| Hotline: 0983.970.780

Lên núi... mò ốc

Thứ Năm 09/08/2012 , 10:59 (GMT+7)

Khi những đám mây đen buông xuống báo hiệu sắp có một cơn mưa cũng là lúc ốc mò ra kiếm ăn. Và, những tay thợ săn cũng bắt đầu đồ nghề để lên núi “săn” ốc.

Khi hoàng hôn buông xuống, ngọn núi Bà Đen (thuộc địa bàn các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu và thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) trở nên thâm u, những đám mây mọng nước như 1 tấm mền trùm xuống đến lưng chừng núi, báo hiệu sắp có một cơn mưa. Đấy là lúc những chú ốc từ các hang đá trên núi bò ra kiếm ăn. Và, những tay thợ săn cũng bắt đầu đồ nghề để lên núi “săn” ốc.

ĐÊM DÀI CHỐN THÂM U

Chúng tôi có mặt ở chân núi lúc gần 6 giờ chiều. Giấu xe vào một lùm cây dưới chân núi, chúng tôi sốt ruột ngồi đợi ông Dũng, một thợ có thâm niên hơn chục năm trong nghề bắt ốc. Trước đó, rất khó khăn chúng tôi thuyết phục được ông cho đi theo để “học nghề”. “Tôi sợ mấy chú là kiểm lâm”, ông bảo thế.

Gần nhá nhem tối, ông Dũng đến điểm hẹn. Sau khi “giảng” một bài dài về kỹ thuật leo núi, săn ốc, cách tránh rắn cắn… ông Dũng phăm phăm bước lên sườn núi. Có vài nhóm khác cũng xuất phát cùng lúc với chúng tôi trong im lặng, những ánh đèn pin loang loáng ra hiệu rồi mất hút trong đêm tối. Gió thổi qua vách núi hun hút, những tán cây âm u lào xào, không khí liêu trai đến rợn người. Dây leo chằng chịt phủ lên những hõm đá như giăng bẫy.

Leo lên chừng vài chục mét, ông Dũng bảo phải tách ra nhiều hướng để “thu hoạch” được nhiều ốc hơn. Do chưa quen đường nên tôi được ưu tiên đi theo con đường mòn có vẽ những mũi tên chỉ hướng lên xuống núi trên những phiến đá hai bên.


Ốc bò lổm ngổm trên vách đá

Mới đi vài phút, tôi thích thú reo lên khi gạt đám lá mục ướt sũng trên một phiến đá, thấy vài chú ốc đang “họp” trong một vũng nước. Đúng như lời ông Dũng nói, vỏ ốc màu nâu, lẫn vào đám lá mục nên phải quan sát thật kỹ mới thấy. Đến một hang đá, tôi rọi đèn pin vào thấy vài chú ốc đang lổm ngổm bò lên miệng hang. Một vài con không bám được, lộp cộp rơi xuống.

 Ở một góc hang, nhiều đôi ốc đang xoắn xuýt “tình tự”. Chừng 30 phút sau, tôi đã bắt được 30 con ốc. Ngồi ngắm những “tù binh” của mình một lúc, tôi quyết định “phóng sinh” chúng. Lúc định quay xuống núi, tôi mới hoảng hốt nhận ra mình đã đi sâu vào rừng, không còn thấy những mũi tên chỉ đường nữa. Tôi lấy điện thoại để gọi cầu cứu, nhưng không có sóng. Dốc núi thẳng đứng, trơn trợt, bốn bề là bóng đêm hun hút. Tôi lồm cồm bò ra một phiến đá lớn, trùm áo mưa ngồi chờ trời sáng. Sương đêm lạnh thấu xương.

Nửa đêm, nghe tiếng nói chuyện lao xao, tôi chợt thở phào, quên cả mệt và lạnh khi thấy ông Dũng và anh bạn đồng nghiệp đang xuống núi. Ông Dũng cười bảo: “Tui đi làm nghề này cả chục năm nay, nhưng thỉnh thoảng vẫn bị lạc đường huống gì chú đi lần đầu. Có đêm, tôi luẩn quẩn đến sáng mới tìm được đường ra. Rút kinh nghiệm, mỗi lần đi săn ốc, tôi đều mang theo đồ ăn, nước uống, đèn pin đủ để cầm cự tới sáng”.


Chỉ việc nhặt lên bỏ vào bị

Rít sâu một hơi thuốc rồi nhả khói mù mịt, ông Dũng nói tiếp: “Thường thì thợ bắt ốc lên gần đỉnh núi, bắt từ trên xuống đến chân núi trời sáng là vừa”. Năm nay ông Dũng đã 50 tuổi, chỉ đủ sức leo lên lưng chừng núi. Nhưng bù lại, ông có kinh nghiệm quan sát, biết chỗ nhiều ốc, nên giỏ vẫn đầy không thua kém đồng nghiệp là bao.

“Vì sao ông gắn bó với nghề này?”, tôi hỏi. “Đây là một trong những nghề vất vả nhất. Nhà đông miệng ăn, cực chẳng đã tui mới làm. Một đêm có thể kiếm được 200-300 ngàn, hơn đi làm hồ nhiều, nhưng lao lực dữ lắm. Giờ người tui cân cả quần áo không tới năm chục ký”, người đàn ông cao lêu đêu, gầy nhom trước mặt chúng tôi thở dài. Mải nói chuyện, chúng tôi xuống đến chân núi lúc nào không hay. Đồng hồ chỉ 3 rưỡi sáng.

ỐC BỊ SĂN LÙNG RÁO RIẾT

Ốc và thằn lằn là hai sản vật nổi tiếng chỉ có ở núi Bà Đen, và từ lâu, chúng đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng lớn với giá không hề rẻ. Ngay cả khi mua “đón lõng”, thương lái cũng phải trả không dưới 150.000 đồng/ký ốc (thằn lằn giá tương tự). Vì thế, hai loài động vật này ngày càng bị săn lùng rào riết. Theo ông Dũng, chỉ riêng ở thị xã Tây Ninh, số người thường xuyên lên núi bắt ốc mà ông biết mặt đã có khoảng 50 người. Còn những người lạ ông gặp trên đường “tác nghiệp” thì nhiều không đếm xuể.

Không chỉ có đấng mày râu mới làm công việc cực nhọc này, qua một thợ bắt ốc, chúng tôi được làm quen với một nữ “thợ săn” 45 tuổi, tên Đ. (ở xã Thạnh Tân, Thị xã Tây Ninh). Từ hơn 10 năm nay, cứ đến mùa mưa, chị lại cùng bốn anh em trong gia đình quảy đồ nghề leo lên dốc đá. Chị Đ kể, vì là phụ nữ, không có sức khỏe như nam giới, nên khoảng 13 giờ chị đã bắt đầu leo núi. Lên gần tới đỉnh núi Phụng (một trong 3 ngọn của quần thể núi Bà Đen) là vừa tối.

Cơm đùm cơm nắm bày ra ăn xong, chị bắt đầu 1 đêm làm việc cật lực. Đến nay, chị cũng tích lũy đủ kinh nghiệm trong nghề như biết quan sát đường nhớt ốc, phân ốc để đoán hướng ốc đi. Ốc thường tụ tập lại những chỗ có thức ăn, nước đọng ẩm thấp hoặc gặp nhau để giao phối.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Sinh học Nhiệt đới TPHCM, ở núi Bà Đen có hai loài ốc là ốc nhọn và ốc bằng. Tên khoa học là Cyclophorus. Trong đó, ốc bằng được xem là loài đặc hữu của núi Bà Đen. Loài ốc nhọn phỏ biến hơn, ghi nhận phân bố ở Trung Quốc, miền Bắc Việt Nam, huyện Định Quán (Đồng Nai)... Tuy nhiên, ở Tây Ninh loài ốc nhọn có số lượng rất lớn. Điều đó chứng tỏ điều kiện tự nhiên của núi Bà Đen rất thuận lợi cho sự phát triển của ốc núi.

“Hôm nào may gặp được một, hai “ổ” là kiếm 200 - 300 con (khoảng 2-3 ký). Nhưng cũng có hôm mò mẫm mãi chỉ được vài chục con”, chị Đ. nói. Ngoài việc đi bắt ốc, chị Đ. còn là đầu mối thu mua của những người bắt ốc khác để bán cho thương lái ở Sài Gòn. Người phụ nữ này cho biết, riêng ở xã Thạnh Tân, chị đã có trên 20 nữ đồng nghiệp.

So với thời gian trước đây, ốc đã ngày càng ít đi, người đi săn bắt đông hơn, nên chị cũng phải đi sớm về muộn hơn. Chị đã nghĩ tới việc giải nghệ, nhưng không biết sẽ làm gì, nên vẫn cứ gắn bó với cái nghề vừa vất vả vừa nguy hiểm này. Hơn nữa, giá đặc sản ốc núi ngày càng tăng do ngày càng hiếm, nên không dễ gì những người lao động chân tay như chị dứt ra ngay được.


Về chợ, ốc núi có giá từ 160 đến 200 ngàn đồng/kg

Chạy xe trên những cung đường bao quanh núi Bà, chúng tôi thấy rất nhiều điểm bán ốc. Nhưng không thấy ốc núi. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng bảo: “Sạp nào cũng có ốc núi, nhưng vì sợ kiểm lâm bắt, tịch thu nên họ không dám chưng ra thôi”. Sau khi được anh bạn dẫn đến sạp quen mua một ký ốc núi với giá 160 ngàn đồng, tôi hỏi chị chủ sạp: “Ốc núi nhiều lắm mà sao không thấy bán vậy chị?”. Chị cười: “Bày ra cho kiểm lâm tịch thu, chết đói sao?”.

Nhưng khi ốc núi về đến chợ, các tiểu thương có thể mua bán thoải mái mà không phải dè chừng kiểm lâm nữa. Giá một ký ốc tại các chợ đã đội lên từ 200 ngàn/ ký.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm