| Hotline: 0983.970.780

Mấu chốt là do cơ chế, chính sách

Thứ Tư 25/09/2013 , 10:34 (GMT+7)

PGS.TS Nguyễn Văn Tuất, Phó Giám đốc Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện BVTV thẳng thắn: Thực tế thị trường thuốc BVTV thậm chí còn bát nháo hơn so với NNVN phản ánh. Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng cơ chế chính sách vẫn là điều cần phải suy nghĩ.

Theo dõi khá kỹ loạt bài Ma trận thị trường thuốc BVTV trên NNVN (từ ngày 18-20/9), PGS.TS Nguyễn Văn Tuất (ảnh), Phó Giám đốc Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), nguyên Viện trưởng Viện BVTV thẳng thắn: Thực tế thậm chí còn bát nháo hơn. Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng cơ chế chính sách vẫn là điều cần phải suy nghĩ.

Thưa ông, rõ ràng bức tranh thị trường thuốc BVTV hiện nay rất bát nháo. Là một người từng có nhiều năm công tác trong lĩnh vực BVTV, ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

Thị trường thuốc BVTV hiện nay tương đối phức tạp, số lượng tên thuốc thương mại quá nhiều (hơn 3.000 loại). Từ nhiều năm nay Việt Nam đã áp dụng thành công các chương trình như Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, sản xuất lúa theo công nghệ sinh thái. Kiến thức về thuốc BVTV của nông dân cũng được tăng lên rõ rệt, dịch sâu bệnh chính trên lúa được đẩy lùi, góp phần bảo vệ tốt mùa màng, đặc biệt là trên cây lúa. Các chương trình IPM cũng được áp dụng trên một số cây hàng hóa khác…

Mặc dù vậy, lượng thuốc BVTV sử dụng hiện nay vẫn ở mức cao. Thị trường thuốc BVTV khá béo bở nên nhiều công ty dịch vụ thuốc BVTV được thành lập, ra đời. Số lượng thuốc BVTV quá nhiều dẫn đến sự lẫn lộn, tạp nham, bát nháo. Nếu cơ quan chuyên ngành giải thích được vấn đề này thì sẽ có cơ sở để quản lý thuốc BVTV một cách cụ thể, khoa học và việc góp ý mới thiết thực hơn. Nên chăng, có thể tổ chức Hội thảo khoa học về vấn đề mà Báo NNVN đã nêu, có sự tham gia của nhiều đại diện như nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân, nhà nhập khẩu về định hướng sử dụng thuốc BVTV và các đề xuất trước mắt, lâu dài.

Qua điều tra của NNVN cho thấy sự bát nháo của thị trường thuốc BVTV như hiện nay phần nhiều là lỗi ở cơ chế. Cụ thể là việc các cơ quan nhà nước cho phép doanh nghiệp đăng ký hoạt chất, tên sản phẩm quá tràn lan. Chúng ta đang yếu và thiếu ở chỗ nào, thưa ông?

Theo tôi, những người làm công tác quản lý, ban hành văn bản nên tham khảo các nước trong khu vực và xu thế sử dụng thuốc BVTV trên thế giới để rà soát lại danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Từ đó có những qui định về việc đăng ký, khảo nghiệm, phê duyệt và cấp Giấy phép sử dụng thuốc BVTV đối với Việt Nam ta. Nếu các loại thuốc BVTV gần nhau về công thức phối trộn (cần có Hội thảo hoặc Hội đồng khoa học xem xét đề xuất mức độ nào) thì nên giảm dần các đầu mục thuốc (tên thương mại). Qui trình tiếp nhận Hồ sơ cho đến phê duyệt, khảo nghiệm, cấp phép... Cần rà soát lại các cơ quan nào tham gia trong thời gian vừa qua? Nguyên nhân nào mà thuốc BVTV cho phép đăng ký nhiều như vậy? Phải tìm ra nguyên nhân và sự cần thiết có các cơ quan khác tham gia vào chuỗi đánh giá này hay không? Nói tóm lại là phải làm nhiều cách để việc đăng ký đi vào qui lát hơn, không thể để vấn đề như Báo NNVN đã nêu ra vừa qua.

Thị trường thuốc BVTV lộn xộn với nhiều chiêu trò đánh lừa người dân một phần do chế tài xử phạt của chúng ta quá thấp. Thậm chí có nhiều cơ sở kinh doanh thuốc BVTV chấp nhận nộp phạt để mặc sức tự tung tự tác. Ông nghĩ sao?

Đúng như vậy, việc quản lý thuốc BVTV hiện nay tuy ngành BVTV đã cố gắng nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Ví dụ như quản lý ở các cửa khẩu còn khó khăn do nạn buôn lậu hàng hóa, trong đó có chủng loại thuốc BVTV. Nhận thức của nông dân chưa đồng đều, giá thành sản xuất các loại thuốc BVTV thế hệ mới còn cao… Đấy cũng là điều kiện để các loại thuốc BVTV có mức độ độc cao, kém chất lượng vẫn được lưu hành, nhất là các công ty siêu nhỏ, như Báo NNVN đã nêu. Có lẽ cần phải có chương trình giáo dục người Việt Nam tự trọng với hành vi của mình, thúc đẩy mạnh hơn văn hóa mình vì mọi người, không nên có suy nghĩ vẫn biết là thuốc độc hại cho người tiêu dùng, nhưng vẫn sử dụng trong sản xuất, kinh doanh. Có thể đưa vào các chương trình giáo dục, tập huấn, tuyên truyền, qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các hội để phát động phong trào và có đánh giá, khen thưởng kịp thời.


Thuốc BVTV rất độc nguồn gốc từ TQ nhan nhản trên thị trường

Tăng cường kiểm tra giám sát và xử phạt thật nghiêm các đối tượng vi phạm qui định về nhập, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV, kể cả các cán bộ quản lý nếu vi phạm.

Rà soát lại hệ thống mạng lưới dịch vụ thuốc BVTV, có sự tham gia của chính quyền địa phương, coi việc sử dụng thuốc BVTV độc hại, không tuân thủ qui định của ngành là vi phạm pháp luật, được xử lý nghiêm minh. Xem xét để thanh tra chuyên ngành thực hiện tốt hơn nữa ở các cấp. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ thuốc BVTV phải có Bản cam kết với chính quyền địa phương và ngành BVTV.

Để có thể đưa ra một biện pháp làm giảm sự bát nháo của thị trường thuốc BVTV hiện nay theo ông cần phải làm gì?

Trước hết, như đã đề cập, cần tổ chức hội thảo quốc gia, mời các cán bộ quản lý, các chuyên gia về thuốc BVTV, cán bộ ở cửa khẩu, các đại lý thuốc BVTV các cấp, doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ thuốc BVTV, các nhà nghiên cứu, Hội nghề nghiệp liên quan, kể cả mời các chuyên gia nước ngoài tham dự để góp cho nước ta trong việc làm sao sử dụng tốt hơn vấn đề thuốc BVTV. Từ đó các kiến nghị sẽ đưa vào Thông tư, Hướng dẫn đăng ký, khảo nghiệm, đánh giá, phê duyệt, cấp phép sử dụng thuốc BVTV, tìm ra các lỗ hổng về mạng lưới thuốc BVTV. Phải biết được nguyên nhân do tuyên tuyền kém hay do dân trí, hay do công tác chỉ đạo còn yếu kém, hay do kỹ thuật, thuốc BVTV sinh học chưa có sẵn… thì mới giải quyết vấn đề được.

Mặt khác, cần phải tăng cường vai trò của đội chuyên về BVTV trước đây đã tồn tại và phát huy tốt vai trò, sứ mạng bảo vệ cây trồng, như có đội chuyên phun thuốc, sử dụng máy phun thuốc, có cơ chế trợ giá cho nông dân đứng ra làm dịch vụ phun thuốc, mua máy phun thuốc, tăng cường vai trò cán bộ BVTV cấp xã, huyện, dự tính dự báo, phun đúng thuốc và do tổ BVTV thực hiện, nông dân trả phí. Lúc đầu có thể trợ giúp cho đội dịch vụ BVTV để cho nông dân quen dần, sau đó nông dân có thể tự nguyện trả chi phí khi đã quen. Trong trường hợp này, các loại thuốc không đảm bảo chất lượng sẽ bị loại ra, ít có cơ hội bán trên thị trường, và dần dần sẽ được loại bỏ, kết hợp với thanh tra để xử phạt, cấm các thuốc độc hại lưu hành trên thị trường. Có thể thông qua các hoạt động trong Chương trình Nông thôn mới, Cánh đồng mẫu lớn để phục hồi đội chuyên BVTV và có đánh giá, rút kinh nghiệm cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Điều cấp thiết nhất là cần phải rà soát lại các nhóm thuốc, loại thuốc độc hại đối với môi trường, con người, giảm danh mục tên thương mại, xem xét thời hạn cho phép sử dụng thuốc BVTV trên lãnh thổ Việt Nam. Xem xét để liên kết với các Cty, Tập đoàn nước ngoài để có thể tự sản xuất một số loại thuốc BVTV tại Việt Nam, góp phần giảm giá thành thuốc BVTV, chủ động kiểm soát, đánh giá chất lượng và các chỉ tiêu kỹ thuật - kinh tế phù hợp với các loại cây trồng trong điều kiện nước ta.

Xin cảm ơn ông!

Tóm lược Dự luật 756 ngày 15/7/2013 của Thượng Viện Cộng hòa Pháp về hạn chế thuốc BVTV

Phần khái luận:

Sự nguy hiểm của thuốc BVTV đối với sức khỏe con người đang bị đánh giá thấp, nhất là trong dài hạn; Việc giám sát chỉ mới chú ý đến những tổn thương trực tiếp mà chưa đề cập đến ảnh hưởng với hệ nội tiết; Xác nhận của Viện Y tế và nghiên cứu Y khoa quốc gia INSERRM (Pháp) có mối liên hệ giữa phơi nhiễm nghề nghiệp thuốc BVTV với các bệnh Parkinson, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư máu; Cảnh báo nguy hiểm, tuyên truyền của các công ty sản xuất và phân phối thuốc BVTV chưa tạo được mối quan tâm thỏa đáng của cộng đồng; Chương trình quốc gia ECOPHYTO với mục tiêu giảm 50% lượng thuốc BVTV không đạt.

Phần các điều luật:

Các công ty sản xuất không được vì bí mật thương mại, công nghệ mà không công bố đầy đủ các thành phần hoạt chất và phụ gia cho Trung tâm kiểm soát chất độc quốc gia; Phải được bảo hiểm bệnh nghề nghiệp với người tiếp xúc với thuốc BVTV; Tăng thuế suất sản xuất kinh doanh thuốc BVTV 10% từ 1/5/2014 và chuyển tiền đó cho chương trình ECOPHYTO; Phạt 3 năm tù và 300.000 Euro với hành vi sử dụng thuốc BVTV cấm sử dụng; Phạt 5 năm tù và 500.000 Euro với hành vi lưu thông thuốc BVTV cấm; Phạt 7 năm tù và 700.000 Euro với hành vi buôn bán thuốc BVTV cấm có tổ chức.

Xem thêm
Chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo môi trường để hạn chế bệnh dịch

Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh giúp đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, mang lại lợi ích, thu nhập cao hơn cho người nông dân.

Cục trưởng Cục Thú y: ‘Không có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật’

Trước thông tin có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đã đối thoại với các doanh nghiệp để làm rõ tin đồn này.

Lãi gấp đôi khi chuyển sang trồng rau thủy canh

HẢI PHÒNG Mạnh dạn chuyển sang ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Sơn đã thu được lợi nhuận gấp đôi bình thường ngay trong vụ đầu tiên.