Nỗi lo tôm chết hàng loạt
Sau trận lũ lớn vào tháng 10/2024, hơn 170 ha tôm của người dân xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) gần như mất trắng. Một vài hồ tôm ở vị trí trên cao, tuy tránh được lũ lớn nhưng tôm chậm lớn, lợi nhuận không đáng là bao.

Cuốn sổ ghi nợ tiền thức ăn tôm của ông Trần Lưu ngày một dày thêm. Ảnh: Võ Dũng.
Nước rút, các hồ tôm trắng trơn, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Sau khi xử lý ao hồ, để vớt vát đồng vốn, nhiều hộ dân thả tôm vụ đông để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Thế nhưng, tôm lại chết hàng loạt, nợ chồng lên nợ. Thực trạng này cũng từng xảy ra tại xã Vĩnh Sơn những vụ nuôi trước đó. Nguyên nhân được cho là nguồn nước hạ nguồn sông Sa Lung, sông Bến Hải dẫn vào nuôi tôm bị ô nhiễm nghiêm trọng.
“Mấy năm nay, nguồn nước ô nhiễm quá. Vụ đông 2024, tôi thả nuôi trên 0,4 ha nhưng tôm chết trắng, chẳng thu được đồng nào. Nay thì nợ con giống, nợ tiền thức ăn đã gần 100 triệu đồng rồi. Gần một nửa người dân trong thôn sống bằng nghề nuôi tôm. Giờ không nuôi tôm thì không biết làm gì để trang trải cuộc sống. Mất cả chì lẫn chài rồi, không biết lấy đâu ra vốn để tái đầu tư”, ông Trần Quang Thành, người nuôi tôm tại thôn Phan Hiền rầu rĩ.
Xã Vĩnh Sơn hiện có trên dưới 20 đại lý cung ứng thức ăn cho tôm. Nhưng từ vài năm nay, các đại lý đều hoạt động èo uột. Tôm đến ngày cần tiêu thụ lượng thức ăn lớn thì lại chết hàng loạt nên thức ăn cho tôm không bán được. Người nuôi tôm thất bát triền miên nên không có tiền trả nợ. Các đại lý cung ứng thức ăn vì thế cũng tiến thoái lưỡng nan.
Cuốn sổ ghi nợ của ông Trần Lưu, chủ một đại lý thức ăn tôm tại thôn Phan Hiền ngày một dày thêm. Số tiền nợ cũng tăng lên theo năm tháng. Những tưởng, năm 2013, 2014 là thời kỳ đỉnh điểm của nợ tiền thức ăn tôm. Nhưng tính đến đầu năm nay, món nợ đã lập đỉnh mới. Còn trên 2 tỷ đồng tiền cung ứng thức ăn trong dân nhưng không biết đến bao giờ mới có thể thu được.
"Ngày trước, mỗi năm bán 700-800 tấn thức ăn thì nay chỉ còn khoảng 50-70 tấn. Vụ đông vừa rồi gần như nhà nào cũng thất bát. Ngày trước, mất 1 vụ còn thắng lại vài vụ, vớt vát được nên người nuôi tôm có tiền trả nợ. Nhưng giờ họ mất triền miên, khó mà gượng dậy”, ông Lưu chua xót.
Ông Lưu nhớ lại thời hoàng kim của nghề nuôi tôm tại xã Vĩnh Sơn. Đó là vào những năm 2003-2012. Giai đoạn đó, gần như nhà nào nuôi cũng thắng bởi môi trường nước còn trong lành, dịch bệnh ít xảy ra. Nhưng giờ thì hoàn toàn khác.

Nhiều thời điểm, nước ở hạ nguồn sông Sa Lung không đủ điều kiện dẫn vào hồ nuôi. Ảnh: Võ Dũng.
Ông Lưu dẫn chúng tôi ra hạ nguồn sông Sa Lung, nơi người nuôi tôm thôn Phan Hiền lấy nước vào hồ nuôi. Theo ông Lưu, trước đây, vào tháng 3, 4, những chiếc thuyền chạy dọc sông khiến lũ cá mòi nhảy lên trắng mặt nước; cá rô phi và các loài cá khác bơi vào các mương dẫn nước nhiều vô kể. Nhưng vài năm lại đây, vào nhiều thời điểm, nước ở hạ nguồn sông Sa Lung không đảm bảo để thả tôm giống.
“Nhìn màu nước trong xanh thế thôi nhưng khi chúng tôi sử dụng các dụng cụ test nhanh thì hầu hết các thời điểm đều không đạt yêu cầu để thả tôm. Một số hộ đã ương dèo tôm giống, xử lý hồ nuôi nhưng không dám dẫn nước vào. Với tình trạng này thì người nuôi tôm còn thất bát dài dài”, ông Lưu than thở.
Cái khó bó cái khôn
Mấy ngày nay, ngôi nhà của ông Trần Lưu tại thôn Phan Hiều lúc nào cũng có người đến trao đổi kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng. Ông Lưu là chủ đại lý lớn và cũng là một trong những người nuôi tôm có kinh nghiệm nhất xã Vĩnh Sơn. Trong khi cả làng, cả xã nuôi tôm đều thất bát thì gia đình ông vẫn đảm bảo ít nhất hòa vốn.
Theo ông Lưu, trong bối cảnh môi trường nước ô nhiễm như hiện nay, dù muộn nhưng bản thân người nuôi tôm phải chấp nhận thay đổi nếu muốn đem lại lợi ích lâu dài.
“Gia đình tôi có 8 ha tôm, trong đó có 3 ha nuôi tôm công nghệ cao, nuôi trong nhà lưới. Nuôi ngoài trời thì họa may mới thắng còn nuôi trong nhà, nhờ quản lý tốt dịch bệnh, ít bị tác động bởi môi trường, nuôi tôm 2-3 giai đoạn nên phần thắng nhiều hơn. Nhưng cả xã này chỉ có khoảng 5 ha nuôi tôm công nghệ cao trên tổng số gần 170 ha nuôi tôm”, ông Lưu chia sẻ.

Người nuôi tôm lo lắng, chưa thể thả tôm giống dù đã ương dèo gần 1 tháng. Ảnh: Võ Dũng.
Với nuôi tôm công nghệ cao, ông Lưu chỉ sử dụng khoảng 1/3 diện tích mặt nước thả tôm; phần còn lại là ao lắng lọc. Điều này giúp người nuôi chủ động hơn với việc lựa chọn thời điểm cấp nước, xử lý trước khi đưa vào hồ nuôi. Còn đa phần người nuôi tôm Vĩnh Sơn sử dụng toàn bộ diện tích để thả nuôi; việc xử lý nguồn nước vì thế gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh nguồn nước nuôi hạ nguồn sông Sa Lung, sông Bến Hải đang bị ô nhiễm thì nguy cơ dịch bệnh rất lớn.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Trường hợp của ông Lưu ở Vĩnh Sơn không nhiều khi đã đầu tư nuôi tôm công nghệ cao từ 4-5 năm trước. Còn ở thời điểm này, đúng là cái khó bó cái khôn.
"Tôi có 3 nghìn mét vuông nuôi trong ao đất. Biết là đầu tư nuôi tôm công nghệ cao thì chắc thắng hơn nhưng diện tích nhỏ, nếu làm ao lắng thì diện tích nuôi còn lại rất ít. Với lại, mấy năm nay thất bát triền miên, nợ mấy chục triệu tiền thức ăn, tôm giống chưa trả hết thì lấy đâu ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư nuôi tôm công nghệ cao”, ông Võ Trung Thành, một hộ nuôi tôm ở thôn Phan Hiền than thở.
Ông Thân Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết, trong tình thế này, nếu người nuôi tôm không chịu thay đổi thì tỷ lệ thành công sẽ ngày một thấp. Hiện nay, một số hộ nuôi tôm đã không còn mạo hiểm với vụ 2,3 trong năm. Thay vì nuôi tôm chuyên canh như trước, một số hộ đã nuôi xen ghép một số loài thủy sản khác có khả năng chống chịu tốt với dịch bệnh.

Nuôi tôm công nghệ cao là một giải pháp giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững. Ảnh: Võ Dũng.
Ông Dũng cũng thông tin thêm, sau loạt bài viết về ô nhiễm thượng nguồn sông Sa Lung đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam (nay là Báo Nông nghiệp và Môi trường) vào cuối tháng 9/2023, ngành chức năng tỉnh Quảng Trị đã giám sát chặt chẽ hơn vấn đề xả thải trái phép. UBND xã Vĩnh Sơn cũng thường xuyên nhận được kết quả quan trắc định kỳ của ngành chức năng nên chủ động thông báo để người dân có cơ sở lấy nước vào các hồ nuôi tôm. Tuy nhiên, bước vào vụ nuôi chính năm nay, hầu hết các kết quả quan trắc nguồn nước đều không đạt yêu cầu nên người nuôi tôm đang rất lo lắng.
“Xã đang đề xuất hỗ trợ nuôi tôm 2 giai đoạn và 1 ha chuyển đổi sang nuôi cá nâu. Kiến nghị các ngành chức năng, chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa, giám sát chặt chẽ và có biện pháp xử lý nghiêm nếu phát hiện ra tình trạng xả thải nguồn nước ô nhiễm ra thượng nguồn sông Sa Lung”, ông Thân Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn.