| Hotline: 0983.970.780

Nhật - Trung sôi sục vì biển đảo

Thứ Hai 17/09/2012 , 08:41 (GMT+7)

Quan chức hai bên liên tục phát đi những lời cảnh báo và điều tàu tuần tra tới đảo tranh chấp...

Quan chức hai bên liên tục phát đi những lời cảnh báo và điều tàu tuần tra tới đảo tranh chấp, trong khi hàng chục nghìn người dân Trung Quốc biểu tình đập phá và tẩy chay Nhật Bản trong những ngày qua.

Nhật Bản - Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nằm ở phía đông Trung Quốc và phía tây nam của tỉnh cực nam Nhật Bản Okinawa. Tranh chấp bắt đầu nóng lại từ khoảng tháng 4, khi thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara công khai ý định mua lại chuỗi đảo không người này từ chủ sở hữu tư nhân là một gia đình người Nhật. Sau thủ đô Tokyo, chính phủ Nhật Bản cũng công bố kế hoạch mua đứt chuỗi đảo.

Kể từ khi chính phủ Nhật công bố ý định quốc hữu hóa các đảo trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 7, các quan chức và người dân Trung Quốc lần lượt bày tỏ thái độ phản đối với Nhật Bản. Nhật Bản cũng kiên định lập trường của mình bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc.


Những nhà hoạt động Nhật Bản lên một hòn đảo trong Senkaku/Điếu Ngư để khẳng định chủ quyền với quần đảo hồi tháng trước

Ngày 9/9, phát biểu trong cuộc họp ngắn với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ngay trước cuộc họp của Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Vladivostok, Nga, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phát biểu "bất kỳ hành động nào của phía Nhật nhằm mua bán lại đảo Senkaku/ Điếu Ngư đều là vô hiệu và Trung Quốc sẽ không công nhận việc mua bán dưới bất cứ hình thức nào".

"Nhật Bản cần nhận thức được sự nghiêm trọng của tình hình và không đưa ra quyết định sai lầm", chủ tịch Trung Quốc nói. Ngoài cuộc gặp ngắn kể trên, hai bên Trung - Nhật đã hoãn cuộc họp chính thức bên lề hội nghị APEC vì căng thẳng xung quanh chuỗi đảo.

Ngày 11/9, chính phủ Nhật Bản phê duyệt kế hoạch với khoản tiền gần 26 triệu USD để mua ba trong số 5 hòn đảo. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Osamu Fujimura, khẳng định chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa các đảo để tạo ra môi trường ổn định và an toàn, chứ không muốn chọc giận Trung Quốc.

Ngay sau thông báo của chính phủ Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ không ngồi nhìn lãnh thổ của họ bị xâm phạm.

"Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản dừng ngay lập tức hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và quay trở lại bàn đàm phán để giải quyết tranh chấp. Nếu Nhật Bản vẫn tiếp tục hành động, họ sẽ phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng", Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã triệu tập đại sứ Nhật để phản đối quyết định mua đảo của nước này.

Tiếp theo Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 11/9 cũng tuyên bố “theo dõi chặt chẽ các diễn biến của tình hình và có quyền đưa ra hành động đáp trả". Bắc Kinh đã điều hai tàu hải giám đến vùng nước gần Senkaku/Điếu Ngư. Nguồn tin từ Hải giám Trung Quốc cho hay cơ quan này đã lên một kế hoạch hành động, đồng thời sẽ có những việc làm cụ thể tùy thuộc vào diễn biến tình hình tại đây.


Các tàu hải giám Trung Quốc trong khu vực gần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 14/9. Ở phía xa là máy bay Nhật bay ngang qua vùng trời hòn đảo do Nhật Bản kiểm soát trên thực tế

Trước sự cứng rắn của Nhật, Trung Quốc quyết định điều thêm 6 tàu gồm Hải giám 50, 15, 26, 27, 51 và 66 tới khu vực quần đảo không người. Hai tàu hải giám Trung Quốc tới vùng nước gần các đảo tranh chấp lúc 6h18 sáng 14/9 theo giờ địa phương. Khoảng 7h00, thêm một nhóm 4 tàu khác xuất hiện trong vùng nước mà Nhật tuyên bố chủ quyền. Hai tàu hải giám đầu tiên sau đó rời khỏi khu vực này vào khoảng 7h48. Sau khoảng một ngày, các tàu Trung Quốc đã rút khỏi khu vực xung quanh quần đảo khi cả hai bên phát đi những lời cảnh báo xua đuổi nhau tại vùng nước tranh chấp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu rằng "chuyến tuần tra việc thực thi pháp luật thường niên là hoàn toàn chính đáng". Hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc Xinhua nói chuyến đi của các tàu hải giám "giáng một đòn mạnh mẽ đối với thái độ kiêu căng của Nhật".

Nhật Bản đã thành lập lực lượng khẩn cấp đặc biệt đồng thời triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Tokyo để phản đối và gọi hành động của Trung Quốc là "rất đáng tiếc" và "chưa từng có". Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda cũng khẳng định "sẽ duy trì sự cảnh giác cao nhất và áp dụng tất cả các biện pháp có thể nhằm đảm bảo an ninh" ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Khương Tăng Vĩ (Jiang Zengwei) cũng cảnh báo tranh chấp về biển đảo có thể ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Koichiro Gemba kêu gọi đôi bên hãy bình tĩnh. Tokyo tuyên bố muốn làm sâu sắc thêm quan hệ chiến lược với Bắc Kinh trong thời điểm kỷ niệm 40 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Trong diễn biến mới nhất, chính phủ Nhật tuyên bố đã trao lại quyền kiểm soát các đảo mới mua được, cùng chìa khóa ngọn hải đăng trên đảo cho lực lượng tuần duyên. Hành động này được cho là nhằm thể hiện ý định của chính phủ Nhật không phát triển các công trình gì trên đảo. Các ngư dân Nhật Bản bày tỏ lo ngại nếu tình hình leo thang căng thẳng ảnh hưởng đến ngư trường, và hy vọng tình thế sẽ trở lại êm ả.

Ngoài những phản đối từ phía chính phủ, làn sóng biểu tình chống Nhật trong dân chúng nổi lên ở nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc. Người biểu tình tuyên bố sẽ tẩy chay hàng Nhật, không đi du lịch đến Nhật, gây ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp như điện thoại, máy tính và ngành du lịch của Nhật Bản.

Xe ô tô của đại sứ Nhật Bản ở Bắc Kinh từng bị cướp cờ và hơn 20 cuộc biểu tình chống Nhật đã diễn ra ở nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc trong hơn một tháng qua. Đặc biệt, ước tính có hàng chục nghìn người tham gia biểu tình tại hàng chục thành phố trên khắp Trung Quốc trong hai ngày 15-16/9.

Những người này giận dữ tấn công các nhà hàng, trung tâm thương mại Nhật Bản và ô tô của Nhật sản xuất. Tại Bắc Kinh, khoảng 2.000 người tập trung bên ngoài đại sứ quán Nhật, một số người ném đá, chai nhựa và muốn xông vào vào đại sứ quán khiến cảnh sát Trung Quốc phải dùng dùi cui và khiên chắn để can thiệp.

Cảnh sát phong tỏa nhiều con đường dẫn đến đại sứ quán Nhật và điều một trực thăng tới quan sát từ trên cao. Những cửa hàng Nhật Bản phải đóng cửa để đảm bảo an toàn. Tại Thượng Hải, cảnh sát cũng lập thành hàng rào bảo vệ bên ngoài lãnh sự quán Nhật và thu những khẩu hiệu quá khích của người biểu tình.

Trên mạng xã hội Sina Weibo của Trung Quốc xuất hiện nhiều bức ảnh người biểu tình ở các thành phố phía nam như Trùng Khánh, Côn Minh, thành phố phía bắc như Thái Nguyên và các thành phố phía đông gồm Nam Kinh, Tây An đi biểu tình.


Cảnh sát Trung Quốc chặn một người biểu tình muốn xông vào đại sứ quán Nhật tại Bắc Kinh

Trước tình hình những cuộc biểu tình chống Nhật ngày càng nhiều, Nhật Bản đã yêu cầu cơ quan an ninh Trung Quốc đảm bảo an toàn cho công dân Nhật trên lãnh thổ Trung Quốc. Cơ quan đại diện của Nhật ở Thượng Hải cũng phát đi lời cảnh báo công dân nước mình nên cảnh giác và tìm cách giữ gìn an toàn, sau khi có các báo cáo về những vụ tấn công lẻ tẻ nhằm vào công dân Nhật.

Trong bối cảnh căng thẳng lên cao, truyền thông Trung Quốc đăng nhiều bài viết và ý kiến với lời lẽ mạnh mẽ phản đối Nhật Bản. Báo chí Trung Quốc cũng liên tục đưa tin về các cuộc tập tận của các quân khu nước này như cuộc diễn tập bắn đạn thật đổ bộ đảo, bay diễn tập của các phi cơ chiến đấu J-10, và nhiều phương tiện khác cũng được quảng bá rầm rộ.

Từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland ngày 10/9 cũng lên tiếng quan ngại vì căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản và nói rằng mối quan hệ ổn định giữa hai nước là rất quan trọng đối với toàn khu vực và với Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta sắp có chuyến công du đến Nhật Bản và Trung Quốc. Dự kiến tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku sẽ là một trong các chủ đề bàn thảo giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại hai nước Đông Bắc Á này.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm