Đại diện NHNN tại phiên tòa |
Đáng chú ý, trước thời điểm HĐXX tuyên án, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn hỏa tốc số 1861/NHNN/TTGSNH về một số nội dung liên quan đến phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo khác xảy ra tại PVN, đặc biệt là nội dung liên quan đến vấn đề mua Oceanbank với giá 0 đồng.
Trước đó, suốt phiên tòa vấn đề này đã được các luật sư, những người tố tụng, người làm chứng và cả các bị cáo tranh cãi gay gắt.
Bị cáo Đinh La Thăng khẳng định “việc NHNN mua Oceanbank với giá 0 chính là mấu chốt khiến số tiền 800 tỷ đồng bị mất khi lộ trình thoái vốn của PVN đã vạch ra trước đó không thể triển khai”.
Tương tự, Hà Văn Thắm với tư cách người làm chứng tại phiên xử cũng nhiều lần khẳng định việc Ngân hàng Nhà nước mua Oceanbank với giá 0 đồng là không đúng quy định và yêu cầu xem xét lại.
Luật sư Lê Văn Thiệp thậm chí còn cho rằng, việc mua ngân hàng với giá 0 đồng là hoàn toàn trái với Hiến pháp và kiến nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan thanh tra, giám sát của NHNN đã buông lỏng quản lý, không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật dẫn đến việc vi phạm các quy định về cho vay tín dụng. Đề nghị HĐXX kiến nghị hủy Quyết định 663/QĐ-NHNN ngày 6/5/2015 về việc mua bắt buộc toàn bộ cổ phần và chuyển đổi Oceanbank vì làm thất thoát và thiệt hại đến tài sản của các cổ đông trong đó có PVN chiếm 20% vốn điều lệ.
Giải trình nội dung này NHNN khẳng định: Việc mua lại toàn bộ cổ phần của Oceanbank với giá 0 đồng là đầy đủ cơ sở pháp lý, đúng thủ tục, đúng quy định của pháp luật.
Công văn hỏa tốc của NHNN thể hiện, theo kiến nghị của TAND TP Hà Nội về vụ án Hà Văn Thắm và các bị cáo khác xảy ra tại OceanBank ngày 11/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về vấn đề này và có ý kiến kết luận: Việc mua bắt buộc các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt là có cơ sở pháp lý… Văn bản này cũng đã được gửi đến TAND tối cao, TAND TP Hà Nội và các cơ quan tiến hành tố tụng.
Việc “cản trở” PVN thoái vốn dẫn đến 800 tỷ đồng bị mất, các ý kiến “cáo buộc” cho rằng khi luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực năm 2011, nhưng thời điểm đó NHNN chưa có văn bản hướng dẫn việc thoái vốn khi vi phạm tỷ lệ sở hữu, phải đến 1/6/2015 mới ban hành Thông tư 06 hướng dẫn về thời hạn, trình tự, thủ tục thoái vốn khỏi các NH thương mại cổ phần, NHNN giải trình: Khoản 5, điều 161 luật Các TCTD năm 2010 quy định: "NHNN hướng dẫn cụ thể thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài đang hoạt động trước ngày luật này có hiệu lực thi hành không phù hợp với quy định tại các điều 55, 103, 110, 115, 129 và 135 của luật này. Như vậy, nội dung điều luật trên chỉ quy định chuyển tiếp đối với các trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại khoản 2, điều 55, phát sinh trước thời điểm luật Các TCTD năm 2010 có hiệu lực (tức ngày 1/1/2011)”.
Ngay sau khi luật này có hiệu lực, các cổ đông tổ chức tín dụng phải chủ động thực hiện việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần để phù hợp với quy định tại khoản 2, điều 55. Việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sở hữu vượt tỷ lệ quy định có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.
NHNN ban hành Thông tư 06 để quy định cụ thể về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với các TCTD có cổ đông sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định. Thông tư 06 không quy định trình tự, thủ tục thoái vốn như các ý kiến đề cập.
Còn nội dung liên quan tới góp vốn 300 tỷ đồng của PVN vào Oceanbank, NHNN thừa nhận chỉ ban hành công văn 6382 chấp thuận việc Oceanbank tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng chứ không chấp thuận việc PVN góp thêm vốn vào Oceanbank.