| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ tuyệt chủng loài "hóa thạch sống"

Thứ Năm 24/05/2012 , 10:48 (GMT+7)

Thủy tùng (tên khoa học Glyptostrobus pensilis) là loài cây đặc hữu của Việt Nam và được xem như “hóa thạch sống” của ngành hạt trần...

* Tạo quần thể thủy tùng nhân tạo không khó

Thủy tùng (tên khoa học Glyptostrobus pensilis) là loài cây đặc hữu của Việt Nam và được xem như “hóa thạch sống” của ngành hạt trần; xuất hiện cách đây khoảng 10 triệu năm, cùng thời kỳ với bách xanh cổ. Thủy tùng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cực cao.

Mới đây, hàng ngàn cây thủy tùng đã được TS Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nhân giống thành công bằng hình thức ghép chồi, mở ra hy vọng lớn cho công tác bảo tồn và phát triển loài đặc hữu này.

Nhân được hàng ngàn cây

TS Trần Vinh cho biết, đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái và nhân giống, bảo tồn thủy tùng tại VN” do ông làm Chủ nhiệm được thực hiện từ năm 2007. Đến đầu năm 2011 ông đã thành công trong việc nhân giống thủy tùng bằng cách ghép chồi trên gốc ghép của cây bụt mọc (Taxodiaceae).

Những cá thể thủy tùng ghép chồi đầu tiên trồng ở môi trường tự nhiên đều sinh trưởng, phát triển rất tốt: Cây cao trên 1,4m, đường kính từ 3-4cm, một số cây đã ra nón (hoa và trái của loài lá kim). Tỷ lệ sống bằng phương pháp ghép chồi đạt 70%.

Trước đó rất nhiều cá nhân, tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đã thực hiện nhân giống thủy tùng bằng phương pháp vô tính: Giâm hom, nuôi cấy mô và ghép chồi. Các phương pháp này đều có thể cho ra rễ hoặc nảy chồi, nhưng khi đưa ra trồng ở môi trường tự nhiên thì không thành công.

Các nhà khoa học Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đã thực hiện các phương pháp nhân giống nói trên và cho kết quả như sau: Phương pháp giâm hom đã cho ra rễ với tỷ lệ khoảng 10-30%, nhưng khoảng 2 tháng chuyển từ bầu thí nghiệm ra trồng ở môi trường tự nhiên thì tỷ lệ chết lên đến trên 99%. Đối với phương pháp cấy mô, mặc dù đã thành công trong việc tạo chồi, nhưng việc tạo rễ chỉ đạt tỷ lệ khoảng 23% và cũng bị chết khi trồng ở môi trường tự nhiên.

Riêng phương pháp ghép chồi, sau khi thất bại trên gốc ghép của cây Samu (một trong 2 loại cây cùng loài với thủy tùng), TS Trần Vinh đã tìm hiểu và nhập hạt giống cây bụt mọc từ Mỹ về ươm, sau đó lấy gốc ghép với chồi thủy tùng. Bụt mọc là loại cây có họ hàng gần gũi nhất với thủy tùng.


Tiến sỹ Trần Vinh và những cây Thủy tùng được nhân giống thành công

Kết quả, cho thấy, chồi ghép thủy tùng hoàn toàn tương hợp, sinh trưởng và phát triển tốt trên gốc ghép của cây bụt mọc. Tại vị trí ghép không có hiện tượng phình chân voi, sự phát sinh chồi vượt ở phần gốc ghép rất ít. Sau khi được di thực từ bầu ghép ra môi trường tự nhiên, cây phát triển còn mạnh hơn. Đến nay đã có hơn 1.000 cây thủy tùng được ghép thành công, một số được di thực ra trồng ở môi trường tự nhiên.

Ngắc ngoải chờ bảo tồn

Thủy tùng còn gọi là thông nước, xuất hiện cách đây khoảng 10 triệu năm, là loài cây gỗ lớn, cao tới 25m, đường kính nhiều cây trên 1,3m. Gỗ thủy tùng có mùi thơm nhẹ, vân gỗ rất đẹp. Thủy tùng được ghi trong sách đỏ VN và thế giới thuộc nhóm IA, có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường, đang có nguy cơ diệt chủng cao.

Theo ghi nhận, trên thế giới chỉ còn tồn tại 2 quần thể thủy tùng mọc tự nhiên ở Đắk Lắk với gần 230 cây. TS Trần Vinh và cộng sự cũng đã thực hiện điều tra, nghiên cứu quá trình sinh trưởng cũng như công tác bảo tồn thủy tùng. Kết quả cho thấy, các quần thể thủy tùng còn lại tồn tại theo dạng quần thể nhỏ, mật độ 40-50 cây/1.000 m2, nón đực của cây bị rụng trước khi nón cái đến kỳ thụ phấn, khiến sự giao thoa thụ phấn không thể thực hiện. Các quần thể thủy tùng ở Đắk Lắk đang bị thoái hóa nghiêm trọng, môi trường sống bị biến đổi khiến những cá thể thủy tùng còn lại không thể sinh trưởng, phát triển và đang bị chết dần.

Nguy cơ tuyệt chủng của loài “hóa thạch sống” này càng trầm trọng hơn khi tin đồn về tác dụng của thủy tùng trong việc chữa các bệnh nan y như ung thư, thấp khớp… Rồi lời đồn thổi về tác dụng trấn phong thủy của đồt vật làm bằng gỗ thủy tùng... đã tạo nên “cơn sốt” săn lùng thủy tùng.
Có thời điểm người ta chứng kiến hàng ngàn người với máy móc thiết bị chuyên dụng ngụp lặn ở hồ Ea Ral hàng tháng trời để trục vớt thủy tùng. Sỗ gỗ sau khi trục vớt được các thương lái chờ sẵn trên bờ thu mua với giá cao ngất ngưởng. Rồi dòng người đổ về các vùng ruộng trũng ở xã Ea Hồ, nơi đang tồn tại một trong 2 quần thể thủy tùng để xăm tìm từng mẫu gỗ, nhánh rễ. Đối với những cây sống, dù lực lượng kiểm lâm, dân quân tự vệ được bố trí bảo vệ tương đương với số cây còn sót lại, nhưng hễ sơ sểnh là một vài cá thể thủy tùng lại “bốc hơi”.

Những người có trách nhiệm, tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương cũng đã lập các phương án bảo vệ, bảo tồn. Nhiều hội thảo khoa học được tổ chức để tìm cách cứu lấy loài “hóa thạch sống” này. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có quyết định thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh thủy tùng.

Những tưởng sau khi có cơ quan chuyên trách này, số phận của thủy tùng sẽ khởi sắc hơn, nhưng đã hơn 1 năm trôi qua công tác bảo tồn vẫn không hề có chuyển biến. Một dự án bảo tồn bài bản như lời hứa hẹn vẫn “bóng chim tăm cá”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những nguyên nhân của tình trạng nói trên là do cơ quan quản lý cấp tỉnh và cấp huyện bất đồng quan điểm trong việc chọn giám đốc cho khu bảo tồn.

Việc bảo tồn thủy tùng ngoài công tác bảo vệ, tạo vùng sinh cảnh cho các quần thể tự nhiên còn cần được nhân giống và trồng ra môi trường tự nhiên.

Theo TS Trần Vinh, với thành công trong ghép chồi thủy tùng, thì việc tạo ra các quần thể thủy tùng nhân tạo là không khó. Với các quần thể đủ lớn cùng với sinh cảnh phù hợp, thủy tùng hoàn toàn có khả năng tự thụ phấn, sinh sản bằng hạt. Khi đó công tác bảo tổn loài “hóa thạch sống” này khồng còn là vấn đề nan giải.  

Vấn đề nan giải nhất hiện nay là cần có một đề tài cấp nhà nước, một dự án đủ lớn cả về tài chính lẫn KHKT mới có thể cứu vãn được thủy tùng trước nguy cơ tuyệt chủng. Với tiến độ như hiện nay, có khi đến lúc có được một dự án bài bản thì đến cả việc tìm chồi thủy tùng để ghép cũng còn khó.

Xem thêm
Ứng dụng ruồi lính đen trong chăn nuôi: [Bài 1] Tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn bền vững

Ruồi lính đen không chỉ mở ra cho ngành chăn nuôi nhiều cơ hội về nguồn thức ăn ổn định, mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn phế phụ phẩm.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Vụ đông gánh vụ mùa

Hải Dương Sau bão số 3, những tưởng sản xuất vụ đông sẽ gặp nhiều chật vật, song thực tế lại rất thuận lợi. Nông dân Hải Dương đang có một vụ đông được mùa, trúng giá.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 6] Đất trồng cam ở miền Bắc càng thâm canh càng thoái hóa

TS Lương Đức Toàn, Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sức khỏe đất trồng cam ở miền Bắc cho biết như vậy.