| Hotline: 0983.970.780

Nam bộ thắng lớn

Thứ Hai 02/11/2015 , 07:15 (GMT+7)

Năm 2015, các tỉnh Nam bộ tiếp tục trúng mùa, lập kỳ tích mới, đạt sản lượng trên 27 triệu tấn lúa, tăng 0,5 triệu tấn so năm 2014. 

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị “Sơ kết SX trồng trọt năm 2015, triển khai kế hoạch năm 2016 tại Nam bộ” vừa diễn ra tại Cần Thơ.

Vượt khó

Theo Cục Trồng Trọt, năm 2015 khô hạn diễn ra gay gắt trên diện rộng. Mùa mưa đến chậm và lượng mưa ít hơn trung bình nhiều năm, lũ nhỏ…nên việc bố trí thời vụ xuống giống có nhiều thay đổi. Mùa vụ kéo dài hơn, cơ cấu giống lúa thích ứng với tình hình khô hạn, quản lý nước và tình hình dịch hại cũng khó khăn hơn.

Dù vậy, Bộ NN-PTNT kịp thời triển khai nhiều giải pháp cấp bách, các địa phương và nông dân chủ động thực hiện đạt hiệu quả.

SX lúa đã vượt qua thách thức và dự kiến đạt vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Kết quả vụ lúa ĐX 2014-2015, Nam bộ SX hơn 1,6 triệu ha, năng suất bình quân toàn vùng đạt trên 7 tấn/ha, giảm 0,22 tấn/ha nên sản lượng đạt 11,5 triệu tấn, giảm hơn 23.000 tấn so vụ ĐX 2013-2014, trong đó ĐBSCL giảm hơn 43.000 tấn.

Tuy nhiên 2 vụ lúa tiếp theo đều trúng mùa. Vụ HT 2015 toàn vùng có hơn 1,7 triệu ha, giảm hơn 3.500 ha nhưng năng suất vượt trội, bình quân trên 5,4 tấn/ha, tăng xấp xỉ 1 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 9,5 triệu tấn, tăng thêm 154.000 tấn. 

Đặc biệt vụ TĐ 2015, thời tiết tương đối thuận lợi, nông dân ĐBSCL mạnh dạn chuyển đổi với diện tích cao nhất từ trước đến nay, 875.000 ha, tăng hơn 60.000 ha so vụ TĐ trước. Cuối vụ SX thành công mỹ mãn, sâu bệnh ít, lúa trúng mùa, đạt năng suất hơn 5,1 tấn/ha, tăng gần 0,5 tấn/ha đưa sản lượng lên 4,5 triệu tấn, tăng hơn 350.000 tấn so vụ TĐ trước.

PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Nam bộ còn vụ lúa mùa với diện tích hơn 316.000 ha, tăng thêm 6.200 ha, ước sản lượng toàn vùng sẽ có thêm hơn 1,4 triệu tấn, nâng tổng sản lượng lúa cả năm 2015 đạt trên 27 triệu tấn, tăng gần 0,5 triệu tấn so với năm ngoái.

Tiến bộ rõ rệt là nông dân chuyển hướng SX đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng lúa gạo. Vụ HT 2015, nhóm giống lúa chất lượng cao chiếm tới 38%, nhóm chất lượng trung bình 24,1% và nhóm giống lúa thơm 21%, còn lại là nhóm giống lúa khác và nếp.

Riêng vụ TĐ chuyển đổi mạnh nhóm giống lúa chất lượng cao, lúa thơm đón thị trường có giá bán tốt. Nông dân không phàn nàn tình trạng bán lúa giá thấp.

Thách thức

Bước vào mùa lúa mới, các cơ quan chuyên môn nhận định nước lũ không về, mực nước trên sông Cửu Long thấp nên một số địa phương sẽ vào vụ ĐX 2015-2016 sớm hơn 15 - 20 ngày so với cùng kỳ.

Cục Trồng trọt dự kiến kế hoạch SX lúa 2016 ở Nam bộ sẽ có hơn 4,6 triệu ha, sản lượng đạt trên 27,2 triệu tấn, tăng hơn khoảng 180.000 tấn so năm 2014. Trước mắt phải đảm bảo thắng lợi vụ ĐX 2015-2016.

Đây là vụ cho năng suất, phẩm chất lúa gạo tốt nhất. Sau đó giảm dần diện tích lúa HT tăng diện tích lúa TĐ. Mục tiêu SX lúa năm 2016 là tiếp tục đổi mới, triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đến 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, dự báo tình hình thời tiết, thế giới hạn hán, hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục hoành hành nặng nề... Đại diện Sở NN-PTNT Tiền Giang cho hay, vụ HT vừa qua toàn tỉnh 1.000 ha lúa bị khô hạn. Không có nước lũ, mặn xâm nhập sâu về tới Mỹ Tho. Dự án thủy lợi ngọt hóa Gò Công không đủ nước nên sẽ không làm lúa ĐX 2015-2016 mà chuyển sang trồng màu.

Theo Cục Trồng trọt, vụ ĐX 2015-2016, Nam bộ sẽ triển khai sớm hơn 15 - 20 ngày. Tháng 10/2015 xuống giống sớm 250.000 ha. Tháng 11 vùng phù sa ngọt xuống giống 680.000 ha. Tháng 12 vùng thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu xuống giống 550.000 ha. Một số vùng khó khăn sẽ xuống giống trong 10 ngày đầu tháng 1/2015 với khoảng 110.000 ha. 

Ở một số vùng, Tiền Giang dự kiến chuyển đổi cây trồng vụ XH để đến tháng 4 xuống giống lúa vụ HT và nối tiếp vụ TĐ. Cần có giải pháp về thủy lợi để đảm bảo nguồn nước, nhất là tại các đập, cửa cống ngăn mặn giữ ngọt.

Sóc Trăng được coi là vùng chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nề. Vụ HT thường xuyên đối phó xâm nhập mặn từ Bạc Liêu. Sở NN-PTNT Sóc Trăng khuyến cáo, đối với vụ XH, vùng có nguy cơ cao không làm lúa XH nên chuyển sang cây trồng khác như trồng bắp, trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Lên lịch lấy nước cụ thể để đáp ứng thời vụ SX.

Kiên Giang là tỉnh SX lúa lớn nhất cả nước với chiều dài 200 km bờ biển, có gần 40 cống lớn ngăn mặn. Tỉnh kiến nghị Trung ương bổ sung hỗ trợ kinh phí để phòng chống hạn, mặn.

Trước tình hình cực kỳ khó khăn về khô hạn và xâm nhập mặn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các cơ quan thuộc Bộ cần tính toán về cơ cấu giống, giống cây trồng chịu mặn; thường xuyên cập nhật thông tin dự báo khí tượng thủy văn... để hỗ trợ các tỉnh SX.

"Tổng cục Thủy lợi phải phối hợp các địa phương có giải pháp ngăn mặn, giữ ngọt, trữ nước trên hệ thống kênh rạch nội đồng phục vụ cho vùng SX lúa. Ở những nơi nguy cơ xâm nhập mặn cao, cần bố trí thời vụ xuống giống thích hợp hoặc thay đổi cơ cấu cây trồng", Thứ trưởng chỉ đạo?

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Chia sẻ cách tiếp cận liên ngành theo chuỗi về an toàn thực phẩm

THỪA THIÊN - HUẾ Các đại biểu đã cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu về an toàn thực phẩm từ Dự án 'Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một Sức Khỏe'.

Tân Lạc thu hoạch trên 1.000 tấn quýt Vân Sơn

HÒA BÌNH Mùa vụ này các nhà nông Mường Bi lại được mùa quýt Vân Sơn, sản lượng cho thu hoạch ước trên 1.000 tấn quả, đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.