| Hotline: 0983.970.780

Nghị quyết nuôi mèo

Thứ Ba 22/11/2011 , 10:28 (GMT+7)

Qua câu chuyện nghị quyết nuôi mèo ở xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn (Sơn La) cho thấy hiệu quả kép lâu bền từ một ý tưởng đơn giản mang lại.

Xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn là vựa ngô lớn nhất tỉnh Sơn La. Người dân nơi đây có thói quen sau vụ thu hoạch tích ngô tại kho để sau tết bán được giá hơn. "Nắm bắt" được quy luật này, lũ chuột rừng ùn ùn kéo về phá phách kho ngô khiến bà con mất ăn mất ngủ.

MẤT CẢ TRĂM TẤN NGÔ VÌ CHUỘT

Mấy năm trở lại đây, người dân Chiềng Sung không bao giờ bán ngô ngay sau vụ thu hoạch mà để ngô chín nỏ “treo đèn” trên nương mới đem về cất giữ tại các kho chứa đợi sau tết được giá mới đem bán cho thương lái. Chủ tịch UBND xã Chiềng Sung Cà Thị Hoan tâm sự, thói quen tích trữ ngô của người dân Chiềng Sung rất có lợi vì bán cao hơn 2 - 3 giá lại không bị tư thương ép giá lúc chính vụ. Tuy nhiên, việc tích trữ ngô tại các kho bằng phên nứa đơn sơ vô tình thu hút lũ chuột từ rừng về phá phách.

Nhớ lại cái ngày nạn chuột hoành hành ác liệt nhất cách đây ba năm, Chủ tịch xã Chiềng Sung Cà Thị Hoan vẫn còn thấy rùng mình: “Ngày đó chuột nhiều vô kể, kho ngô nhà nào cũng bị chúng phá tan tành, bung bét. Tai quái nhất là lũ chuột cắn linh tinh mỗi bắp ngô một ít và chỉ ăn phôi mầm rồi bỏ lại khiến ngô xấu mã rất khó bán. Có năm chúng tôi thống kê số lượng ngô bị lũ chuột ăn mất tại xã Chiềng Sung lên đến cả trăm tấn. Ruột gan như xát muối mà không làm cách nào tiêu diệt lũ chuột cho xuể". 

Nhờ nuôi mèo mà những kho ngô của người dân Chiềng Sung được bảo toàn nguyên vẹn trước lũ chuột

Ông Lò Văn San, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Sung cho biết thêm, ngày đó chính quyền, người dân xã Chiềng Sung cũng đã giở mọi ngón nghề từ dân gian đến hiện đại để tiêu diệt lũ chuột ăn tàn phá hại như đánh bả, đặt bẫy rồi thuê cả trẻ con người Mông đi bắn nỏ nhưng số lượng chuột diệt được không sao xuể so với tốc độ đẻ chóng mặt của chúng.

Đêm đêm, chuột chạy rào rào trên mái nhà, làm tổ sinh con đàn cháu đống trong các kho ngô, không chỉ ngô mà tất cả đồ dùng, vật dụng trong nhà cũng bị chúng cắn nham nhở. Điểm lại, trong những cách diệt chuột thì việc dùng bả ống của Trung Quốc phát huy hiệu quả khá hơn cả. Nhưng lũ chuột bị chết chúng cũng kịp kéo theo vài chú gà, dăm chú chó đi theo do ăn phải xác chúng.

Vậy là chỉ sau một thời gian, chuột chết thì ít mà gà, chó chết nhiều nên xã Chiềng Sung phải ra lệnh cấm đánh bả chuột. Đang trong lúc khó khăn thì tại bản Cao Sơn, xã Chiềng Sung có một mô hình diệt chuột hoàn toàn mới mẻ xuất hiện. 

Nhờ mèo nên người dân xã Chiềng Sung không ăn thịt mèo

Bà Nguyễn Thị Quyền, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân bản Cao Sơn nhớ lại, do chuột phá hại mùa màng của bà con nhiều quá, bản thân kho ngô nhà bà Quyền cũng không ngoại lệ. Thậm chí ngô mới mọc mầm trên nương cũng bị lũ chuột bới lên ăn cho bằng sạch. Nhận thấy những cách diệt chuột đang triển khai không phát huy hiệu quả, bà Quyền nảy ra ý nghĩ nuôi kình địch của chuột để xua đuổi chúng ra khỏi bản làng.

Vậy là ngay hôm sau, một nghị quyết nuôi mèo của bản Cao Sơn đã ra đời với sự tán thành của 100% xã viên. Theo đó, mỗi gia đình phải nuôi ít nhất hai con mèo, những hộ nghèo không có tiền được Chi hội cho vay không lãi 100.000 đồng mua mèo giống. Đặc biệt, nghị quyết cấm tất cả người dân không được ăn thịt mèo, không được dùng bả chuột, hộ gia đình nào nuôi được nhiều mèo sẽ được khen thưởng tuyên dương trước bản. 

Bí thư Chị bộ Cao Sơn Nguyễn Duy Đức đang đùa với chú mèo mướp nhà mình

NHÂN RỘNG

Từ khi phong trào nuôi mèo phát triển rầm rộ ở Cao Sơn, lũ chuột gần như mất tích. Bí thư Chi bộ bản Cao Sơn Nguyễn Duy Đức chia sẻ, ngày đàn mèo mới được đưa về, mỗi đêm một con mèo bắt được tới cả chục con chuột. Chuột nhiều đến mức mèo chỉ ăn mỗi cái đầu rồi vứt bỏ, sáng dậy nhà nào cũng thấy xác chuột không đầu lăn lóc khắp sân bãi.

Chỉ trong vòng 1 năm, số lượng đàn mèo tại bản Cao Sơn đã phát triển lên tới 500 con trên tổng số 86 hộ dân. Như vậy, bình quân mỗi gia đình tại bản Cao Sơn nuôi đến 5 con mèo, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Riêng hộ gia đình ông Đức, lúc đỉnh điểm nuôi tới 20 con mèo lớn nhỏ. Nhờ có 20 chú tiểu hổ canh giữ nên trong vòng bán kính vài trăm mét xung quanh nhà, ông Đức không bao giờ thấy dấu chân chuột bén mảng tới. Nay đàn chuột gần như lánh nạn đi nơi khác nhưng ông Đức vẫn giữ lại hai con nuôi cho vui cửa vui nhà vì lũ mèo ăn uống chẳng tốn bao nhiêu.

Ở xã Chiềng Sung, đi đâu cũng gặp mèo

Nhận thấy phong trào nuôi mèo tại Cao Sơn phát huy hiệu quả rõ rệt, Đảng ủy xã Chiềng Sung triệu tập tất cả Bí thư Chi bộ các thôn, bản tới họp ra nghị quyết nuôi mèo. Dù chỉ là một “nghị quyết” bằng miệng nhưng tất các các bản trong xã Chiềng Sung đều áp dụng vì nhận thấy hiệu quả của mô hình.

Vậy là chỉ trong vòng 5 năm từ 2005 đến nay, số lượng đàn mèo tại xã Chiềng Sung phát triển lên hàng nghìn con. Có lẽ, không phải nơi nào khác mà Chiềng Sung chính là xã có mèo nhiều nhất của tỉnh Sơn La khi mỗi nhà đều nuôi từ 2 - 3 con mèo trở lên.

Chẳng nói đâu xa, ngay như nhà Chủ tịch xã Chiềng Sung Cà Thị Hoan cũng gương mẫu nuôi tới 6 con mèo. Vào thăm nhà chị Hoan, đập ngay vào mắt chúng tôi là đàn mèo mướp xinh xắn đang vờn nhau đùa nghịch trên đống ngô nhìn vô cùng đáng yêu. Chị Hoan cho biết, từ ngày nuôi mèo kho ngô nhà chị không bị mất dù một bắp, đêm đến mọi người cũng được ngủ ngon bởi không còn tiếng chuột cắn phá đuổi nhau ầm ầm như trước.

Qua câu chuyện nghị quyết nuôi mèo ở xã Chiềng Sung cho thấy hiệu quả kép lâu bền từ một ý tưởng đơn giản mang lại. Ông Đỗ Thanh Huy, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội (Hội Nông dân tỉnh Sơn La) cho biết, Hội đang có ý tưởng nhân rộng mô hình nuôi mèo tại xã Chiềng Sung sang các địa phương khác bởi hiện người dân Chiềng Sung sẵn sàng cung cấp mèo giống miễn phí cho những nơi nào có nhu cầu.

Có một điều vô cùng đặc biệt, mèo ở Chiềng Sung rất nhát, không mấy khi sờ được vào người chúng kể cả chủ nhân. Lý giải điều này, người dân Chiềng Sung cho biết nuôi mèo chủ yếu với mục đích bắt chuột. Chính vì vậy, người dân hạn chế ôm ấp chúng để tránh làm giảm tính hoang dã và làm mèo lười đi.

Ở Chiềng Sung, việc một chú mèo cái thỉnh thoảng lại dẫn đàn con lít nhít từ ngoài nương rẫy về nhà là chuyện bình thường bởi chẳng mấy khi chúng sinh con ở nhà. Dù đàn mèo giờ đã đông đúc, nhưng nhờ loài mèo nên người dân Chiềng Sung rất ít khi giết thịt mèo. Nếu nhà nào đàn mèo sinh sôi nảy nở quá nhiều họ sẽ đem tặng những hộ gia đình chưa có mèo. Nhờ tinh thần cộng đồng tương thân tương ái đó mà xã Chiềng Sung có khoảng 2.000 hộ dân thì cả 2.000 hộ đều có mèo.

Quả không ngoa chút nào, đi xe máy trong xã Chiềng Sung chúng tôi phải đi rất chậm và hết sức rón rén vì sợ đâm phải lũ mèo chốc chốc lại phi qua đường. Mèo phơi nắng trên bờ rào, mèo ngồi trên mái nhà rồi mèo nằm la liệt ở sân ngô, gần như nơi nào ở Chiềng Sung chúng tôi cũng nhìn thấy mèo.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

ABIC Kiên Giang chi trả gần 700 triệu đồng cho khách hàng

Cà Mau Ngày 25/4, ABIC Kiên Giang phối hợp với Agribank Cà Mau chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình 3 khách hàng không may gặp rủi ro khi lao động sản xuất.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm