| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An nợ gần 900 tỷ đồng vì... nông thôn mới

Thứ Năm 29/09/2016 , 09:50 (GMT+7)

Sau khi huy động nguồn lực thực hiện và về đích nông thôn mới (NTM), nhiều xã ở Nghệ An bỗng trở thành “chúa Chổm”. Địa phương nợ ít cũng vài ba tỷ đồng, nhiều thì trên 20 tỷ đồng. Đến cuối tháng 4/2016, nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc chương trình NTM là 887 tỷ đồng.

Số nợ đọng này hầu hết được các doanh nghiệp cho ứng trước để thực hiện công trình và phải trông chờ vào nguồn đấu giá đất ở hoặc tiếp tục huy động sức dân. Các địa phương phải xoay sở thế nào?

 

Nợ gần 900 tỷ đồng

Tính đến cuối tháng 3/2016, Nghệ An có 112 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 25,9%, vượt mức 5,9% so với kế hoạch đề ra; một huyện cán đích NTM. Tổng số tiền huy động xây dựng NTM là 20.912,7 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 31%. Thế nhưng, hầu hết các địa phương, đặc biệt là các xã cán đích NTM đều đang đau đầu với các khoản nợ đọng.

Theo thống kê của Văn phòng điều phối NTM tỉnh Nghệ An, đến cuối tháng 4/2016, nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc chương trình NTM là 887 tỷ đồng. Trong đó, nợ đọng của các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM là 576 tỷ đồng.

Có thể kể tên một số xã như Tân Sơn 3 tỷ đồng; Thái Sơn trên 8 tỷ đồng; Thịnh Sơn (Đô Lương) gần 10 tỷ đồng; Thanh Tiên (Thanh Chương) trên 7 tỷ đồng; Hưng Tiến (Hưng Nguyên) 14 tỷ đồng; Nghĩa Long (Nghĩa Đàn) 17 tỷ đồng; Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) gần 20 tỷ đồng; Sơn Thành (Yên Thành) 23 tỷ đồng…


Nhà Văn hóa xã Hưng Tiến, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (Ảnh: Người lao động)

 

Để về đích NTM theo đúng lộ trình, các địa phương đã huy động tối đa sức dân. Theo báo cáo kết quả huy động nguồn lực xây dựng NTM của Tân Sơn (Đô Lương), tổng kinh phí xây dựng NTM của địa phương này gần 156,5 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp, đầu tư 76,35 tỷ đồng. Tính ra, mỗi người dân, trong vòng 4 năm đã đóng góp gần 15 triệu đồng bao gồm cả hiến đất, ngày công lao động, đóng góp tiền mặt... Còn nếu tính trên số tiền đóng góp thực tế, bình quân mỗi người dân Tân Sơn nộp 1,7 triệu đồng/4 năm.

Thái Sơn có 7.485 nhân khẩu, tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM của xã là 124 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 67%, tương đương với 83,08 tỷ đồng. Trừ các đối tượng được miễn giảm, toàn xã còn lại 5.100 nhân khẩu thuộc diện huy động. Tính ra, bình quân mỗi nhân khẩu phải đóng góp xây dựng NTM số tiền trên 16 triệu đồng.

Theo lộ trình, Thái Sơn sẽ trả hết nợ NTM vào năm 2019. Hiện Thái Sơn đã quy hoạch được 25 lô đất và đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt cho bán đấu giá. Nếu bình quân mỗi lô bán với giá 300 triệu đồng, địa phương được trích lại 30% theo quy định thì Thái Sơn sẽ có 2,25 tỷ đồng từ nguồn bán đất để trang trải nợ nần. Nếu vẫn chưa đủ, địa phương sẽ phải tiếp tục huy động nhân dân, ngân sách xã, xin thêm ngân sách huyện, tỉnh…

 

Không về đích NTM bằng mọi giá

Nguyên nhân khiến các địa phương ở Nghệ An lâm vào cảnh nợ nần khi về đích NTM một phần do có sự thay đổi trong chính sách hỗ trợ của Trung ương. Trước khi thực hiện chương trình các địa phương áp dụng Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mức hỗ trợ là 100% cho 7 nội dung, gồm: Quy hoạch, đào tạo, y tế, giáo dục, giao thông trục chính, nhà văn hóa và trụ sở UBND xã. Các địa phương đã huy động các nguồn vốn tạm thời để triển khai xây dựng các hạng mục công trình trên, chờ ngân sách Trung ương hỗ trợ sẽ trả nợ sau.


Cổng vào trụ sở xã Nghĩa Đồng (H.Tân Kỳ, Nghệ An) (Ảnh: Báo Thanh niên)

 

Thế nhưng, khi cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 được thực hiện theo Quyết định số 695/QĐ-TTg thì các địa phương đã lâm vào cảnh nợ nần. Theo đó, chỉ hỗ trợ 100% từ ngân sách nhà nước cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, các xã còn lại chỉ hỗ trợ 3 nội dung, gồm: Quy hoạch, đào tạo, trụ sở UBND xã nên trong quá trình triển khai xây dựng tại các địa phương không cân đối được nguồn lực để xảy ra nợ đọng.

Cũng tại Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có quy định cơ chế huy động vốn của địa phương để tổ chức triển khai chương trình. Theo đó, HĐND tỉnh quy định tăng tỷ lệ vốn thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn xã (sau khi đã trừ đi chi phí) để lại cho ngân sách xã, ít nhất 70% để thực hiện xây dựng NTM.

Do đó nhiều địa phương triển khai thi công các công trình hạ tầng trên địa bàn, đồng thời quy hoạch tạo quỹ đất để khi có chủ trương của tỉnh về trích tỷ lệ như tại Quyết định 800 sẽ bán để trả nợ. Tuy nhiên do khó khăn trong việc thu ngân sách nên tỉnh chưa thực hiện được (hiện tại phần để lại cho xã chỉ 30%) do đó với giá trị đất ở địa bàn nông thôn không cao thì phần để lại 30% cho xã là không nhiều, không đủ để thanh toán cho các công trình đã thi công.

Bên cạnh đó, không loại trừ một số địa phương có dấu hiệu chạy theo thành tích, tư duy nhiệm kỳ, việc huy động các nguồn lực còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò chủ thể của người dân.

Ông Nguyễn Văn Hằng, Phó Chánh văn phòng Văn phòng điều phối NTM Nghệ An cho biết: “Quan điểm chỉ đạo của chúng tôi là không về đích bằng mọi giá. Tiêu chí quan trọng nhất trong xây dựng thành công xã NTM là chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện. Để trả nợ tiền làm NTM, ngoài quy hoạch đất để bán đấu giá, các xã vẫn phải tiếp tục huy động xã hội hóa, chờ nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện. Việc tiếp tục huy động sức dân hiện nay phải nói là rất khó, cần có sự đồng thuận cao chứ không được ép buộc…”.

 

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.