| Hotline: 0983.970.780

Lưu ý nuôi tôm khi hạn, mặn

Thứ Ba 15/03/2016 , 07:12 (GMT+7)

Hạn, mặn đang diễn ra khốc liệt, độ mặn trong môi trường nuôi tôm tăng rất cao. Bà con cần chú ý điều tiết, giảm độ mặn để đảm bảo quá trình phát triển ổn định của tôm nuôi.

Theo Th.S Mã Huy, PGĐ Trung tâm KN-KN Cà Mau, độ mặn lý tưởng để tôm phát triển tốt vào khoảng 15 - 25 phần nghìn, độ mặn tăng cao hơn tôm vẫn có thể tồn tại. Tuy nhiên, khi độ mặn vượt ngưỡng 30 phần nghìn sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của con tôm.

Cụ thể, độ mặn cao sẽ gây biến đổi một số thông số môi trường như PH, độ kiềm. Bên cạnh đó, còn làm tảo trong vuông tôm phát triển nhanh, sinh nhiều khí độc… Đặc biệt, nguồn oxy trong nước sẽ càng tăng mạnh vào ban ngày, nhưng lại giảm tối thiểu vào ban đêm. Khi đó, môi trường sẽ thiếu oxy, dẫn đến tôm thường nổi đầu vào lúc nửa đêm.

Hiện đang vào tâm điểm của mùa hạn hán, nhiệt độ luôn duy trì cao, lượng nước bốc hơi rất nhanh, độ mặn nâng cao từng ngày. Để khắc phục tình trạng trên, nhiều người nuôi tôm tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… đã dùng nguồn nước giếng khoan bơm trực tiếp vào vuông tôm để giảm độ mặn. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành chức năng, điều này rất không nên.

Độ kiềm trong nước giếng khoan luôn ở mức 300 mg/l trở lên. Trong khi, độ kiềm phù hợp cho tôm phát triển chỉ ở ngưỡng 80 - 160 mg/l. Khi độ mặn tăng cao, độ kiềm cũng tăng theo tỷ lệ thuận, bơm thêm nước giếng khoan vào, độ kiềm trong ao sẽ tăng lên nhiều lần. Khi đó, vỏ con tôm sẽ bị cứng, tôm rất khó lột vỏ, chậm lớn. Chưa kể đến hàm lượng các chất kim loại trong loại nước này luôn vượt mức cho phép, làm ảnh hưởng môi trường nuôi.

Đặc biệt, hiện nay mực nước ngầm đang sụt giảm trầm trọng. Nếu người dân dùng nước giếng khoan phục vụ cho nuôi tôm, sẽ gây hạ thấp mạch nước ngầm. Dẫn tới sụt lún mặt đất và tạo điều kiện xâm nhập mặn diễn ra nhanh hơn. Nhiều địa phương đã khuyến cáo người dân sử dụng nguồn nước trên tiết kiệm, hợp lý.

Vậy làm cách nào phù hợp nhất, để duy trì độ mặn ở mức ổn định mà không cần dùng tới mạch nước ngầm?

Th.S Mã Huy cho biết, giải pháp hiệu quả nhất là phải có tỷ lệ ao lắng để chủ động trữ nước mưa, đảm bảo cung cấp nước trong mùa hạn mặn. Bên cạnh đó, người nuôi tôm nên chú ý gia cố bờ bao, hạn chế rò rỉ và luôn duy trì mực nước cao đối với mùa này, từ 0,5 m trở lên (nuôi quảng canh), để làm giảm được biến động của môi trường.

Đối với những hộ đang nuôi ở độ mặn cao, không có ao lắng thì có thể tận dụng diện tích mương, vườn để làm ao lắng, hoạc liên kết các hộ khác dùng chung ao lắng. Nếu không có ao lắng để cung cấp nước thì buộc phải lấy nước từ sông ngòi, kênh rạch vào.

Trong mùa hạn mặn mực nước rút rất thấp, ẩn chứa nhiều rủi ro như nguồn bệnh, khuẩn gây hại… người nuôi phải chú ý các thông báo quan trắc môi trường để lấy được nguồn nước đẹp, ở thời điểm tốt nhất. Sau khi lấy vào ao nuôi thì tiến hành diệt khuẩn lại. Đồng thời kiểm tra các yếu tố môi trường thường xuyên để chủ động xử lý.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.