

Ngày 5/8/2008, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26- NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đến nay tròn 10 năm triển khai Nghị quyết 26, đã thu được những kết quả to lớn. Tuy nhiên...

Tuy nhiên vẫn chưa hết các vướng mắc. Lãnh đạo các tỉnh, thành; lãnh đạo ngành NN- PTNT các địa phương đã nói gì về Nghị quyết này?

Với “làn sóng” chuyển dịch lao động từ nông thôn ra thành thị, có tình trạng nhiều nông dân bỏ ruộng ở thành phố Cảng. Nhưng, “đừng lo lắng, bởi đó là cơ hội lý tưởng để thiết lập một nền nông nghiệp thông minh và hiệu quả, dựa trên nền tảng là các vùng sản xuất tập trung quy mô hàng hóa; ứng dụng công nghệ cao và hiện đại”, ông Phạm Văn Hà – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, đã chia sẻ với PV NNVN.

08-47-57_dsc_0542
Ông Phạm Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng


Câu hỏi khó đã có lời giải

Nhắc tới Hải Phòng, người ta nghĩ đến một đô thị sầm uất. Thế nhưng, về nông thôn, rất khó để tìm thấy mô hình nông nghiệp tầm cỡ nào. Vậy Hải Phòng làm gì để tạo nên sự đột phá mạnh mẽ cho khu vực nông thôn? Ông có nói đến việc xây dựng “ngân hàng đất nông nghiệp”, đây là việc chưa có tiền lệ. Ông có nghĩ sẽ triển khai thành công?

Tôi biết là làm được điều này rất khó. Nhưng muốn hình thành các vùng sản xuất quy mô hàng hóa thì dứt khoát phải tích tụ đất đai. Một số lượng lớn người lao động phải chuyển dịch sang khu vực phi nông nghiệp. Điều đáng mừng là, giai đoạn vừa qua, nền kinh tế Hải Phòng liên tục phát triển, trở thành một trong những điểm sáng tăng trưởng, nhất là trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, đặc biệt là cảng biển.

Giá nhân công cũng tăng 2 – 3 lần so với trước đây, tạo sức hút mạnh mẽ với người lao động ở nông thôn. Theo quy luật đó, hiện tượng nông dân bỏ ruộng ngày càng phổ biến. Đừng quá hốt hoảng. Đây là cơ hội thiết lập ngân hàng đất nông nghiệp. Nông dân có thể gửi những mảnh ruộng nhỏ lẻ vào trong đó, rồi cho doanh nghiệp thuê lại.

Như thế khác gì đẩy nông dân đi, để đưa doanh nghiệp vào?

Hoàn toàn không phải như vậy. Chúng tôi xác định rõ: Nông nghiệp và nông dân phải là một chỉnh thể không bao giờ tách rời. Một khi đã tích tụ được đất đai, chúng tôi sẽ “gói” các nhóm hộ đơn lẻ lại thành những hợp tác xã nhỏ, hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính như một doanh nghiệp.

Hợp tác xã sẽ là vệ tinh, còn doanh nghiệp lớn sẽ là trung tâm kết nối, đầu tư chuyển giao công nghệ, định hướng thị trường và phát triển kênh phân phối sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Về góc độ thương mại, các mặt hang công nghiệp chỉ cần đóng gói là bán cả năm không hết hạn sử dụng. Nhưng nông sản thì khác, “sớm tươi, chiều héo, tối không khéo đổ đi”, nên việc đầu tư hệ thống bảo quản, vận chuyển và tổ chức các điểm bán hàng, quảng bá sản phẩm rất tốn kém.

Hiện nay, hệ thống phân phối các sản phẩm nông nghiệp khá lạc hậu. Các HTX nhỏ không thể làm được chuyện đó mà phải có bàn tay của các doanh nghiệp lớn. Kéo doanh nghiệp lớn vào không phải để hất cẳng nông dân, mà để tạo suy nghĩ, động lực, nguồn vốn, cách thức tổ chức mới "bềnh" nông dân lên.

Lý thuyết đúng là như vậy. Nhưng nói thực, doanh nghiệp nông nghiệp lớn đếm trên đầu ngón tay. Họ giống như "hoa hậu", là “hàng hiếm” mà địa phương nào cũng săn đón. Hải Phòng có cách gì để thu hút họ?

Với doanh nghiệp nông nghiệp, ngoài đất đai, chúng tôi còn trao cho họ một tài sản phi vật chất nhưng rất vô giá, đó là bản đồ quy hoạch phát triển sản xuất với tầm nhìn dài hạn.

Mục tiêu cụ thể của Hải Phòng đến năm 2030 là quy hoạch 5.870ha (trong tổng số là 51.000ha đất nông nghiệp) thành các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 1 khu cấp quốc gia, 2 khu cấp thành phố và 42 vùng. Kèm với đó là 13 giải pháp cụ thể để thực hiện.

Người xưa thường nói: “Thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Muốn doanh nghiệp bỏ 10 đồng vốn đầu tư vào nông nghiệp, thì ít nhất Hải Phòng cũng phải thả 1 đồng để “câu kéo” bằng cách đầu tư hạ tầng cơ sở vùng sản xuất. Cách làm này rất hiệu quả.

Ví dụ, trước đây TP bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng để làm một tuyến đường mới, Vingroup đã vào đầu tư, hiện tại tập đoàn này đã rót vào đây vài chục ngàn tỷ đồng. Trong đó có cả Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco Hải Phòng (tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ). Đến nay, đã có 18 doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Hải Phòng.

08-47-57_hiphong1
Lập ngân hàng đất nông nghiệp là bài toán khó, cần có cơ chế đặc thù mới làm được.

Với chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới, Hải Phòng tham vọng điều gì?

Nếu triển khai dự án Quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030 đạt tiến độ và hiệu quả thì giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác sẽ cao gấp 12 - 15 lần so với sản xuất truyền thống.

Sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, đáp ứng tiêu dùng, chế biến, xuất khẩu. Thu nhập của người lao động trong khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 8 - 10 lần so với sản xuất đại trà.
 

Hải Phòng có 21 tiêu chí nông thôn mới

Ngoài phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vấn đề xây dựng NTM mang đặc trưng của “Thành phố cảng xanh” là đề tài được khá nhiều người quan tâm. Ông có thể chia sẻ về điều này?

Với chủ trương lấy công nghiệp, dịch vụ bù đắp cho nông nghiệp, nông thôn, mỗi năm TP dành khoảng 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để đầu tư cho xây dựng NTM. Đến nay, đã có 74 trong tổng số 139 xã cán đích NTM.

Song song với các tiêu chí của Trung ương thì Hải Phòng xác định các tiêu chí khác gắn với thành phố du lịch, thành phố cảng xanh. Nên yếu tố cảnh quan môi trường sinh thái và nếp sống văn minh được coi trọng đặc biệt, bởi vậy có thể nói cảnh quan chính là tiêu chí NTM thứ 20 của Hải Phòng.

Chúng tôi đang triển khai mô hình nông thôn kiểu mẫu cấp thôn, cấp xã với 3 nhóm tiêu chí đánh giá: Có nhà văn hóa hoạt động rộn ràng, hiệu quả; có tuyến đường khu dân cư sạch, cảnh quan đẹp và có vùng sản xuất tập trung quy mô.

Bên cạnh đó, Hải Phòng còn có “tiêu chí NTM thứ 21”, đó là không được nợ đọng NTM, qua đó các địa phương có ý thức quản lý chặt chẽ mọi nguồn lực, không chạy đua thành tích. Quan trọng nhất vẫn là huy động nguồn lực xã hội hoá, nhà nước và nhân dân cùng làm, phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân.

Xin cảm ơn ông!

"Cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (ví như Nghị định 210) hiện nay đang rất bất cập, không đủ hấp dẫn doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi rất muốn Trung ương cho phép Hải Phòng được triển khai một số cơ chế đặc thù, thậm chí là “phá lệ” để thí điểm một số mô hình tích tụ ruộng đất; mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và hình thành các chuỗi giá trị từ nông trại đến bàn ăn,… phù hợp với điều kiện một nền nông nghiệp phục vụ đô thị.

Có như vậy nông nghiệp của thành phố cảng mới tăng tốc mạnh mẽ được". - Ông Phạm Văn Hà.

 

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.