| Hotline: 0983.970.780

Người giúp việc gia đình dễ bị lạm dụng

Thứ Hai 23/12/2013 , 09:56 (GMT+7)

Người giúp việc gia đình đang phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng sức lao động, bị bạo lực, ngược đãi, quấy rối tình dục...

“Người giúp việc gia đình (GVGĐ) đang phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng sức lao động, bị bạo lực, ngược đãi, quấy rối tình dục hay không được gia chủ thực hiện đúng thỏa thuận ban đầu về công việc, thời gian, tiền lương”, bà Doãn Thị Thuận, Hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo TƯ) chia sẻ tại Hội thảo “Lao động giúp việc và chính sách pháp luật liên quan” do Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức ngày 21/12 tại Hà Nội.


Ảnh minh họa

Theo bà Thuận, tuy không trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, nhưng lao động GVGĐ đã tạo điều kiện cho lực lượng lao động chính, có chất lượng cao, phát huy khả năng, trí sáng tạo trong hoạt động SX, phát triển kinh tế xã hội. Chiếm tới 98,7% là nữ, GVGĐ chủ yếu từ nông thôn lên thành phố làm việc, đã đóng góp quan trọng trong việc giải phóng phụ nữ làm việc ngoài xã hội khỏi gánh nặng công việc trong gia đình, có nhiều thời gian hơn dành cho sự nghiệp, học hành, nghỉ ngơi, giải trí...

Mặt khác, GVGĐ cũng mang lại thu nhập tương đối ổn định cho nhiều lao động, đặc biệt là lao động nữ ở nông thôn có trình độ học vấn thấp, không có nghề nghiệp ổn định. Theo Trung tâm Dự báo và Thông tin thị trường lao động Quốc gia, số lượng việc làm liên quan tới GVGĐ sẽ tăng từ 157.000 người năm 2008 lên tới 246.000 người vào năm 2015.

Môi trường làm việc của người GVGĐ thường khép kín trong không gian nhà riêng của người sử dụng lao động, nên GVGĐ có nguy cơ bị lạm dụng sức lao động, gặp phải những rủi ro như bị bạo lực, ngược đãi, quấy rối tình dục; không được gia chủ thực hiện đúng thỏa thuận ban đầu về công việc, thời gian, tiền lương,... hoặc các quyền lợi của họ không được đảm bảo, như quyền được chi trả một phần BHYT, BHXH. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp người sử dụng lao động GVGĐ cũng khốn đốn vì tính khí thất thường, đỏng đảnh, đòi tăng lương vô lối, nghỉ không báo trước của một số GVGĐ.

Bổ sung cho những khó khăn mà nhóm lao động trên đang gặp phải, bà Ngô Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD) cho hay, sau khi nghiên cứu tại TP Hà Nội và TP HCM cho thấy, tới 42,5% phụ nữ ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có nhu cầu làm GVGĐ. Lý do bởi gần 50% vì nghèo; 65,7% muốn có thêm thu nhập cho cuộc sống bản thân và gia đình; 9% không tìm thấy nghề phù hợp…

Phần lớn nhóm lao động này thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật liên quan nên khi được gia chủ thuê GVGĐ theo giờ, dù được trả lương cao nhưng lại ẩn chứa nhiều rủi ro như dễ nảy sinh mâu thuẫn với gia chủ, dễ bị bóc lột, lạm dụng và không được thoải mái trong sinh hoạt cá nhân. Nhóm GVGĐ theo giờ cũng bị hạn chế hoạt động giải trí và giao tiếp với bên ngoài.

Để giải quyết những bất cập trên, hiện nay Bộ LĐTBXH đang xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn một số quyền của GVGĐ đã được quy định trong Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Cụ thể như tại Điều 183 của Bộ luật Lao động sửa đổi quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động bao gồm: Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình; giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động và giữ giấy tờ tùy thân của người lao động là giúp việc gia đình.

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng thì 50% gia đình thuê GVGĐ để làm những công việc nội trợ; 33,8% để chăm em bé và chăm sóc người già, ốm là 17%.

Có đến 98,7% là phụ nữ làm giúp việc gia đình, chủ yếu trong độ tuổi từ 36-55; 2% gần dưới 18 tuổi và 21% trong tình trạng góa, ly hôn, quá lứa lỡ thì. Trình độ học vấn: 28,3% GVGĐ không biết chữ và 98,4% chưa qua lớp đào tạo nghề nào cả.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.